Báo Đồng Nai điện tử
En

Để nông sản Việt Nam trở thành ''cô gái đẹp'' được săn đón

11:11, 20/11/2020

PGS-TS Mai Thành Phụng (ảnh) hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nguyên Trưởng bộ phận thường trực Nam bộ Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN-PTNT). Ông được nông dân thương mến gọi là "Tiến sĩ nông dân" vì nổi danh khắp vùng Đồng Tháp Mười với công trình thế kỷ "trồng lúa nước trên đất phèn", biến một nơi gần như là "vùng đất chết" trở thành một trong những vựa lúa trọng điểm của cả nước.

PGS-TS Mai Thành Phụng (ảnh) hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nguyên Trưởng bộ phận thường trực Nam bộ Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN-PTNT). Ông được nông dân thương mến gọi là “Tiến sĩ nông dân” vì nổi danh khắp vùng Đồng Tháp Mười với công trình thế kỷ “trồng lúa nước trên đất phèn”, biến một nơi gần như là “vùng đất chết” trở thành một trong những vựa lúa trọng điểm của cả nước.

PGS-TS Mai Thành Phụng đã có nhiều chia sẻ về giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp trúng mùa, trúng giá và bền vững trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Nông nghiệp đối diện nhiều thách thức

* Những điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam là gì thưa PGS?

- Đó là phát triển theo số lượng, dựa vào tài nguyên và lao động, chi phí vật tư quá cao, sử dụng quá nhiều nước, lao động nên hiệu quả thấp, lạm dụng hóa chất. Đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam ít, bình quân diện tích đất nông nghiệp trên đầu người ở Việt Nam chỉ bằng 8,7% so với trung bình thế giới. Lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ quá cao và năng suất lao động rất thấp, lao động qua đào tạo tay nghề lại càng ít. Hiện ở Việt Nam, 1 người làm nông chỉ nuôi được 2-2,5 người trong khi ở các nước phát triển 1 lao động nông nghiệp nuôi được 100-150 người. Sản xuất của ta còn lạc hậu, tuy có nhiều tiến bộ nhưng chỉ là bộ phận nhỏ. Sản xuất vẫn chia cắt, không theo chuỗi, do vậy không kiểm soát được chất lượng cũng như không truy xuất được nguồn gốc. Thời tiết hiện nay diễn biến rất phức tạp, đặc biệt năm nay, bão lũ nhiều, trước đó là tình trạng hạn mặn lịch sử.

Đặc biệt, cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp còn yếu kém, hệ thống thủy lợi thiết kế chủ yếu tưới tiêu cho lúa mà chưa thể hỗ trợ cho sản xuất các lĩnh vực sản xuất khác; mức độ cơ giới hóa, tự động hóa và mức độ áp dụng kỹ thuật số trong sản xuất ở ta còn thấp… Đây là những nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm nông nghiệp của ta cao hơn một số nước Đông Nam Á và cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển.

* Theo PGS, cần những giải pháp nào để nông dân có thể sản xuất ra nông sản một cách hiệu quả nhất, nôm na là “trúng mùa”?

- Theo tôi, có rất nhiều cách để “trúng mùa”, nhưng phải bắt đầu từ chính người nông dân và họ phải dựa vào chính mình từ khâu chọn giống đến xây dựng quy trình canh tác thông minh, làm sao ngày càng cải tiến… Các nhà khoa học như chúng tôi ngoài mong muốn nông dân trúng mùa, được giá còn có thêm mong muốn là nông sản còn phải đảm bảo an toàn, nhất là không sử dụng chất cấm trong sản xuất.

Tôi tóm tắt lại những giải pháp này ở trong triết lý canh tác “3 nuôi” là: “người nuôi đất, đất nuôi cây và cây nuôi người”. Khi dịch bệnh xảy ra, nông dân thường chỉ phun, xịt đủ thứ các loại thuốc lên cây trồng nhưng vẫn không hiệu quả. Vì cái gốc của nó là phải bắt đầu bằng việc hóa giải những trục trặc trong đất, cải tạo đất, tăng cường giải pháp canh tác hữu cơ, sinh học…

Ngoài ra còn có nguyên tắc canh tác “4 khỏe” là: “đất khỏe, cây khỏe, người sản xuất khỏe, người tiêu dùng khỏe”. Đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam ít nên phải sản xuất lớn với công nghệ tốt mới đủ lương thực cho chúng ta. Các giải pháp tôi đề xuất cho nông dân là cần tiến tới nông nghiệp thông minh 4.0 bao gồm 3 vấn đề là: Tối ưu hóa về mặt kỹ thuật. Tối ưu hóa về mặt quản lý. Tối ưu hóa về mặt marketing, dự báo thị trường bằng cách xây dựng thương hiệu, uy tín để làm ăn lâu dài; chỉ dẫn địa lý kết hợp du lịch sinh thái...

Ở đây, nông dân nên bắt đầu bằng việc thay đổi thói quen sản xuất là canh tác theo hướng hữu cơ, sinh học, bón phân hóa học cân đối, hợp lý; đầu tư vào khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản, đóng gói. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp, các nhà khoa học, nông dân nên tự nguyện, tự giác học hỏi, thay đổi cách nghĩ, cách làm vì mục tiêu làm giàu cho chính mình và cộng đồng.

Nông dân chủ động hội nhập

* Hạn chế mà nông dân cần khắc phục để trúng mùa, trúng giá là gì, thưa PGS?

- Đa số các cuộc hội thảo, hội nghị về nông nghiệp đều nói rất nhiều về vai trò của Nhà nước, của doanh nghiệp nhưng ít đề cập đến vai trò người nông dân. Bản thân người nông dân cũng có tâm lý trông chờ này.

Tổ hợp tác trái cây an toàn Lộc Mai (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) đang xây dựng chuỗi liên kết trồng xoài xuất khẩu. Trong ảnh: Nông dân tham quan mô hình trồng xoài sạch theo chuẩn xuất khẩu của Tổ hợp tác trái cây an toàn Lộc Mai. Ảnh: B.Nguyên
Tổ hợp tác trái cây an toàn Lộc Mai (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) đang xây dựng chuỗi liên kết trồng xoài xuất khẩu. Trong ảnh: Nông dân tham quan mô hình trồng xoài sạch theo chuẩn xuất khẩu của Tổ hợp tác trái cây an toàn Lộc Mai (Ảnh: Tư liệu)

Tôi cho rằng, ngành Nông nghiệp muốn cạnh tranh được trong giai đoạn hiện nay, ngoài sản xuất, nông dân còn phải đóng vai trò chủ lực trong chuỗi liên kết. Họ phải tự nguyện, tự giác, đặc biệt là làm cách mạng xanh trong nông nghiệp. Nông dân nếu không tham gia xây dựng chuỗi liên kết thì không có cơ sở, điều kiện để đàm phán với đối tác. Quan trọng nhất trong quá trình làm là phải trung thực, làm cái gì được thì nói được, cái gì chưa được thì nói chưa được, trung thực trong ghi chép truy xuất nguồn gốc; chấp hành mọi quy định sản xuất theo GAP hay organic đã ký kết với doanh nghiệp bao tiêu. Hãy làm cho nông sản của mình trở thành “cô gái đẹp” được nhiều nhà hỏi cưới.

* Cơ duyên nào khiến PGS chọn cả đời gắn bó với ngành Nông nghiệp, đặc biệt là công tác khuyến nông?

- Dù có rất nhiều ngành nghề khác nhau để chọn lựa nhưng khi thi đại học, tôi chọn nghề nông vì suy nghĩ của tôi là chọn nghề gắn kết với rất nhiều người, đặc biệt là những người nông dân cần cù, chịu thương, chịu khó.

Tôi thi vào Trường đại học Nông nghiệp 4 (hiện nay là Đại học Nông lâm TP.HCM). Sau khi tốt nghiệp vào năm 1979, tôi được phân công về Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam. Trong 10 năm đầu, chúng tôi tìm hiểu nhiều về các lĩnh vực đất, nước, cây trồng… của Việt Nam trong giai đoạn đó. Sau đó, tôi đi Vương quốc Bỉ học chuyên ngành về lúa và đất phèn. Lúc đó, Việt Nam rất thiếu lương thực nên Nhà nước có chương trình khai phá Đồng Tháp Mười để giúp phát triển an ninh lương thực.

Năm 1988, tôi chính thức về Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Đồng Tháp Mười giữ chức vụ Phó giám đốc, rồi Giám đốc phụ trách về khoa học và chuyển giao kỹ thuật. Lúc đó vùng đất này rất khó vì nông dân vào khai hoang trồng trọt và thất bại vì đất nhiễm phèn nặng. Thành tựu lớn nhất là năm 1994, chúng tôi công bố công trình khai hoang trồng lúa trên đất phèn nặng. Quy trình này được Bộ NN-PTNT công nhận về tiến bộ kỹ thuật. Khi đã giải quyết bài toán về kỹ thuật, để đưa kỹ thuật đó đến nông dân là việc của khuyến nông.

Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Đồng Tháp Mười là nơi làm khuyến nông sớm nhất cả nước Việt Nam. Hệ thống khuyến nông của Việt Nam hình thành năm 1993 nhưng mà từ năm 1989, chúng tôi đã làm công tác khuyến nông bằng việc làm tờ rơi, tờ bướm, đào tạo, tập huấn cho nông dân về sản xuất trên đất phèn. Năm 1990, chúng tôi đã có dự án quốc tế về vấn đề nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật cho vùng Đồng Tháp Mười. Chúng tôi đã lập đội khuyến nông và mời chuyên gia khuyến nông quốc tế đến để lãnh đạo đội khuyến nông này nên ngay từ giai đoạn đầu triển khai đã rất chuyên nghiệp, hỗ trợ nông dân từ kỹ thuật cho đến nguồn vốn.

* Xin cảm ơn ông!

PGS-TS Mai Thành Phụng quê gốc ở tỉnh Tây Ninh. Ngoài công trình thế kỷ “trồng lúa nước trên đất phèn” tại vùng Đồng Tháp Mười, ông còn có nhiều đóng góp trong nghiên cứu những giống lúa mới. Theo PGS-TS Mai Thành Phụng: “Công trình khoa học dù giá trị đến đâu mà để trong ngăn kéo cũng thành vô dụng. Phải đem nó xuống cho nông dân sử dụng và phải nói ra rả hằng ngày, phải tiếp cận với nông dân hằng ngày qua báo, đài mới đem được kỹ thuật tới nông dân”.

Theo đó, PGS là người đầu tiên đề xướng ra chương trình “Nhịp cầu nhà nông”, chương trình phát thanh trực tiếp trên sóng Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP.Cần Thơ hỗ trợ rất nhiều cho nông dân những kiến thức rất bổ ích về sản xuất nông nghiệp. Năm 2002, ông được Nhà nước phong hàm Phó giáo sư Khoa học, được nhiều trường đại học trong và ngoài nước mời thỉnh giảng. Ông có nhiều công trình khoa học mà ông là tác giả hoặc đồng tác giả được in thành sách.

Bình Nguyên (thực hiện)

 

Tin xem nhiều