Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy đà tăng trưởng trong giai đoạn mới

11:10, 02/10/2020

Trong những năm qua, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, giá cả ổn định; hàng hóa, dịch vụ đa dạng, phong phú, chất lượng được cải thiện, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân.

Trong những năm qua, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, giá cả ổn định; hàng hóa, dịch vụ đa dạng, phong phú, chất lượng được cải thiện, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục giữ được mức tăng trưởng khá, bình quân trong giai đoạn 2015-2020 đạt 11%/năm.

Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động kết nối người tiêu dùng với nhà sản xuất, mở rộng các kênh phân phối, bán lẻ từ truyền thống đến hiện đại. Trong đó, đẩy mạnh nâng cao giá trị thương hiệu cho hàng Việt trên địa bàn tỉnh, tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cho hàng Việt, sản phẩm địa phương...

Các hệ thống, kênh bán lẻ trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng, phát triển theo hướng hiện đại giúp cho người tiêu dùng trong tỉnh, nhất là ở những địa phương vùng xa có điều kiện tiếp cận gần hơn với các kênh bán lẻ, hệ thống phân phối hàng hóa đa dạng, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người dân.

Thông qua các cuộc khảo sát, đa số ý kiến của người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn đều quan tâm tới sản phẩm, hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Trong đó, nhiều nhóm sản phẩm, hàng hóa Việt được ưa chuộng hơn trước như: các sản phẩm đồ gia dụng; nhóm hàng thực phẩm, rau, quả; các sản phẩm dệt may… Bên cạnh đó, sức tiêu thụ hàng Việt ở các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, ở các phiên chợ, điểm bán hàng tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng đều trong những năm qua.

Tốc độ phát triển kinh tế ngày càng cao, đã giúp mức tiêu dùng của người dân được cải thiện. Người tiêu dùng có nhiều điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin hơn so với trước đây nên ngày càng thận trọng hơn khi lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ với tiêu chí minh bạch, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu uy tín và chất lượng đảm bảo... Từ những sản phẩm, dịch vụ bình dân đến các sản phẩm cao cấp, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến những yếu tố về sức khỏe, dịch tễ, nguyên tắc về môi trường…

Ngoài ra, người tiêu dùng còn chú trọng tới yếu tố trải nghiệm trong quá trình mua sắm khi bất kỳ khách hàng nào cũng có thể thoải mái lựa chọn các mặt hàng trong một không gian tự do với các hình thức thanh toán dễ dàng, nhanh chóng.

để phát triển mạng lưới bán lẻ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thời gian tới, các doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối cần không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đảm bảo các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…; cũng như xây dựng các phương án cạnh tranh về giá cả, nâng cao chất lượng dịch vụ; quan tâm hơn đến các kênh phản hồi, đánh giá sản phẩm của khách hàng, từ đó nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã để có hướng phát triển sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Chính quyền địa phương cần tiếp tục có những chính sách, chương trình khuyến khích nhiều thành phần kinh tế trong xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, mở rộng hệ thống phân phối sản xuất, kinh doanh; tăng cường các hoạt động hỗ trợ đối với các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường; phát triển các kênh phân phối hàng Việt theo hướng hiện đại, an toàn…

Hơn nữa, với sự phát triển của khoa học công nghệ, mạng xã hội, các dịch vụ về logistics..., nhất là sau những tác động từ dịch Covid-19 trong thời gian qua, các hình thức mua sắm trực tuyến, giao hàng tận nơi, ứng dụng “đi chợ thay” ngày càng phát triển và mở rộng quy mô…

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần “nhạy cảm” với thị trường, kịp thời chuyển đổi số, phát triển các kênh bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử uy tín, triển khai quảng bá sản phẩm trên các website doanh nghiệp, mạng xã hội… để người dân vừa thuận tiện mua sắm, vừa đảm bảo mua được sản phẩm đảm bảo nguồn gốc, chất lượng.

Những năm gần đây, Đồng Nai liên tục nằm trong nhóm những địa phương trên cả nước có chỉ số thương mại điện tử cao. Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử mới đây của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), chỉ số thương mại điện tử của Đồng Nai trong năm 2019 xếp hạng thứ 6 toàn quốc, đứng sau các địa phương: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng...

Do đó, rất cần các phương án phát triển các sản phẩm địa phương trên các kênh bán hàng trực tuyến, xây dựng Sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Nai để tạo điều kiện cho người dân quan tâm và tiếp cận dễ dàng hơn với các sản phẩm đặc trưng, nổi bật của tỉnh; góp phần mở rộng các kênh quảng bá, kênh bán hàng cho hàng hóa địa phương.

Hải Quân

Tin xem nhiều