Báo Đồng Nai điện tử
En

Khám phá nét văn hóa Ấn Độ giữa lòng TP.HCM

10:10, 30/10/2020

Những người Ấn Độ đã đến Việt Nam sinh sống từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nhờ tài kinh doanh, họ trở nên giàu có và đã xây dựng nên nhiều cơ sở tôn giáo ngay tại trung tâm Sài Gòn thời bấy giờ.

Những người Ấn Độ đã đến Việt Nam sinh sống từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nhờ tài kinh doanh, họ trở nên giàu có và đã xây dựng nên nhiều cơ sở tôn giáo ngay tại trung tâm Sài Gòn thời bấy giờ.

Thánh đường Hồi giáo Musulman do người Ấn Độ xây dựng năm 1935
Thánh đường Hồi giáo Musulman do người Ấn Độ xây dựng năm 1935

Trải qua gần trăm năm, những công trình này vẫn còn được giữ gìn vẹn nguyên, góp phần làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa ở vùng đất Nam bộ. 

* Thánh đường Hồi giáo Musulman

Đầu thế kỷ XX, rất nhiều người Ấn Độ đã đến Việt Nam làm ăn, sinh sống. Họ chủ yếu làm các nghề: bảo vệ (trước đây gọi là gác dan), nuôi bò sữa, buôn bán tơ lụa, làm nghề kim hoàn...

Những năm đầu thập niên 1930 đánh dấu sự phát triển thịnh vượng trong công việc kinh doanh của người Ấn. Những thương nhân Ấn Độ theo đạo Hồi đã quyên góp tiền để xây dựng nên Thánh đường Hồi giáo Musulman (hiện tọa lạc ở số 66, đường Đông Du, Q.1).

Thánh đường này được xây dựng năm 1935, có diện tích khoảng 2 ngàn m2. Thánh đường mang đậm kiến trúc đặc trưng Hồi giáo vùng Nam Á. Thánh đường có xu hướng mái bằng; bốn góc có bốn tháp cao. Ngày nay, chúng mang tính trang trí là chủ yếu nhưng ở xứ Ả Rập trước đây, bốn tháp này chính là đài quan sát. Người ta cũng đứng tại nơi đây để gọi tín đồ cầu nguyện để âm thanh được vang xa.

Các họa tiết trang trí thường có các hình dạng: ngọn lửa, hoa sen đang nở; mặt trăng lưỡi liềm (biểu thị cho lịch pháp của Hồi giáo), ngôi sao (biểu trưng cho chân lý của Thượng đế).

Bên ngoài Thánh đường có một hồ nước đề tín đồ “thanh tẩy” trước khi vào làm lễ. Nam giới được vào chính điện để cầu nguyện. Nữ giới có phòng cầu nguyện riêng phía bên phải chính điện và không bao giờ được phép bước sang gian chính điện.

Sau năm 1975, cộng đồng người Ấn dần rời khỏi Việt Nam. Thánh đường này không còn là điểm đến của riêng người Hồi giáo gốc Ấn. Nơi đây đã trở thành Thánh đường quốc tế dành cho mọi tín đồ Hồi giáo, trong đó có nhiều quan chức cấp cao của đại sứ quán các nước Hồi giáo tại TP.HCM.

* Đền Sri. Thenday Yutthapani

Đền Sri Thenday Yutthapani (còn gọi là chùa Ấn giáo, chùa Ông) tọa lạc tại số 66, đường Tôn Thất Thiệp, Q.1, là ngôi đền của những người Ấn theo đạo Hindu.

Đền Thenday Yutthapani được đặt theo tên gọi của vị thần chiến tranh trong văn hóa của người Ấn Độ. Thần Thenday Yutthapani là người lãnh sứ mệnh cai quản đạo thiên binh ở trên trời để chống lại các thế lực ma quỷ, đen tối.

Người Ấn ở khu vực miền Nam Ấn Độ rất sùng bái thần Thenday Yutthapani. Với họ, đây chính là vị thần bảo vệ cho công bằng, lẽ phải, ban cho họ cuộc sống bình an; giới doanh nhân lại xem thần như là thần thương mại, giúp họ buôn may bán đắt.

Ngoài chức năng là một cơ sở tôn giáo, đền Thenday Yuthapani giống như một “bang hội” của người Ấn tại Sài Gòn thời đó. Tất cả công việc làm ăn buôn bán, quyết định sự tồn tại của cộng đồng doanh nhân Ấn Độ đều diễn ra ở đây. Cũng vì chức năng này mà người Pháp gọi đền Thenday Yuthapani là Chùa hành chánh.

Ngoài thần Thenday Yuthapani, đền này còn thờ nữ thần Durga (còn gọi là Hắc thần); thần Ganesha và nhiều vị thần khác.

Về kiến trúc, Thần chủ Thenday Yutthapani được đặt ở gian thờ nơi chính điện. Tín đồ không được đến gần thần chủ. Tất cả phải đi qua một tầng lớp trung gian là tu sĩ (ramin). Chỉ có tầng lớp tu sĩ mới được tiếp cận khu vực thờ thần chủ để hành lễ.

Bên ngoài, đối diện với tượng thần chủ là con công (vật cưỡi của thần chiến tranh), đầu công hướng về phía tượng thần chủ. Ngoài con công, đền còn thờ hai loài vật thiêng khác là bò và ngựa.

Bên trên của tượng thần chủ, phía trên sân thượng của ngôi đền là một ngọn tháp được trang trí bởi rất nhiều tượng ở cả bốn phía.

Hai bên hành lang của chính điện khá rộng rãi. Phía bên trái của chính điện là các bức tường được ốp gạch men được đem từ Ấn Độ sang. Trải qua hơn 80 năm nhưng màu men trên các bức tường vẫn còn rất tươi mới. Trong gian chính điện và khắp bốn phía xung quanh của ngôi đền có treo rất nhiều hình ảnh của các vị thần trong đạo Hindu và các vĩ nhân của Ấn Độ.

Bên trái gian chính điện là cổ xe song mã với tượng thần Murugan ngồi trên xe. Phần xe có nhiều hình điêu khắc tinh xảo bằng bạc với hoa văn, phù điêu, tượng chạm cực kỳ tinh tế. Thuở xưa, người Ấn dùng xe song mã này để làm lễ rước tượng thần Murugan đi khắp các con phố ở Q.1. Ngày nay nghi lễ này không còn được duy trì. Dù vậy, cỗ xe song mã vẫn được giữ nguyên vẹn.

Trước đây, do sự phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo, ngôi đền Thenday Yutthapani chỉ cho phép những người Ấn Độ thuộc tầng lớp cao quý trong xã hội được lui tới. Khi người Ấn dần rời khỏi Việt Nam sau năm 1975, đền Thenday Yuthapani hầu như có rất ít người lui tới. Vì vậy, ngôi đền thường khá vắng vẻ, tĩnh lặng. Ngôi đền được giữ gìn khá nguyên vẹn, từ kiến trúc đến hoạt động tín ngưỡng. Đây có thể được xem là một điểm tham quan thú vị, phù hợp với những người yêu thích tìm hiểu, khám phá văn hóa của vùng đất Nam bộ.

* Đền Mariamman

Đền Mariamman (chùa Bà Ấn) tọa lạc ở số 45, đường Trương Định, Q.1. Thần chủ của ngôi đền là nữ thần Mariamman. Đây cũng là ngôi đền Hindu giáo do cộng đồng thương nhân người Ấn xây dựng nên. Tuy nhiên, khác với vẻ trầm tư, tĩnh lặng của đền Ông, đền Bà Ấn lại khá đông đúc, rất nhiều tín đồ đến đây để hành lễ.

Theo đạo Hindu ở miền Nam Ấn Độ, Mariamman là nữ thần thần làng, thần mưa, thần chữa bệnh đậu mùa và hộ trì cho tầng lớp nữ giới. Nữ thần Mariamman được cộng đồng người Ấn ở Việt Nam thờ như một vị thần hộ trì cho tất cả các lĩnh vực: thương mại, hạnh phúc, sức khỏe...

Tín đồ Hindu giáo đang cầu nguyện tại đền Mariamman
Tín đồ Hindu giáo đang cầu nguyện tại đền Mariamman

Ngôi đền do những người Ấn theo đạo Hindu giáo thuộc tầng lớp nghèo khổ dựng nên từ cuối những năm 1880. Ban đầu, ngôi đền chỉ được làm từ tranh, tre, khá tạm bợ. Đến khoảng năm 1950, ngôi đền đã được dựng lên với quy mô, kiến trúc không thua gì đền Yutthapani.

Nếu như đền Thenday Yutthapani dành cho những người Ấn thuộc tầng lớp cao quý thì đền Mariamman lại dành cho người Ấn thuộc tầng lớp bình dân. Cộng đồng người Ấn này có sự giao lưu, tiếp xúc với người Việt. Do vậy, ngoài người Ấn, những người Việt Nam cũng thường lui tới ngôi đền này.

Về kiến trúc, đền có lối kiến trúc tương tự đền Yutthapani. Gian chính điện thờ thần chủ Mariamman, trừ bậc tu sĩ, các tín đồ không được phép bước chân vào gian chính điện này. Hai bên chính điện là hai vị thần hộ vệ của Bà Mariamman. Theo tín ngưỡng dân gian bản địa, người Việt quen gọi hai vị này là Cô và Cậu. Xung quanh chính điện là các dãy hành lang rộng rãi. Trên mặt tường xung quanh đền có 18 tượng của 18 vị thần, họ đều là hóa thân của thần Shiva.

Theo tín ngưỡng của người miền Nam Ấn Độ, nữ thần Mariamman là người hộ trì cho phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, phụ nữ thường hay đến ngôi đền này để cầu nguyện. Do không thể đi vào đền chính để cầu nguyện nên họ thường hay đến phía sau, úp mặt vào tường đá, vỗ 2 tay vào đá 7 lần rồi cầu nguyện. Họ cho rằng, chỉ đối với nữ thần Mariamman thì người phụ nữ mới có thể nói được tất cả những điều muốn nói mà không sợ bị quở trách. Ngày nay, nhiều người Việt cũng đến đến để cầu nguyện theo cách thức này.

Khác với đền Yutthapani, sau năm 1975, đền Mariamman dù hầu như đóng cửa suốt 10 năm nhưng khi hoạt động trở lại, ngôi đền này nhanh chóng thu hút rất đông tín đồ đến hành lễ, cầu khấn mỗi ngày. Phần đông tín đồ đến đây là những người làm nghề buôn bán.

Ngoài chức năng là cơ sở tôn giáo, đền Mariamman còn trở thành biểu tượng cho quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Ấn Độ.   

Tường Vi

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích