Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa tiết đọc sách vào giờ học chính khóa để phát triển thói quen đọc sách

07:10, 10/10/2020

Đó là mong mỏi đầy tâm huyết từ ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam trong cuộc trao đổi với Đồng Nai Cuối tuần nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam (10-10-1952 - 10-10-2020).

 

Đó là mong mỏi đầy tâm huyết từ ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam trong cuộc trao đổi với Đồng Nai Cuối tuần nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam (10-10-1952 - 10-10-2020).

Tiết học hạnh phúc - chuỗi chương trình khuyến đọc trong nhà trường và cộng đồng của Anbooks - Ankids tại các trường tiểu học phía Nam kể từ ngày 5-10 đến tháng 12-2020. Ảnh: P.T
Tiết học hạnh phúc - chuỗi chương trình khuyến đọc trong nhà trường và cộng đồng của Anbooks - Ankids tại các trường tiểu học phía Nam kể từ ngày 5-10 đến tháng 12-2020. Ảnh: P.T

Là chuyên gia am hiểu và có nhiều cống hiến trong ngành Xuất bản, sách báo, ông Lê Hoàng luôn quan tâm, trăn trở đến việc làm sao phát triển văn hóa đọc, tức thói quen đọc sách trong xã hội.

* Người Việt Nam ít đọc sách

Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam dẫn chứng số liệu về hoạt động xuất bản tại Việt Nam trong 5 năm gần nhất (2014-2019) - không tính số sách giáo khoa - để thấy các tín hiệu tăng khả quan như: số tựa sách (tăng 30% với 37.100 tựa sách năm 2019), số bản in (tăng 19%) và tỷ lệ sách/đầu người (tăng 12%). Dù vậy, tỷ lệ đọc sách của Việt Nam còn tụt hậu so với các nước châu Á như: Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc…

“Nguyên nhân chính có thể liệt kê là do thiếu tiết đọc sách trong khung thời khóa biểu học tập chính thức của nhà trường; các bậc phụ huynh thiếu sự quan tâm, khuyến khích thói quen đọc sách từ bé cho trẻ và các NXB, công ty kinh doanh sách chưa thật sự quan tâm công tác nghiên cứu thị trường và góp phần nâng cao thói quen đọc sách trong công chúng. Văn hóa đọc của người Việt Nam chúng ta là quá thấp, do đa số người Việt Nam không có thói quen đọc sách - một thói quen chưa được tạo dựng từ khi còn bé và còn ngồi trên ghế nhà trường” - ông Lê Hoàng chỉ rõ.

* Phát triển thói quen đọc

Nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam 2020, ông Lê Hoàng tiếp tục kiến nghị những giải pháp thúc đẩy thói quen đọc sách, cụ thể là: “Chúng ta có thể thành lập một ủy ban quốc gia phát triển văn hóa đọc Việt Nam bao gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới đọc, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực liên quan tới đọc, đại diện các tổ chức xã hội. Mỗi 5 năm một lần, chúng ta tổ chức tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực trạng đọc trong xã hội để làm cơ sở xây dựng các kế hoạch dài hạn phát triển toàn diện, đồng bộ văn hóa đọc”.

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chủ trương, chỉ thị nhằm nâng cao thói quen đọc sách trong xã hội. Chỉ thị 42 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” ngày 25-8-2004 đã nêu rõ ở điều 2.3: “Chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân, tổ chức và phát triển các lực lượng, mạng lưới phát hành xuất bản phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi. Phát triển hệ thống sách song ngữ, xuất bản nhiều sách bằng tiếng dân tộc với trình độ thích hợp, đáp ứng nhu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số”.

Hay Quyết định số 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có mục tiêu chung là: “Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên... góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xã hội học tập”.

Theo ông Lê Hoàng, Nhà nước cần đầu tư hơn nữa cho các hệ thống thư viện trường học có đủ kinh phí hoạt động và phát triển ngang tầm các hệ thống thư viện tương ứng trong khối ASEAN, đặc biệt là hệ thống thư viện văn hóa khoa học tổng hợp (là nơi “học tập suốt đời” cho mọi công dân). “Tôi cũng đề nghị cần bổ sung một điều khoản về nội dung phát triển văn hóa đọc vào Bộ luật Xuất bản sửa đổi sắp tới như Luật Thư viện, Điều lệ Trường học đã làm. Một điều tôi rất “thao thức” và mong đợi là Bộ GD-ĐT xem xét việc đưa tiết đọc sách vào khung giờ chính khóa của trường học. Tháng 7 vừa qua Hội Xuất bản Việt Nam đã có công văn kiến nghị Bộ GD-ĐT về việc này” - ông Lê Hoàng cho hay.

Việc đẩy mạnh các hoạt động sôi nổi, thiết thực để phát triển thói quen đọc sách nhân dịp Ngày Sách Việt Nam (21-4 hằng năm) là điều rất nên làm, theo ông Lê Hoàng. Dịp này các hội chợ sách không chỉ tổ chức ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM mà tổ chức trên cả 63 tỉnh, thành cả nước. Các đường sách, phố sách được thành lập tại các tỉnh, thành. Các hội sách online hợp xu thế thời đại và sự phát triển công nghệ cũng cần đẩy mạnh. Các NXB ứng dụng giải pháp công nghệ Reading code góp phần chống sách giả và tương tác tốt hơn với người đọc, có bước chuyển mạnh mạnh mẽ về đội ngũ làm nội dung (tiếp cận thị trường tiêu thụ sách thường xuyên và nắm bắt tình hình để định hướng đề tài, tổ chức đề tài gắn với xu hướng thị trường), tiếp thị online và phát hành đến các đối tượng riêng biệt trong xã hội.

* Những hành động cụ thể

Ông Lê Hoàng cho rằng trọng tâm và mục đích cuối cùng của phát triển văn hóa đọc của mỗi cá nhân gồm 3 thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc và diễn giải. “Việc đọc sách chỉ có thể trở thành thói quen khi nó được lặp đi lặp lại với một tần suất nhất định, trong một thời gian đủ dài. Sở thích đọc thì phụ thuộc hoàn toàn vào từng cá nhân cụ thể (trình độ giáo dục và thiên tư cá nhân). Còn kỹ năng đọc thì có 4 thao tác tư duy bắt đầu từ việc lựa chọn đề tài cần đọc, các cách đọc khác nhau phù hợp với từng loại tài liệu đọc cho đến biết cách vận dụng vào thực tiễn những nội dung đã đọc” - ông Hoàng nói.

Giáo viên cùng học sinh tiểu học đọc sách tại trường. Ảnh: T.S.K
Giáo viên cùng học sinh tiểu học đọc sách tại trường. Ảnh: T.S.K

Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam bày tỏ: “Các NXB, công ty làm sách nên tham gia đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hóa đọc tại các trường học. Tôi nhận thấy đã có nhiều hoạt động “hội sách mini” rất linh hoạt, các chương trình sinh hoạt chuyên đề, giao lưu tác giả - tác phẩm, tác giả ký tặng sách… được tổ chức rất sống động và thu hút. Các cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, Lớn lên cùng sách, Bình luận về sách… Các đơn vị làm sách có thể giới thiệu danh mục sách tham khảo cho thư viện trường học, đồng thời cung cấp sách cho thư viện nhằm bổ trợ cho các môn học để phục vụ cho việc học tập và nâng cao kiến thức của học sinh trong nhà trường” .

Ở chiều ngược lại, ông Lê Hoàng gợi mở làm sao các bậc phụ huynh trong gia đình cũng quan tâm và hiểu biết việc giáo dục kỹ năng đọc sách giấy truyền thống lẫn sách điện tử, sách trên mạng đối với con em mình. Ông nói: “Cần kích hoạt các giải pháp để mỗi gia đình xây dựng được một tủ sách gia đình và góc sách cho trẻ em tại gia. Nhiều nhà có tủ sưu tập rượu, có phòng karaoke giải trí… thì cũng rất cần sự hiện diện của tủ sách, kệ sách giá trị như một tiêu chí của gia đình văn hóa”.      

12 ý tưởng hỗ trợ học sinh phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường:

1. Nắm các biểu hiện đặc trưng của thói quen đọc.

2. Hiểu lợi ích của việc có thói quen đọc.

3. Hình thái “đọc để thưởng thức vui” là con đường tốt nhất để hình thành thói quen đọc.

4. Giới thiệu 10 điều kiện cơ bản để xây dựng thói quen đọc cho học sinh cấp 1.

5. Giới thiệu 9 thói quen của người đọc tốt.

6. Trang bị và chọn lựa sách, tài liệu đọc cho học sinh.

7. Mỗi giáo viên là một người đọc gương mẫu.

8. Xây dựng giáo viên thành cộng đồng người đọc.

9. Tạo phong cách người đọc độc lập.

10. Mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông quốc gia đề cập đến phát triển văn hóa đọc sách cho học sinh trong nhà trường.

11. Tạo động lực cho học sinh “đọc, đọc nữa, đọc mãi”.

12. Chú ý đặc trưng thể loại của văn bản đọc khi hướng dẫn học sinh đọc thành tiếng và đọc hiểu.

(Theo ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam)

                Yến Thanh

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích