Báo Đồng Nai điện tử
En

Chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn

10:10, 24/10/2020

Xây dựng nông thôn mới đặt ra rất nhiều yêu cầu mang tính cấp thiết của thời đại: từ đầu tư hệ thống hạ tầng hiện đại, đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, thay đổi tư duy và cách tổ chức sản xuất cho nông dân để tối đa hóa lợi nhuận...

Xây dựng nông thôn mới đặt ra rất nhiều yêu cầu mang tính cấp thiết của thời đại: từ đầu tư hệ thống hạ tầng hiện đại, đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, thay đổi tư duy và cách tổ chức sản xuất cho nông dân để tối đa hóa lợi nhuận... Có thể nói, “tham vọng” của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được thực hiện trong nhiều năm qua cũng không nằm ngoài mục đích hiện đại hóa nông thôn Việt Nam theo hướng bền vững, đồng thời tập trung nâng cao mức sống của người dân nông thôn.

xã Phú Điền (H.Tân Phú) có  nhiều điểm đến hấp dẫn có thể khai thác làm du lịch. Ảnh: B.Nguyên
Xã Phú Điền (H.Tân Phú) có nhiều điểm đến hấp dẫn có thể khai thác làm du lịch. Ảnh: B.Nguyên

Quá trình đi lên ấy dù muốn dù không, dù ít dù nhiều đều có tác động mọi mặt đời sống của những làng quê Việt Nam, những vùng nông thôn đã có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm tồn tại và phát triển.

Vậy nên, Đồng Nai đã xác định, trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bên cạnh những tiêu chí về cơ sở hạ tầng, thu nhập thì những tiêu chí về xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cũng rất quan trọng. Bởi xây dựng nông thôn thành nơi “đáng sống” thì không thể bỏ qua đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn, không thể làm mai một những giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc quý giá đã nhiều đời gìn giữ. Cần xác định rõ, quá trình xây dựng nông thôn mới không chỉ nhằm mục tiêu nâng cao mức sống của người dân nông thôn, mà còn phải nhắm đến mục đích cao hơn là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Khái niệm chất lượng cuộc sống được sử dụng khá phổ biến trong những năm gần đây, là thuật ngữ được dùng để đánh giá chung nhất về các mức độ tốt đẹp của cuộc sống đối với các cá nhân và trên phạm vi toàn xã hội. Khái niệm này đánh giá về mức độ hạnh phúc, hài lòng (ở một mức độ cao) về thể chất, tinh thần và xã hội. Chất lượng cuộc sống là thước đo về cả phúc lợi vật chất và giá trị tinh thần. Thực tế, nhiều người có mức sống cao, song không hẳn có chất lượng cuộc sống tốt vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố mang tính tổng hợp của cả cá nhân lẫn môi trường sống. Trong thời đại ngày nay, việc không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân là nỗ lực của nhiều Chính phủ và cả cộng đồng quốc tế. Và gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, khái niệm này cũng không thể bỏ qua.

Dĩ nhiên, nội hàm của khái niệm chất lượng cuộc sống sẽ có nhiều mức độ, song ở khía cạnh làm sao để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới, thì khái niệm này cũng được tiếp cận một cách gần gũi hơn nhiều. Đó chính là những yếu tố như: giữ gìn môi trường sống trong lành, không ô nhiễm, kiến tạo những con đường sáng - xanh - sạch - đẹp, những ruộng lúa - bờ hoa, tìm cách thu hút nguồn nhân lực trẻ - giỏi về góp tay cho xây dựng nông thôn mới…

Ở khía cạnh văn hóa tinh thần, xây dựng nông thôn mới thành những vùng quê đáng sống, buộc phải đặt ra các giải pháp nhằm giữ lại văn hóa cộng đồng: tình làng nghĩa xóm, sinh hoạt cộng đồng, những hoạt động lễ hội truyền thống, những “nếp nhà, nếp làng” đặc sắc, những đặc sản, những ngành nghề truyền thống… Qua nhiều năm tháng, những giá trị đó có thể biến chuyển ít nhiều cho phù hợp với cuộc sống hiện đại, song ý nghĩa tốt đẹp của nó cũng cần được giữ gìn. Tại Đồng Nai, nhiều vùng quê, vùng đồng bào dân tộc ở các huyện: Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán… đã và đang rất tích cực trong xây dựng nông thôn mới, song đồng thời vẫn giữ được nhiều nếp sinh hoạt truyền thống đặc sắc của các vùng quê, các lễ hội cúng đình, tế thần, các lễ hội cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…

Ngoài ra, nông thôn mới cũng cần bệnh viện khang trang sạch đẹp, trường học đạt chuẩn, cần những dịch vụ cần thiết và phù hợp với các vùng nông thôn vì nói cho cùng, để xây dựng một đời sống thể chất lẫn tinh thần lành mạnh đủ cho mỗi người dân nông thôn cảm thấy “hài lòng” thì chắc chắn cần đến những giải pháp mang tính tổng thể được thực hiện song song.

Thông điệp “không có điểm dừng trong xây dựng nông thôn mới” đến nay đã trở thành một thông điệp quen thuộc của Đồng Nai, bởi việc đầu tư xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho người dân nông thôn trong thời nay đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Thực tế, người dân nông thôn hiện nay đã ít hẳn nhu cầu “ăn no, mặc ấm”, thay vào đó là nhu cầu “ăn ngon, mặc đẹp”, thậm chí cao hơn là “sống đẹp và đóng góp cho cộng đồng”. Vậy nên dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức thì việc nâng cao chất lượng cuộc sống và biến nông thôn Đồng Nai nói riêng và nông thôn Việt Nam nói chung trở thành những nơi “đáng sống” thực sự, cũng là điều cần phải quyết tâm làm.

Vi Lâm

Tin xem nhiều