Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng tâm thế mới cho sinh viên trên con đường lập thân, lập nghiệp

11:09, 04/09/2020

TS Nguyễn Văn Tân, Ủy viên Ban chấp hành Hội đồng tư vấn Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng khoa Quản trị - kinh tế quốc tế, Trưởng bộ phận Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trường đại học Lạc Hồng là người có nhiều tâm huyết trong đào tạo, hướng dẫn sinh viên khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.

TS Nguyễn Văn Tân, Ủy viên Ban chấp hành Hội đồng tư vấn Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng khoa Quản trị - kinh tế quốc tế, Trưởng bộ phận Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trường đại học Lạc Hồng là người có nhiều tâm huyết trong đào tạo, hướng dẫn sinh viên khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.

TS Nguyễn Văn Tân
TS Nguyễn Văn Tân

Theo TS Nguyễn Văn Tân, tiềm năng khởi sự kinh doanh ở Đồng Nai và Việt Nam hiện nay rất lớn cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Với vai trò là nơi cung cấp nguồn lực chất lượng cao, Trường đại học Lạc Hồng đang hướng tới xây dựng chương trình đào tạo nhằm thay đổi tâm thế sinh viên vừa có khả năng nắm bắt nhanh nhạy cơ hội làm việc, vừa có khát vọng, tiềm năng khởi sự doanh nghiệp (DN) của mình.

Đào tạo hướng tới thay đổi tâm thế của sinh viên

* Trường đại học Lạc Hồng là một trong những đơn vị thúc đẩy mạnh chương trình khởi nghệp trong sinh viên, trong đó, ông là người có đóng góp khá quan trọng để kết nối sinh viên với nhà trường và các tổ chức, DN. Ông có thể cho biết cụ thể hơn những kết quả khởi nghiệp từ sinh viên mà nhà trường đã đạt được trong thời gian vừa qua?

- Thực tế, Trường đại học Lạc Hồng đã bắt đầu hỗ trợ các dự án khởi nghiệp từ cách đây hơn 15 năm. Đặc biệt là từ năm 2006, khi dự án khởi nghiệp Công ty TNHH Dịch vụ - ẩm thực ROSA của 3 nữ sinh viên Nguyễn Ngọc Anh Thư, Nguyễn Ngọc Thùy Nhu và Nguyễn Thị Thu Hồng đã xuất sắc đoạt giải nhất cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp năm 2006. Cuộc thi này do Báo Diễn đàn DN, Trung tâm Thông tin kinh tế Bộ Ngoại giao, VCCI, Công ty Thiết kế và phát triển công nghệ GE (Nhật Bản) phối hợp tổ chức và đã gây tiếng vang lớn vào thời điểm đó. Sau cuộc thi, dự án khởi nghiệp này đã tiếp tục phát triển, đưa ROSA trở thành công ty khởi nghiệp thành công với ngành nghề đào tạo thẩm mỹ, ẩm thực, dịch vụ làm đẹp tại Đồng Nai và các địa phương lân cận.

Từ thành công ban đầu ấy đã thúc đẩy nhà trường từng bước có sự đầu tư vào các chương trình khởi nghiệp với mục tiêu để sinh viên sau khi ra trường không chỉ tìm được việc làm mà còn biết phát huy khả năng, dựng nghiệp, tạo việc làm cho người khác.

Sau 15 năm, mảng khởi nghiệp của nhà trường đã gặt hái được những thành công đáng khích lệ với nhiều giải thưởng từ cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia, khu vực và của tỉnh thông qua sự hỗ trợ từ Hội đồng tư vấn Hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia phía Nam cũng như các chương trình của tổ chức khác.

* Để “ươm mầm” khởi nghiệp trong sinh viên, nhà trường đã có những giải pháp gì?

- Trước nhu cầu của thực tế xã hội, Trường đại học Lạc Hồng xác định mục tiêu đào tạo của mình là nâng tầm nhận thức, thay đổi suy nghĩ của sinh viên. Từ đó, cuộc thi Khởi nghiệp cùng sinh viên Lạc Hồng được tổ chức hằng năm.

Để sinh viên tham gia cuộc thi có được sự tự tin, nhà trường mời các chuyên gia có kiến thức chuyên sâu về khởi nghiệp, trong đó có các DN lớn, đã thành công về chia sẻ, đào tạo cho sinh viên. Qua sự gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với DN, sinh viên có được những thông tin bổ ích về tìm kiếm nhu cầu thị trường, xây dựng dự án, tìm kiếm tài chính từ các nhà đầu tư, đánh giá rủi ro triển khai dự án...

Nhà trường đầu tư một không gian làm việc chung (Co-working Space) để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, sinh viên và giảng viên chỉ cần có ý tưởng và mong muốn được khởi nghiệp có thể đến trung tâm để được hỗ trợ và đào tạo các kiến thức cần thiết giúp cho việc khởi nghiệp được thành công. Thông qua phong trào này, sinh viên đã tích lũy cho mình những kinh nghiệm cần thiết, bao gồm các phần chuyên môn sâu và kỹ năng mềm, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã trở thành những doanh nhân thành đạt.

Tham gia phong trào nói trên, nếu sau này các dự án khởi nghiệp có thể tiếp tục phát triển trở thành DN, tạo việc làm cho người lao động là rất tốt. Nếu không, thế hệ sinh viên mới của trường sau khi tốt nghiệp cũng sẽ không còn bỡ ngỡ, các em có thể tự tin tìm kiếm cơ hội làm việc cho mình ở những DN phù hợp vì đã có trải nghiệm thực tế ngay từ khi còn học tập trên giảng đường.

* Ông vừa nói đến Hội đồng tư vấn Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam. Được biết ông cũng là một thành viên trong mạng lưới này, vậy sự phối hợp giữa nhà trường ra sao trong việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp?

 - Những năm qua, sự phối hợp giữa hội đồng với nhà trường rất tốt. Bản thân tôi đang là thành viên của Ban chấp hành Hội đồng (từng là Trưởng ban đào tạo) nên có nhiều cơ hội gặp gỡ các chủ DN là thành viên của hội đồng, thông qua đó hợp tác, hỗ trợ nhà trường trong việc đào tạo khởi nghiệp.

Nhóm tác giả dự án Sử dụng Blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản (Trường đại học Lạc Hồng) đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai năm 2019
Nhóm tác giả dự án Sử dụng Blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản (Trường đại học Lạc Hồng) đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai năm 2019

Sự hợp tác đó thể hiện bằng việc tổ chức các lớp đào tạo hướng dẫn tìm ý tưởng, lập dự án kinh doanh dành cho thanh niên, sinh viên. Tư vấn, hỗ trợ phát triển các ý tưởng trở thành các dự án kinh doanh, làm cầu nối tìm kiếm các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư để triển khai các dự án khả thi, góp phần hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh của sinh viên...

Tiềm năng lớn cho khởi sự DN

* Là thành viên quen thuộc tham gia thành phần ban giám khảo nhiều cuộc thi, chương trình khởi nghiệp cấp tỉnh của các đơn vị như Sở KH-CN, Hội LHPN tỉnh, Tỉnh đoàn, ông thấy tiềm năng khởi nghiệp ở địa phương hiện nay như thế nào?

- Tôi cho rằng, khởi nghiệp hay khởi sự DN ở Đồng Nai hiện nay rất có tiềm năng, nhất là trong giai đoạn mà kinh tế tư nhân đang được quan tâm lớn.

Với dân số trên 3 triệu người, nhu cầu nội sinh tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ là khổng lồ. Bên cạnh đó, Đồng Nai có số lượng hàng chục ngàn DN trong và ngoài khu công nghiệp là cơ hội để các dự án, ý tưởng khởi nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ sản phẩm một cách thuận lợi hơn.

Tính về lĩnh vực nông nghiệp, Đồng Nai cũng là một trong những địa phương đầu tàu. Nếu biết cách khai thác, mọi người đều có cơ hội để khởi sự kinh doanh, khởi sự DN của riêng mình.

Một vấn đề quan trọng ở đây mà tôi muốn nói tới là trong tương lai, cùng với lợi thế từ cảng hàng không quốc tế Long Thành, hệ thống hạ tầng hiện đại, hoàn chỉnh sẽ kéo theo rất nhiều DN lớn đến đầu tư, hợp tác làm ăn, đặc biệt là các dự án công nghệ, dịch vụ ở cấp cao. Do vậy, trong khởi sự kinh doanh, xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, các bạn trẻ cần tìm ra giải pháp đổi mới, sáng tạo, phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

* Kinh doanh liêm chính là cơ sở để bất kỳ một DN nào muốn có được sự phát triển bền vững, đặc biệt là DN khởi nghiệp muốn khẳng định thương hiệu của mình. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Điều đó là hẳn nhiên mà DN phải nhận thức được. Trong vấn đề kinh doanh liêm chính, cần xác định rõ các bên liên quan, tốt mình, tốt người và tốt cho cộng đồng thì tính liêm chính sẽ được nâng lên. Chỉ khi kinh doanh liêm chính, DN mới tạo ra được sự minh bạch cho các cổ đông, đối tác, và là chỉ dấu cho sự phát triển bền vững.

Đây cũng là vấn đề được xã hội quan tâm nên mới đây, VCCI đã ra mắt bộ tiêu chí: Liêm chính trong kinh doanh cho nhà đầu tư và DN khởi nghiệp. Trên cơ sở các tiêu chí này, DN khởi nghiệp, nhà đầu tư điều chỉnh mình để có những hoạt động kinh doanh một cách bền vững.

Với vai trò của mình là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho nền kinh tế, Trường đại học Lạc Hồng sẽ lồng ghép các nội dung nói trên vào chương trình đào tạo khởi sự DN. Mục đích cao nhất là tạo ra được thế hệ sinh viên mới không chỉ tự tin tìm kiếm cơ hội việc làm mà còn có thể khởi sự kinh doanh, góp phần xây dựng đội ngũ DN một cách bền vững.

* Xin cảm ơn ông!

“Kinh nghiệm từ một số địa phương lớn trong cả nước là nên hình thành một quỹ đầu tư mạo hiểm chấp nhận rủi ro đi lên cùng công ty, DN khởi nghiệp, giúp họ có thể tiến xa hơn với các ý tưởng của mình. Quỹ đầu tư mạo hiểm thường không chỉ cung cấp tiền mặt mà còn dìu dắt, giới thiệu start-up đến mạng lưới các nhà đầu tư, đối tác, khách hàng và tư vấn chiến lược phát triển” - TS Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh.

Vương Thế (thực hiện)

 

Tin xem nhiều