Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Jos Leeters, Giám đốc Công ty Bureau Leeters (Hà Lan): Nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản Việt vào châu Âu

07:09, 12/09/2020

Ông Jos Leeters là Giám đốc Công ty Bureau Leeters (Hà Lan). Ông còn là chuyên gia tiếp thị và thương mại trong lĩnh vực làm vườn quốc tế chuyên về phát triển khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển. Ông cũng là chuyên gia của CBI - tổ chức hoạt động phi lợi nhuận nhờ sự tài trợ của Chính phủ Hà Lan - chủ yếu giúp doanh nghiệp các nước đang phát triển như Việt Nam tăng xâm nhập vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Từ năm 2005 đến nay, ông đã thực hiện nhiều dự án trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam tại khắp các tỉnh, thành tích cực làm cầu nối phát triển hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan.

Ông Jos Leeters là Giám đốc Công ty Bureau Leeters (Hà Lan). Ông còn là chuyên gia tiếp thị và thương mại trong lĩnh vực làm vườn quốc tế chuyên về phát triển khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển. Ông cũng là chuyên gia của CBI - tổ chức hoạt động phi lợi nhuận nhờ sự tài trợ của Chính phủ Hà Lan - chủ yếu giúp doanh nghiệp các nước đang phát triển như Việt Nam tăng xâm nhập vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Từ năm 2005 đến nay, ông đã thực hiện nhiều dự án trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam tại khắp các tỉnh, thành tích cực làm cầu nối phát triển hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan.

Ông Jos Leeters đã chia sẻ về câu chuyện sản xuất sạch, xây dựng chuỗi liên kết để tăng cơ hội xuất khẩu nông sản vào thị trường chung EU còn rất giàu tiềm năng.

Tiềm năng lớn nhưng đầy cạnh tranh

* Đánh giá của ông về tiềm năng của thị trường EU đối với những mặt hàng nông sản Việt Nam như thế nào, thưa ông?

- EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, riêng xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD. Và tiềm năng này còn rất lớn vì Liên minh EU hiện có 27 quốc gia nhưng thị trường chung này còn lớn hơn vì còn có thêm các thành viên không tham gia vào liên minh. Kinh tế của EU khá ổn định và đang trên đà phát triển. Tôi có thể tóm tắt trong 2 cụm từ, đây là thị trường rất tiềm năng và hết sức cạnh tranh.

* Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm để xuất khẩu nông sản vào thị trường EU?

 - Sự cạnh tranh của thị trường EU rất khốc liệt do các yêu cầu nhập khẩu của thị trường này khá cao và rất nghiêm ngặt. Để xâm nhập thị trường EU, phải chuẩn bị rất kỹ để có chất lượng cao, ổn định. Điều quan trọng nhất trong Luật Thực phẩm của EU là về an toàn thực phẩm với những quy định nghiêm ngặt về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ở thị trường này, hệ thống siêu thị là kênh phân phối chính nên có vai trò quyết định yêu cầu về sản phẩm. Nhiều siêu thị của EU có những quy định còn nghiêm ngặt, tiêu chuẩn cao hơn hẳn so với luật của Nhà nước.

* Các điều kiện cần thiết để tiếp cận và phát triển thị trường EU là gì, thưa ông?

- Các nhà nhập khẩu EU thường yêu cầu nông sản phải có chứng nhận GlobalGAP. Nhưng chứng nhận này là chưa đủ vì họ còn xem xét đến yếu tố bền vững như: chăm lo đời sống của người lao động, có quan tâm đến môi trường, sự hao hụt, lãng phí trong sản xuất… Thị trường EU có hệ thống cảnh báo nhanh, tôi lấy ví dụ như một sản phẩm nhập khẩu vào Hà Lan có vấn đề về chất lượng sẽ được cập nhật lên toàn bộ hệ thống EU và tất cả các nước của thị trường này đều sẽ không nhập khẩu các sản phẩm đó nữa.

Tuy đây là thị trường chung nhưng lại là 27 thị trường đơn lẻ khác nhau. Ví dụ như khu vực Bắc Âu, họ có thu nhập cao hơn nên họ chuộng các sản phẩm hữu cơ và có yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng nông sản. Khu vực này cũng có nhu cầu nhập khẩu nhiều rau tươi và trái cây hơn vì các nước này lạnh hơn, không tự sản xuất được như một số nước EU có khí hậu ấm hơn. Không có một công thức chung cho tất cả các nước ở EU. 

Xoài tỉnh Đồng Tháp đã xuất khẩu vào thị trường châu Âu được giới thiệu tại Triển lãm và hội nghị quốc tế lần thứ 3 về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam - HortEx Vietnam 2020. Ảnh: B.Nguyên
Xoài tỉnh Đồng Tháp đã xuất khẩu vào thị trường châu Âu được giới thiệu tại Triển lãm và hội nghị quốc tế lần thứ 3 về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam - HortEx Vietnam 2020. Ảnh: B.Nguyên

Cần chuỗi cung ứng mạnh

* Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn những dự án nông nghiệp, đặc biệt về thị trường xuất khẩu, ông nhận xét gì về thế mạnh của nông sản Việt?

- Đây là câu chuyện rất dài nhưng tôi muốn nhấn mạnh vào vài điểm quan trọng nhất. Thế mạnh lớn nhất của Việt Nam là có điều kiện thiên nhiên quá ưu đãi để làm ra được những nông sản có chất lượng cao. Thứ hai, trong những chuyến đi thực tế, tôi thấy người nông dân Việt Nam làm việc cực kỳ chăm chỉ và họ có kỹ năng mà người Hà Lan chúng tôi hay nói là “có bàn tay xanh” nghĩa là biết cách trồng và làm cho cái cây, vườn cây của họ lúc nào cũng đẹp, cũng ngon.

* Ngược lại, điểm yếu nông sản xuất khẩu của Việt Nam là gì, thưa ông?

 - Khi nhìn về phần sản phẩm, trang trại tôi thấy một điều rõ ràng là Việt Nam có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, khi nhìn về phần hậu cần, sau thu hoạch, logistics còn nhiều điểm cần phát triển. Với tình hình hiện tại, Việt Nam có khả năng xuất khẩu đến những thị trường không quá khó tính như Trung Quốc nhưng để xuất khẩu tốt vào những thị trường như: Mỹ, EU, Nhật Bản… rõ ràng Việt Nam phải cải thiện những điểm mình chưa chuyên nghiệp như tôi đề cập ở trên. Tuy nhiên, việc liên kết giữa phần sản xuất và các khâu trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là khâu sau thu hoạch, hậu cần, logistics… do còn yếu nên còn rất nhiều không gian cho các bạn cải thiện và tăng cường độ chuyên nghiệp.  

* Ông có góp ý gì để khai thác thế mạnh và hạn chế những điểm yếu cho nông sản Việt khi tham gia vào sân chơi quốc tế?

- Tôi nhìn vào tiềm năng về nông sản của Việt Nam với con mắt của một người Hà Lan và thấy rằng có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU. Lợi thế về sự đa dạng cũng như về chất lượng, nông sản Việt có khả năng vươn xa hơn nữa khi tham gia thị trường thế giới. Đó cũng là lý do tôi rất quan tâm đến việc phát triển những chuỗi nông sản, đặc biệt là những sản phẩm về trái cây. Tuy nhiên, tôi thấy rằng việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn thiếu sự liên kết. Tôi lấy ví dụ như ở Hà Lan, để có một chuỗi cung ứng thì từ khâu đầu là nông dân đến khâu cuối là tiêu thụ luôn liên kết khá chặt chẽ nhưng tôi chưa nhìn thấy điều này trong những sản phẩm hay chuỗi cung ứng hoặc cách mà Việt Nam xuất khẩu. Các nhà xuất khẩu cần phải làm việc rất hiệu quả để tạo được chuỗi giá trị không chỉ đạt về chất lượng mà còn phải ổn định.

* Lời khuyên của ông cho các nhà xuất khẩu nông sản của Việt Nam khi tiếp cận thị trường EU?

- Tôi tin rằng để nhu cầu xuất khẩu và nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và EU gặp nhau thì doanh nghiệp phải chủ động đi, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của thị trường mình muốn thâm nhập chứ không phải là ngồi đó và bán cái mình có sẵn. Vì những nhà nhập khẩu ở châu Âu họ muốn gặp gỡ, trao đổi với những đối tác cũng có một trình độ, sự hiểu biết về thị trường tương đương.

Doanh nghiệp nên đến những triển lãm quốc tế về nông sản để tiếp cận, tìm đối tác với mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu. Xuất khẩu nông sản Hà Lan hiện đang đứng thứ 2 trên thế giới. Để được như hiện nay, các bạn nên nhớ là rằng Hà Lan mất gần 100 năm nên Việt Nam chỉ cần đầu tư và đi đúng hướng thì sẽ có lúc đạt được mục tiêu đặt ra.

Doanh nghiệp cũng phải thay đổi nhận thức về quản lý và giám sát an toàn thực phẩm, từ việc kiểm tra sản phẩm cuối cùng sang giám sát các mối nguy trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Nói chung các bạn đi sau thì cần có sự hợp tác, cần thông tin chia sẻ, trao đổi với các nước có nền nông nghiệp phát triển hơn nhằm đạt được những tiêu chuẩn gắt gao của EU.

* Xin cảm ơn ông!

Theo ông Jos Leeters, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa EU và Việt Nam được ký kết sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị cũng như mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Bình Nguyên (thực hiện)

 

 

 

 

Tin xem nhiều