Báo Đồng Nai điện tử
En

Rộn ràng mùa đan lưới

09:07, 17/07/2020

Mỗi năm, khi mùa nước lớn tràn về khắp sông, hồ, ruộng đồng cũng là lúc người dân ven sông vùng Nhơn Trạch, Định Quán, Vĩnh Cửu  bắt đầu mua sắm, làm mới các ngư cụ để mong bắt được nhiều cá, tôm, hoạt động sản xuất, kinh doanh lưới đánh cá cũng vì thế mà nhộn nhịp hơn hẳn. Không chỉ tạo thuận lợi cho nông dân đánh bắt thủy sản, nghề đan lưới còn mang lại thu nhập cho nhiều người dân.

Mỗi năm, khi mùa nước lớn tràn về khắp sông, hồ, ruộng đồng cũng là lúc người dân ven sông vùng Nhơn Trạch, Định Quán, Vĩnh Cửu  bắt đầu mua sắm, làm mới các ngư cụ để mong bắt được nhiều cá, tôm, hoạt động sản xuất, kinh doanh lưới đánh cá cũng vì thế mà nhộn nhịp hơn hẳn. Không chỉ tạo thuận lợi cho nông dân đánh bắt thủy sản, nghề đan lưới còn mang lại thu nhập cho nhiều người dân.

Vào mùa đánh bắt thủy sản, gia đình ông Nguyễn Văn Tài (ngụ ấp 2, xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) đều tham gia vá lưới cho các ngư dân
Vào mùa đánh bắt thủy sản, gia đình ông Nguyễn Văn Tài (ngụ ấp 2, xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) đều tham gia vá lưới cho các ngư dân

* Mong chờ con nước lớn

Xóm chài Bến Nôm (xã Phú Cường, H.Định Quán) xưa nay nổi tiếng với nghề khai thác, đánh bắt cá trên lòng hồ Trị An. Theo người dân địa phương, từ tháng 7 trở đi, mực nước trên lòng hồ bắt đầu dâng cao cũng là lúc sản vật tự nhiên phong phú hơn. Đây cũng là thời điểm người dân bước vào vụ đánh bắt thủy sản chính trong năm. Nhờ đó mà nghề đan, vá lưới ở làng cá Bến Nôm nhộn nhịp hơn.

Về làng cá mùa này, không khí đan, vá lưới rộn ràng không kém những làng chài khác. Bàn tay người nào người nấy thoăn thoắt đưa cây kim luồn qua các lớp lưới một cách thuần thục và gọn lẹ.

Bà Lê Thị Tiên (ngụ ấp Bến Nôm 1, xã Phú Cường) cho biết, xung quanh đây nếu nhà nào không tham gia đánh bắt cá thì nghề đan lưới là công việc không thể thiếu. Lưới còn ở dạng thô, qua bàn tay của người thợ được trau chuốt lại hoàn chỉnh rồi mới xuất bán ra thị trường. Những chiếc lưới đủ màu sắc sau khi đan xong được giăng hàng dài rồi mới cuộn lại thành tấm lớn tạo nên bức tranh bắt mắt như những dải lụa kéo dài vô tận.

Theo bà Tiên, từ khi có nghề lưới trong tay, nếu chịu khó làm, một tháng thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng/người. Tuy nghề đan lưới không mang lại thu nhập cao nhưng phụ nữ trong xóm lại có thời gian lo việc gia đình. Hàng làm ra chủ yếu giao sỉ cho mối lớn nên có việc quanh năm. Đặc biệt, khi bước vào vụ đánh bắt cá trên sông, khách đặt nhiều thì phải thức thâu đêm để làm cho kịp hàng.

“Nghề đan lưới không khó, chỉ cần chăm chỉ, kiên trì và tinh ý thì ai cũng có thể làm được, đặc biệt có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm, giúp tăng thu nhập” - bà Tiên chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng là mối phân phối lưới cho các gia đình ở làng cá Bến Nôm cho hay, mấy ngày nay, mọi người ai cũng bận rộn với công việc đan lưới. Lưới có rất nhiều loại như: lưới 2 phân, 6 phân, 8 phân… để đánh bắt các loại cá khác nhau. Có những tấm lớn đến hơn chục mét nhưng cũng có lưới dạng nhỏ, thích hợp với nghề giăng câu ở các kênh rạch.

Những chiếc lưới đánh cá được người dân Xã Phước An (H.Nhơn Trạch) đan cẩn thận
Những chiếc lưới đánh cá được người dân Xã Phước An (H.Nhơn Trạch) đan cẩn thận

Bà Phượng được xem là người có thâm niên trong nghề. Từ chỗ đan lưới thuê, sau đó nhờ có vốn nên bà đã lấy nguyên liệu làm lưới về để cung cấp cho bà con quanh xóm đan gia công. Mới đầu làm với quy mô nhỏ lẻ, khoảng 3 năm trở lại đây thì mở rộng hơn. Hàng làm xong được bán khắp nơi, không chỉ trong tỉnh mà còn được đưa đi nhiều tỉnh, thành khác tiêu thụ.

“Thời gian bán lưới chạy nhất là bắt đầu vào mùa mưa khi nghề đánh bắt cá hoạt động mạnh, có thể bán gấp đôi so với ngày thường nên ai cũng mong chờ. Tính ra một tay lưới, tôi trả cho bà con tiền công đan khoảng 20-30 ngàn đồng tùy kích cỡ. Người làm lâu năm quen tay thì mỗi ngày có thể đan được 5-7 tấm lưới” - bà Phượng tâm sự.

* Gắn với vùng sông nước

Thời điểm vào mùa nước lớn, về xã Phước An (H.Nhơn Trạch) dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều phụ nữ bận rộn với công việc đan lưới đánh cá. Ở đây có nhiều hộ làm nghề này từ rất lâu, tập trung chủ yếu 2 ấp Bà Trường và Bàu Bông. Trong đó, ở mỗi ấp lại phân thành nhiều nhóm riêng đan từng loại lưới khác nhau.

Bà Nguyễn Thị Thúy (ngụ ấp Bà Trường, xã Phước An) bộc bạch, bà gắn bó với công việc này tính đến nay đã hơn 10 năm. Trước đây, người dân chủ yếu đan để đáp ứng nhu cầu đánh bắt thủy sản ở địa phương. Bây giờ, những tấm lưới hoàn chỉnh được xuất bán đi khắp nơi, trở thành ngư cụ cho những người làm nghề đánh bắt thủy sản mưu sinh trên miền sông nước. Hằng năm, cứ vào mùa nước lớn, nghề đan lưới lại nhộn nhịp hẳn lên, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người.

Dù chẳng dầm mưa nắng nhưng nghề này cũng lắm công phu. Phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng chi tiết nếu không sẽ bị lỡ nhịp mà như thế thì phải đan lại. Ngoài ra, lưới cũng dễ rối, ai làm không cẩn thận thì có khi bỏ đi… Tuy chỉ là nghề phụ nhưng nếu khéo tay, chịu khó và khi đã quen việc thì thu nhập từ đan lưới lại ổn định hơn so với làm nông nghiệp, công việc lại luôn có quanh năm.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, dù hình thức khai thác, đánh bắt thủy sản có hiện đại hơn nhưng nghề đan lưới vẫn không mất đi và gắn bó lâu bền với đời sống của bà con vùng sông nước. Có nhiều nơi hình thành nên những xóm chỉ chuyên vá lưới thuê thu hút khá nhiều người gắn bó với công việc này.

Ông Nguyễn Văn Tài (ngụ ấp 2, xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) cho biết, hai vợ chồng ông đều nhận vá lưới thuê cho những ngư dân sau khi đánh bắt về. Làm cho ghe này xong thì ông chuyển qua ghe khác, chỉ khi nào mọi người không đi thả lưới thì lúc đó ông mới “thất nghiệp”. Vì vậy mà hầu như ngày nào vợ chồng ông cũng có việc để làm.

“Nghề vá lưới phải làm liên tục, kéo dài từ sáng sớm tới tối mịt đến khi nào mảnh lưới hoàn chỉnh mới thôi. Công việc vốn chỉ dành cho những người lành nghề, đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ, đảm bảo chính xác để mắc lưới đúng cỡ cần vá. Khi vá phải nhanh tay nhưng cũng cần chặt để các mối gút chắc, khi đánh cá không bị bung xổ các mối nối” - ông Tài tâm sự.

Hoàng Dương

 

 

Tin xem nhiều