Báo Đồng Nai điện tử
En

Google Earth: Mười lăm năm ấy, biết bao nhiêu tình?

09:07, 17/07/2020

Google Earth (Google Trái đất) ra đời năm 2005, đến nay vừa tròn 15 năm. Nhân dịp này, bà Rebecca Moore, Giám đốc Google Earth, đã có bài viết nhìn lại chặng đường 15 năm qua.

Google Earth (Google Trái đất) ra đời năm 2005, đến nay vừa tròn 15 năm. Nhân dịp này, bà Rebecca Moore, Giám đốc Google Earth, đã có bài viết nhìn lại chặng đường 15 năm qua.

Dự án xóa mù chữ Ấn Độ (ILP) sử dụng Google Earth để xây dựng nội dung tương tác cho các lớp học ở nông thôn. Ảnh: Google
Dự án xóa mù chữ Ấn Độ (ILP) sử dụng Google Earth để xây dựng nội dung tương tác cho các lớp học ở nông thôn. Ảnh: Google

Ở Google Earth, người ta thường nói đùa với nhau rằng nếu Google Maps giúp bạn tìm đường đi thì Google Earth sẽ giúp bạn… đi lạc! Với Google Earth, bạn có thể ngắm hành tinh của chúng ta như một phi hành gia từ vũ trụ, sau đó di chuyển đến bất cứ nơi nào trên đó chỉ trong tích tắc bằng một cú nhấp chuột. Cả buổi trời khám phá các thành phố, phong cảnh và những câu chuyện trên Google Earth, bạn sẽ hầu như không trầy xước một cái móng chân.

Hiện đã 15 tuổi, Google Earth vẫn là kho lưu trữ hình ảnh địa lý có thể truy cập công khai lớn nhất thế giới. Nó kết hợp không ảnh, ảnh vệ tinh, địa hình 3D, dữ liệu địa lý và chế độ xem phố giúp bạn lướt qua để khám phá như đi trên một tấm thảm khổng lồ. Nhưng Google Earth không chỉ là một quả cầu kỹ thuật số 3D. Công nghệ nằm ẩn sau Google Earth giúp cho mọi người đều có thể lập bản đồ, có thể hiểu rõ hơn về thế giới của chúng ta và hành động để tạo ra sự thay đổi tích cực.

Trong số hàng tỷ người đã sử dụng Google Earth trong 15 năm qua, dưới đây là 15 câu chuyện đã truyền cảm hứng cho chúng tôi:

1. Ứng phó với thiên tai

Hai tháng sau khi Google Earth ra mắt, chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng mọi người không chỉ sử dụng nó để lên kế hoạch nghỉ mát. Bão Katrina tấn công bờ biển vùng vịnh vào tháng 8-2005 và nhóm Google Earth đã nhanh chóng làm việc với Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) để cung cấp hình ảnh cập nhật cho những người phản ứng đầu tiên trên mặt đất nhằm hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ, hoạt động cứu trợ và hiểu được tác động của cơn bão.

2. Tham gia các chuyến đi thực địa ảo

Năm 2006, cựu giáo viên tiếng Anh, Jerome Burg, lần đầu tiên sử dụng Google Earth để tạo ra Lit Trips (Literature Trips: chuyến du lịch văn học), các chuyến tham quan theo hành trình của các nhân vật nổi tiếng trong văn học. Ngày nay, dự án bao gồm hơn 80 Lit Trips cho giáo viên và học sinh ở tất cả các cấp lớp. Mỗi chuyến tham quan sẽ có những người khơi gợi thảo luận kích thích tư duy, có tài nguyên cho lớp học và các hoạt động phong phú.

3. Bảo vệ văn hóa

Khi tù trưởng Almir của người Suruí lần đầu tiên nhìn thấy Google Earth ở một quán cà phê internet, vị tù trưởng này nhận thấy ngay rằng đây là một công cụ để bảo tồn truyền thống xứ sở của mình. Năm 2007, tù trưởng Almir đi hàng ngàn dặm từ Amazon của Brasil đến trụ sở của Google mời Google đào tạo cộng đồng của mình sử dụng Google Earth. Cho đến nay, người Suruí vẫn tiếp tục xây dựng Bản đồ văn hóa của họ trên Google Earth, bao gồm hàng trăm trang web văn hóa có ý nghĩa về những khu rừng nhiệt đới của mình.

4. Giải mã hành vi của động vật

Năm 2008, các nhà nghiên cứu Đức và Séc đã sử dụng Google Earth để xem xét 8.510 gia súc ở 308 đồng cỏ trên 6 lục địa. Các hình ảnh đã khiến họ có được khám phá đáng kinh ngạc rằng một số loài gia súc và hươu tự động xếp theo hướng các cực từ khi chúng được chăn thả hoặc nghỉ ngơi.

5. Đoàn tụ gia đình

Saroo Brierley vô tình bị tách khỏi gia đình khi mới 5 tuổi và phải vào một trại trẻ mồ côi. May mắn thay, anh được một gia đình ở Úc nhận nuôi. Khi trưởng thành, Saroo tò mò về nguồn gốc của mình và tìm đường trở về nhà ở Ấn Độ bằng hình ảnh vệ tinh trong Google Earth. Anh đã có thể đoàn tụ với mẹ ruột vào năm 2011 sau 25 năm xa cách.

6. Giúp đỡ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh

HALO Trust là Cơ quan Giải phóng bom mìn nhân đạo lâu đời nhất, lớn nhất và thành công nhất trên thế giới đã sử dụng Google Earth để xác định và lập bản đồ các khu vực khai thác. HALO Trust đã dọn sạch 1,8 triệu quả mìn, 11,9 triệu vật phẩm còn sót lại sau chiến tranh và 57,2 triệu quả đạn dược nhỏ ở 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

7. Bảo vệ voi khỏi những kẻ săn trộm

Để bảo vệ voi khỏi những kẻ săn trộm tìm kiếm ngà của chúng, chương trình Hãy cứu voi (Save the Elephants) đã xây dựng một hệ thống theo dõi voi. Bắt đầu từ năm 2009, họ đã trang bị cho hàng trăm con voi vòng cổ vệ tinh để theo dõi chuyển động của chúng trong thời gian thực trên Google Earth. Các tổ chức đối tác của họ sử dụng Google Earth trong cuộc chiến chống lại những kẻ săn trộm voi trên toàn khu bảo tồn và các đồn điền thuộc sở hữu tư nhân ở Kenya.

8. Khám phá những khu rừng chưa biết

TS Julian Bayliss đã sử dụng Google Earth để khám phá các khu rừng nhiệt đới ở vĩ độ cao của châu Phi. Với Google Earth, ông “bay” qua phía bắc Mozambique và quét hình ảnh vệ tinh. Một ngày nọ, ông tình cờ thấy một khu rừng nhiệt đới trên đỉnh núi. Khám phá ảo của ông đã đặt ra một chuỗi các sự kiện dẫn đến việc phát hiện ra một hệ sinh thái rừng nhiệt đới hoang sơ trên đỉnh núi Lico vào năm 2018.

Nhờ Google Earth, các nhà khoa học phát hiện ra rằng một số loài gia súc và hươu tự xếp thẳng hàng với các cực từ. Ảnh: Google
Nhờ Google Earth, các nhà khoa học phát hiện ra rằng một số loài gia súc và hươu tự xếp thẳng hàng với các cực từ. Ảnh: Google

9. Truyền cảm hứng cho sự thay đổi môi trường tích cực

Tổ chức phi lợi nhuận, HAkA, đã sử dụng Google Earth để thể hiện các mối đe dọa đối với Hệ sinh thái Leuser, nơi cuối cùng trên Trái đất mà đười ươi, tê giác, voi và hổ cùng tồn tại trong tự nhiên. Chuyến tham quan bằng Google Earth này đã giúp nâng cao nhận thức về khu vực và kích thích những thay đổi tích cực trong khu vực.

10. Càng thêm yêu hành tinh chúng ta

Google Earth VR (Google Earth Thực tế ảo), được phát hành vào năm 2016, đã cho mọi người cơ hội nhìn Trái đất từ một góc nhìn mới. Từ những trải nghiệm này, mọi người càng yêu thêm Trái đất của chúng ta.

11. Kỷ niệm sự đa dạng ngôn ngữ toàn cầu

Năm 2019, Tania Haerekiterā Tapueluelu Wolfgramm, một phụ nữ Māori và Tongan đã vượt qua Thái Bình Dương để phỏng vấn và ghi lại những người nói 10 ngôn ngữ bản địa khác nhau cho Google Earth. Dự án có sự góp mặt của 50 diễn giả ngôn ngữ bản địa từ khắp nơi trên thế giới để vinh danh Năm quốc tế về ngôn ngữ bản địa 2019.

12. Hỗ trợ học sinh trong các lớp học ở nông thôn

Padmaja Sathyamoorthy và những người khác làm việc tại Dự án xóa mù chữ Ấn Độ (ILP) sử dụng Google Earth để xây dựng nội dung tương tác cho các lớp học ở nông thôn, giúp cải thiện khả năng đọc viết cho 745 ngàn học sinh trên khắp Ấn Độ. Padmaja nói: “ILP đã làm cho lịch sử và địa lý trở nên sống động với các công cụ và nội dung truyền thông mới thu hút trí tưởng tượng của trí tuệ trẻ”.

13. Bắt siêu trộm

Một trò chơi mang tên Carmen Sandiego được đưa lên Google Earth năm 2019. Mọi người trên khắp thế giới lần theo dấu vết của tên siêu trộm Carmen Sandiego và qua đó khám phá thêm các vùng đất thông qua Google Earth.

14. Kể những câu chuyện tin tức hấp dẫn hơn

Các nhà báo từ lâu đã sử dụng hình ảnh phong phú trong Google Earth để tạo ra những câu chuyện hấp dẫn hơn. Vox Video đã sử dụng Google Earth Studio để kể câu chuyện về cách kính viễn vọng Event Horizon thu thập các photon 54 triệu năm tuổi để chụp bức ảnh đầu tiên về lỗ đen.

15. Trở về nhà trong mùa dịch Covid-19

Trong Tuần lễ vàng ở Nhật Bản, hầu hết mọi người đều về thăm quê hương mình, nhưng năm nay điều đó không thể thực hiện do Covid-19. Để giúp họ đỡ nhớ nhà, một nhóm từ TP.Morioka đã phát triển một tour du lịch trên Google Earth cho phép mọi người giả như đi tàu cao tốc đến ga Morioka và thăm các địa điểm yêu thích trong thành phố.

Bà Rebecca kết thúc bài viết của mình bằng lời cảm ơn:

Xin cảm ơn tất cả mọi người đã đồng hành với chúng tôi trên hành trình này. Hy vọng Google Earth sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho sự tò mò và thúc đẩy chúng ta quan tâm sâu sắc hơn đến hành tinh xinh đẹp này cùng mọi người sống trên đó. Hãy cùng chờ đón những gì tốt đẹp hơn trong 15 năm tới!

Phạm Hoài Nhân

(biên dịch từ bài Here’s to you: 15 years of Google Earth stories của Rebecca Moore trên Google Blog)

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích