Báo Đồng Nai điện tử
En

Những nỗ lực vì trẻ em vẫn là chưa đủ

10:06, 06/06/2020

"Cô ơi mua giúp cháu tờ vé số!", hầu như tuần nào tôi cũng gặp cậu bé đạp chiếc xe cũ kỹ ngang qua cổng cơ quan mời chào mua vé số. Mua riết thành khách quen, cậu bé cũng trở nên cởi mở khi trò chuyện.

“Cô ơi mua giúp cháu tờ vé số!”, hầu như tuần nào tôi cũng gặp cậu bé đạp chiếc xe cũ kỹ ngang qua cổng cơ quan mời chào mua vé số. Mua riết thành khách quen, cậu bé cũng trở nên cởi mở khi trò chuyện. 11 tuổi, đi bán vé số cùng mẹ đã nhiều năm, cháu không đến trường học chính quy như nhiều trẻ khác mà chờ đến ngày lớp học tình thương mở cửa vào tháng 6 này (trước đây lớp học quanh năm nhưng năm nay do dịch Covid-19 nên cả lớp được nghỉ dài ngày), cậu bé cho biết thông tin về mình.

Nhà nghèo, từ miền Tây lên thuê trọ ở TP.Biên Hòa để bươn chải mưu sinh, thu nhập từ nguồn bán vé số của mấy mẹ con và tiền công phụ hồ của người cha vẫn thiếu trước hụt sau để lo trang trải mọi chi phí sinh hoạt gia đình, nên không có tiền lo cho con đi học, cậu bé kể vậy. Dù không được học hành đầy đủ nhưng trong cách giao tiếp rất dễ nhận ra ở cậu bé sự lễ phép dễ mến; khuôn mặt vẫn ngây thơ, hồn nhiên đúng như lứa tuổi càng làm cho người đối diện thấy thương cảm thật nhiều. Bán xong vé số, cậu bé không quên chào người mua rồi lên xe đạp tiếp; thắc mắc về đôi chân trần thì cậu bé nói vọng lại: “Dạ dép con vừa đứt sáng nay”.

Những ngày tháng 6 này, khắp nơi trên cả nước đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng về trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Năm học chưa kết thúc nên các hoạt động được tổ chức với hình thức khác hơn mọi năm nhưng vẫn thể hiện được sự quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội trong Tháng Hành động vì trẻ em.

Không chỉ riêng trong Tháng Hành động vì trẻ em, những năm qua, các cấp, các ngành đã nỗ lực không ngừng trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em với những thành quả rất đáng ghi nhận. Trẻ em ngày càng được chăm lo, giáo dục, tạo điều kiện mọi mặt từ vật chất đến tinh thần để có môi trường phát triển toàn diện cả về văn - trí - thể - mỹ; nhằm tạo ra thế hệ rường cột vững chãi của đất nước trong tương lai. Ông Youssouf Abdel Jelil, người từng là Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ tại Việt Nam trước đây từng nhận xét: “Cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em, đã giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu trẻ em. Cộng đồng quốc tế đã ghi nhận và đánh giá cao những bước tiến vững chắc mà Việt Nam đã đạt với các chỉ số phát triển như: giảm nghèo, tỷ lệ nhập học tăng cao, tử vong bà mẹ và trẻ em ngày càng giảm”.

Có thể thấy phần đông trẻ em hôm nay đều đảm bảo được quyền của mình và có cuộc sống tốt. Tuy nhiên thực tiễn cuộc sống cho thấy vẫn còn đó rất nhiều trẻ em phải lao động sớm, phải bươn chải với đời khi mà lứa tuổi của các em vẫn chưa qua vòng thơ bé. Chưa kể những câu chuyện đau lòng về hàng ngàn vụ bạo hành hoặc xâm hại tình dục xảy ra đối với trẻ em hằng năm. Và trên rất nhiều nẻo phố, đường quê còn đó nhiều trẻ em chỉ được đến các lớp học tình thương miễn phí học tập, con chữ cũng không được tròn trịa ngay ngắn vì các em còn phải bươn chải mưu sinh không thể tập trung cho việc học tập mà câu chuyện của cậu bé trên là minh chứng cụ thể.

Do vậy những nỗ lực của các cấp, các ngành, toàn xã hội thời gian qua trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chưa thể nói là đã đủ. Hành trình ấy luôn cần sự nỗ lực cao hơn nữa, nhiều hơn nữa, hành động trách nhiệm hơn nữa của mọi người, mọi nhà và toàn xã hội. Có như vậy thì mọi trẻ em mới đều có cuộc sống tươi vui, hạnh phúc, mới có điều kiện để phát triển toàn diện và trở thành thế hệ tương lai đầy hứa hẹn của đất nước, như lời Bác Hồ căn dặn: “Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ… Vì tương lai con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt…”.  

Lê Quân

Tin xem nhiều