Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiếp ảnh gia Thuần Võ: Đồng Nai đất lành chim đậu

03:06, 05/06/2020

Trong cuộc trò chuyện với Đồng Nai Cuối tuần đầu tháng 6-2020 nhân dịp gửi tặng bạn đọc chiêm ngưỡng chùm ảnh các loài chim quý được chụp tại tỉnh Đồng Nai, nhiếp ảnh gia Thuần Võ nhận xét: "Đồng Nai là vùng đất có hệ sinh thái rừng đặc trưng của miền Đông Nam bộ, tồn tại nhiều loài chim hoang dã quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng".

Nhiếp ảnh gia Thuần Võ
Nhiếp ảnh gia Thuần Võ

Trong cuộc trò chuyện với Đồng Nai Cuối tuần đầu tháng 6-2020 nhân dịp gửi tặng bạn đọc chiêm ngưỡng chùm ảnh các loài chim quý được chụp tại tỉnh Đồng Nai, nhiếp ảnh gia Thuần Võ nhận xét: “Đồng Nai là vùng đất có hệ sinh thái rừng đặc trưng của miền Đông Nam bộ, tồn tại nhiều loài chim hoang dã quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng”.

Nhiếp ảnh gia Thuần Võ tên thật là Võ Quốc Thuần, sinh ra và lớn lên tại Gò Công (tỉnh Tiền Giang), bắt đầu đến và đam mê nhiếp ảnh từ năm 2014. Với các máy ảnh hiện đại và chuyên nghiệp xách vai, Thuần Võ chu du khắp mọi miền đất nước Việt Nam xinh đẹp để ghi nhận những nét sinh hoạt, cuộc sống người dân vùng miền, đồng thời cũng chuyên chụp ảnh phong cảnh từ non cao đến biển cả tuyệt đẹp, phong phú của quê hương.

“Tuổi thơ của tôi ở Gò Công từng gắn bó với thiên nhiên đồng ruộng “cò bay thẳng cánh”. Dù định cư và lập nghiệp nơi thị thành từ lâu (tại TP.HCM) nhưng hình ảnh về thiên nhiên hoang dã, đời sống nông thôn, ruộng đồng, rừng cây luôn hiện hữu trong tâm trí tôi. Từ năm 2018, tức sau 4 năm ”cầm máy”, với tình yêu thiên nhiên và kinh nghiệm chụp ảnh tích lũy được, tôi quyết định chuyển sang một thể loại khó và không nhiều người theo đuổi trong nhiếp ảnh chính là chụp động vật hoang dã - tiêu điểm là các loài chim ở Việt Nam” - Thuần Võ tâm sự.

* Theo đuổi chụp ảnh các loài chim

Đến nay, nhiếp ảnh gia Thuần Võ đã sở hữu bộ sưu tập ảnh chim đồ sộ với ảnh của rất nhiều loài chim quý hiếm đặc hữu (có trong Sách đỏ) như: Khướu Ngọc Linh (Golden-winged Laughingthrush), Khướu Konkakinh (Chestnut-eared Laughingthrush), Mi Langbian (Grey-crowned Crocias), Gà so Bắc bộ (Tonkin Partridge), Gà so cổ hung (Orange-necked Partridge)… Để có được bộ sưu tập ảnh quý hơn vàng và mang giá trị tư liệu rất cao này, Thuần Võ đã trải qua nhiều ngày “băng rừng lội suối” từ các khu rừng sâu, ngọn núi cao hay tất cả vườn quốc gia trong cả nước để ghi nhận sự tồn tại và chụp được những loài chim quý, hiếm hoặc khó thấy, khó chụp nhất.

Từ trái qua phải: Sả vằn (Banded Kingfisher) - chụp tại xã Gia Canh, H.Định Quán; Thiên đường đuôi phướn (Asian Paradise Flycatcher) - chụp tại H.Tân Phú; Đuôi cụt bụng đỏ (Fairy Pitta) - loài chim di cư, chụp tại H.Tân Phú
Từ trái qua phải: Sả vằn (Banded Kingfisher) - chụp tại xã Gia Canh, H.Định Quán; Thiên đường đuôi phướn (Asian Paradise Flycatcher) - chụp tại H.Tân Phú; Đuôi cụt bụng đỏ (Fairy Pitta) - loài chim di cư, chụp tại H.Tân Phú

“Đặc thù chụp ảnh các loài chim có những khó khăn thử thách đối với một nhà nhiếp ảnh chính là việc phải đi xa, săn tìm đúng vị trí, canh chờ khoảnh khắc... Để chụp đẹp những loài chim quý, hiếm, đòi hỏi nhiếp ảnh gia phải có sự kiên trì, lòng đam mê, phải trang bị một số kiến thức tập quán, thói quen của từng loài chim. Tất cả đòi hỏi người chụp ảnh không chỉ biết chụp giỏi với máy móc chụp ảnh chuyên nghiệp (ống kính tele dài) mà còn phải có kỹ năng đi rừng, sức khỏe “vượt suối trèo đèo” dài ngày vì có những loài hoặc chỉ sống ở độ cao trên 2.800m của dãy Hoàng Liên Sơn, hoặc chỉ thấy trong tận rừng sâu…” - Thuần Võ kể.

“Tôi đã dồn nhiều tâm sức, thời gian lẫn tiền bạc để theo đuổi những chuyến đi chụp ảnh nhiều loài chim quý hiếm của Việt Nam” - nhiếp ảnh gia Thuần Võ chia sẻ.

Nhiếp ảnh gia ví dụ: “Có những đêm phải thức trắng trời nơi những cánh rừng đước ngập mặn của đất mũi Cà Mau chỉ để tìm thấy được loài Dù dì hung (Tawny Fish Owl). Còn khi chụp cay xanh châu Á (Asian Blue Quail, King Quail) ở Xuân Lộc - Đồng Nai, để có được bức ảnh đẹp hoàn hảo về loài này, tôi tiếp cận gần, “ngụy trang” ẩn mình trong lều chuyên dụng giữa đồng trống, chọn bố cục, phông nền, vị trí chim hay đi ngang qua, dựng sẵn máy ảnh với chế độ chụp live view và đợi chim xuất hiện”.

Già đẫy Java (Lesser Adjutant Stork) - chụp tại rừng Mã Đà
Già đẫy Java (Lesser Adjutant Stork) - chụp tại rừng Mã Đà

* Niềm hạnh phúc

Đổ công sức rất nhiều cho hành trình chụp ảnh các loài chim, nhiếp ảnh gia Thuần Võ nở nụ cười hạnh phúc khi cho biết anh đã có hàng ngàn tấm ảnh chụp hơn 400 loài chim khác nhau cư ngụ từ tất cả các vườn quốc gia từ Bắc chí Nam, từ Lào Cai đến Cà Mau.

Bồng chanh đỏ (Black-backed Kingfisher) - chụp tại H.Tân Phú
Bồng chanh đỏ (Black-backed Kingfisher) - chụp tại H.Tân Phú

“Để thực hiện được trong một thời gian ngắn như vậy, tôi được “lợi” nhiều thứ như: chinh phục mục tiêu của bản thân, được dịp đặt chân đến nhiều nơi “thâm sơn cùng cốc” của Tổ quốc mà mình chưa từng đến trong đời, được hòa mình với thiên nhiên, rừng xanh để hít thở bầu không khí trong lành, giảm áp lực và căng thẳng công việc thường ngày nơi thị thành” - nhiếp ảnh gia Thuần Võ thổ lộ.

Cay xanh châu Á (Asian Blue Quail) - chụp tại H.Xuân Lộc
Cay xanh châu Á (Asian Blue Quail) - chụp tại H.Xuân Lộc

Và niềm hạnh phúc lớn nhất đối với Thuần Võ là anh mong muốn “thông qua việc thưởng thức hình ảnh về các loài chim quý, đẹp trên mọi miền quê hương Việt Nam, mọi người sẽ thêm trân trọng, yêu quý và bảo vệ chúng khỏi nguy cơ tuyệt chủng để các thế hệ sau còn có thể được nhìn ngắm chúng. Nhiều người thưởng thức ảnh sẽ có thêm nhận thức và tự hào về “tài sản chung” quý giá của đất nước mình là các loài động vật hoang dã cư ngụ trong thiên nhiên”.

Gà tiền mặt đỏ (Germain’s Peacock Pheasant) - chụp tại Vườn quốc gia Cát Tiên
 

“Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực chụp nhiều loài chim quý hiếm của nước mình và chia sẻ tác phẩm qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để mọi người, bạn bè, gia đình, con cháu… có thêm nhiều kiến thức, dữ liệu về hệ thống các loài chim sinh tồn ở quê hương Việt Nam. Đồng thời mọi người thêm yêu du lịch Việt Nam, thưởng ngoạn phong cảnh, đời sống thiên nhiên quê mình” - nhiếp ảnh gia Thuần Võ bày tỏ.

Nhiếp ảnh gia Thuần Võ cho biết: “Đồng Nai với Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú), Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (tức rừng Mã Đà, H.Vĩnh Cửu)… đích thực là vùng đất lành chim đậu. Nơi đây có hệ chim phong phú, có các khu bảo tồn rừng nguyên sinh không khí trong lành, rất lý tưởng để nhiều loài chim sinh sống. Đồng Nai còn là trạm dừng chân của các loài chim di cư từ phương Bắc xa xôi bay về phía Nam trên đường tránh tiết lạnh mùa đông từ tháng 10 đến tháng 4 hằng năm.  Vườn quốc gia Cát Tiên có 18/19 bộ trong hệ chim Việt Nam và có 351 loài chim (chiếm hơn 42% tổng số loài chim của Việt Nam là khoảng 900 loài). Trong đó có nhiều loài quý hiếm đã được phát hiện và có tên trong Sách đỏ Việt Nam”.

T.Nghĩa

Tin xem nhiều