Báo Đồng Nai điện tử
En

BS Nguyễn Thị Hương: Người "truyền lửa" hy vọng đến nhiều số phận

10:06, 06/06/2020

Mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, bà vẫn đang "chạy đua" với thời gian để níu giữ cuộc sống, không chỉ cho mình, mà còn cho những số phận bất hạnh. Người phụ nữ ấy chính là BS CKI Nguyễn Thị Hương, nguyên Trưởng trạm Y tế P.Hòa Bình (TP.Biên Hòa).

Mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, bà vẫn đang “chạy đua” với thời gian để níu giữ cuộc sống, không chỉ cho mình, mà còn cho những số phận bất hạnh. Người phụ nữ ấy chính là BS CKI Nguyễn Thị Hương, nguyên Trưởng trạm Y tế P.Hòa Bình (TP.Biên Hòa).

BS Hương (bìa trái) cùng những người tham gia nấu bữa ăn chiều cho bệnh nhân bị bệnh ung thư điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Phương Liễu
BS Hương (bìa trái) cùng những người tham gia nấu bữa ăn chiều cho bệnh nhân bị bệnh ung thư điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Phương Liễu

* “Chạy đua”  với thời gian

30 năm trước, điều dưỡng Hương đã kiên trì học tập và trở thành một bác sĩ đa khoa, rồi lại học tiếp lên CKI chuyên ngành sản - phụ khoa. Nỗ lực của bản thân cùng với sự đồng lòng, yêu thương hết mực của người chồng nhân hậu, BS Hương đã có một gia đình hạnh phúc với hai con học hành, đỗ đạt thành tài. Con trai tiếp nối nghề y của mẹ, hiện là ThS-BS chuyên khoa răng - hàm - mặt. Con gái BS Hương cũng được nhận học bổng đại học, cả hai đều trưởng thành từ những trường đại học danh giá ở Mỹ.

Nói về những việc làm của vợ, thầy Hưng, chồng BS Hương cho biết: “Tôi cũng không hiểu được sức vóc ấy, vợ tôi có thể làm được nhiều việc đến vậy. Tôi không cấm cản, vì đó là niềm vui của cô ấy”.

Cuộc sống mĩ mãn của BS Hương những tưởng hạnh phúc trọn vẹn... nhưng thật trớ trêu, giữa lúc được tận hưởng hạnh phúc sau nhiều năm vun đắp, cũng là lúc BS Hương “mất” thật nhiều. Là một bác sĩ sản khoa, nhưng BS Hương lại mắc phải căn bệnh ung thư buồng trứng quái ác, dù đã được phát hiện sớm và điều trị tích cực. Biết “thời gian” của mình đã bị giới hạn, BS Hương lên kế hoạch “chạy đua” với những tháng năm hạn hữu của cuộc đời bằng việc “thắp lửa” cho bản thân và cho những số phận kém may mắn.

Hiện BS Hương vẫn mở phòng khám sản phụ khoa tại nhà ở P.Quyết Thắng. Theo BS Hương: “Khám bệnh là để giúp người!”. Nhiều phụ nữ đến phòng khám BS Hương không chỉ do bác sĩ “mát tay”, mà nơi đây còn là địa chỉ của tình thương. Chị Lữ Thị Thu, một bệnh nhân đến khám phụ khoa ở phòng khám của BS Hương tâm sự: “Tôi bị bệnh phụ khoa nên thường ghé nhà BS Hương. Biết tôi nghèo, lại bệnh tật nên BS thường không lấy tiền khám, có khi còn cho cả thuốc”.

Nhiều năm trước, khi Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chưa chuyển đến cơ sở mới, mỗi tuần 3 ngày, BS Hương cùng một số người nấu 200 suất cháo, bánh canh, bún mang đến cho những bệnh nhân ung thư điều trị tại bệnh viện. Những lần đến đó, lấy kinh nghiệm “sống chung” với ung thư của mình, BS Hương đã “truyền lửa” hy vọng cho những bệnh nhân đang đau khổ khi phải mang căn bệnh nan y.

Chị M.T.H., một bệnh nhân ung thư cổ tử cung (ở P.Thanh Bình) cũng là người quen của BS Hương khi hai người cùng điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, tâm sự: “Nếu không gặp BS Hương, có lẽ tôi không còn sống đến nay. Khi phát hiện bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 3, bác sĩ nói chỉ sống được không quá 2 năm, tôi  buồn lắm. Khi gặp BS Hương, chị đã giúp tôi đã lấy lại tinh thần, sống yêu đời hơn, bệnh tật dường như cũng  lùi lại”.

BS Hương (bìa trái) cùng gia đình người con trai được BS Hương nhận nuôi từ bé
BS Hương (bìa trái) cùng gia đình người con trai được BS Hương nhận nuôi từ bé

Không chỉ dùng chuyên môn để giúp người, giúp đời, những người biết chuyện BS Hương đưa cô giáo cũ về nuôi càng cảm phục tấm lòng nhân hậu của cô học trò hiếu đễ. BS Hương kể, cô giáo dạy nghề điều dưỡng của bà 30 năm trước là Phạm Bạch Quấc (quê ở Tây Ninh), một cán bộ giảng dạy ở Trường trung cấp Y tế Đồng Nai (nay là Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai). Bà Quấc không lập gia đình và cũng không có ai thân quen nên khi về già, bà được gửi vào một viện dưỡng lão ở TP.HCM. Khi viện dưỡng lão này giải thể, bà Quấc đang không biết về đâu thì BS Hương biết chuyện nên đã lên đón bà về nuôi. Chăm sóc mẹ ruột trên 80 tuổi đã vất vả, thêm cô giáo cũ cũng xấp xỉ tuổi ấy, lại bán thân bất toại là việc không đơn giản.

Bằng chuyên môn của một thầy thuốc, cái tâm của một học trò hiếu đễ, BS Hương đã chăm sóc mẹ mình và cô giáo cũ thật chu đáo. Sau 5 năm sống trong tình thân với cô học trò cũ, bà Quấc đã ra đi nhẹ nhàng trên đôi tay của BS Hương.

* “Bà  đỡ” của những số phận

Tấm lòng của một người thầy thuốc, mà lại là một người muốn làm thật nhiều vì hạnh phúc của người khác, BS Hương đã cưu mang không ít số phận. Nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn, trong đó có những trường hợp người mẹ đã nhiễm HIV đến nhờ BS Hương “giải quyết”, đều nhận được lời khuyên nên giữ lại thai để đứa trẻ được chào đời. Và biết bao đứa trẻ đã ra đời trên đôi tay của người nữ bác sĩ này tại khu trang trại của gia đình BS Hương.

Trong nhiều mảnh đời BS Hương từng dang tay che chở, có câu chuyện đã khá lâu của một cô bé 16 tuổi bán mì gõ ở chợ đêm đến gặp BS Hương với cái thai 6 tháng. Cô bé khóc lóc nhờ BS “xử lý” vì sợ bà chủ đuổi việc. BS Hương đã động viên và đưa cô bé về trang trại của mình, nuôi ăn ở đến ngày sinh nở rồi cho cả hai mẹ con ở lại cho đến khi “cứng cáp”. Khi đứa con được 7 tháng tuổi, cô bé bỏ đi. Vừa chăm mẹ già, cô giáo bị liệt, lại nuôi thêm đứa trẻ 7 tháng tuổi, BS Hương muốn kiệt sức bởi những chuyện mà theo nhiều người là… bao đồng.

Khi đứa bé trai con của cô bé “mì gõ” tròn năm, nửa đêm BS Hương nhận được điện thoại của cô bé, BS Hương đã chạy xe đến ngay chỗ cô bé. “Đến chỗ “mì gõ” hẹn, mình không cầm được nước mắt khi thấy cô bé người gầy xơ xác, bụng trướng to do viêm thận. Đưa cháu vào Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị và cứ sau 21 giờ  khi đã xong mọi việc ở phòng khám, ở nhà - tôi lại lái ô tô lên thăm “mì gõ” và trở về nhà lúc 2 giờ sáng. Có hôm nửa đêm, ông xã không thấy vợ, gọi điện tôi phải nói dối có một ca đẻ rơi, phải đến giúp. Có lẽ trời phật thương nên tôi đi lại an toàn, bệnh tật cũng như lùi xa, như để dành thời gian và sức lực cho mình làm được nhiều việc hơn!” - BS Hương kể. Giờ thì “mì gõ” đã khỏe mạnh và trưởng thành. Hai mẹ con đã thuê được nhà riêng và có việc làm ổn định; lâu lâu lại đưa con về thăm “má Hương”.

Trong “cuộc chiến” hối hả với bệnh tật, BS Hương chăm chỉ tập thiền, yoga, ăn chay và đặc biệt luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan, vui vẻ. Vì thế, dù đã mang bệnh bước qua năm thứ 10, nhưng BS Hương vẫn khỏe, đặc biệt bà đã làm được rất nhiều việc cho đời. Trò chuyện với BS Hương, bà nói về cuộc đời, về con người và thân phận với quan niệm triết lý nhà Phật “sắc sắc không không”. Đó là: “Thầm lặng. Cái có của mình chưa đủ để khoe khoang, sống bình dị và lấy cái có của mình như không để sống”. Sống theo triết lý ấy, cùng với một trái tim ấm nóng tình người, BS Nguyễn Thị Hương vẫn đang âm thầm “thắp lửa” cho đời...

Phương Liễu

 

Tin xem nhiều