Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài

08:06, 12/06/2020

Xuất khẩu lao động đã và đang góp phần giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều người dân, tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước và nhiều lợi ích kinh tế khác. Tuy nhiên trên thực tế, vấn đề người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn nhiều bất cập đáng quan tâm.

Xuất khẩu lao động đã và đang góp phần giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều người dân, tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước và nhiều lợi ích kinh tế khác. Tuy nhiên trên thực tế, vấn đề người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn nhiều bất cập đáng quan tâm. Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã được đưa vào chương trình nghị sự và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10-2020.

Người lao động đến tìm hiểu thông tin và tìm kiếm việc làm tại một sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức. Ảnh minh họa: Hồ Thảo
Người lao động đến tìm hiểu thông tin và tìm kiếm việc làm tại một sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức. Ảnh minh họa: Hồ Thảo

Sau khi thông qua, luật sửa đổi sẽ có ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm ngàn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, gia đình của họ cũng như cộng đồng và có tác động đến sự phát triển của di cư và công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế của Việt Nam trong tương lai.

* Giải quyết những vấn đề mới phát sinh về lao động

Năm 2006, Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật số 72/2006/QH11 về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 72) và có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2007. Theo thống kê của Bộ LĐ-TBXH, kể từ khi có Luật số 72, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm tăng đáng kể, trung bình mỗi năm có hơn 80 ngàn người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm có trên 130 ngàn người lao động ra nước ngoài làm việc. Không thể phủ nhận người lao động làm việc ở nước ngoài đã được nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp ở một mức độ nhất định thông qua việc tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp ở những nước phát triển.

Bên cạnh đó, những người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng đã có được nguồn thu nhập khá so với làm việc trong nước. Và cũng từ đây, nhiều vùng quê nông thôn có nhiều người đi xuất khẩu lao động được “khoác áo mới”, người này nối người kia, những lao động trẻ vùng nông thôn đã chọn xuất khẩu lao động là con đường để “đổi đời”.

Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước, trong đó có đông đảo người lao động. Tinh thần của dự án luật này là nhằm đáp ứng, giải quyết những vấn đề mới phát sinh về lao động, nhất là từ các vướng mắc, bất cập qua thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế; điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế…

Thế nhưng đằng sau số tiền gửi về từ nước ngoài, trong những vùng quê chen chúc nhà cao tầng nhờ xuất khẩu lao động ấy còn là những câu chuyện dài. Đó là mặc dù số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài liên tục gia tăng nhanh, nhưng chất lượng hiện vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Cùng với đó là những hạn chế về trình độ và ý thức người lao động, việc mù mờ về công việc và thị trường lao động tại đất nước mà người lao động sẽ đặt chân đến; nhiều người lao động phải chấp nhận vay số tiền lớn để đi xuất khẩu lao động mà đôi khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài vẫn chưa đủ tiền trả nợ. Đó còn là tình trạng lưu trú bất hợp pháp, người lao động còn có thể đối mặt với việc bị lừa đảo, bóc lột và ngược đãi… Đặc biệt, thảm kịch 39 người bị chết trong container ở Anh cũng đã báo động về thực trạng người Việt Nam đi lao động “chui” tại nước ngoài.               

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế và việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới, sự hình thành khối cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép tự do di chuyển trong khối ASEAN dẫn đến việc xuất hiện nhiều hình thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới trong thời gian gần đây chưa được quy định trong luật số 72, gây khó khăn trong việc hướng dẫn thi hành luật và công tác quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, một số quy định phát sinh các vướng mắc như: Điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; quy định về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động chưa phản ánh đúng bản chất và xu hướng chung của các tiêu chuẩn lao động quốc tế... Một số quy định của Luật số 72 chưa đáp ứng được các yêu cầu mới về hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong bối cảnh kinh tế - xã hội và quan hệ quốc tế mới.

* Cần bổ sung việc giảm chi phí cho người lao động

Theo Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung, ngoài giải quyết 6 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội thì Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi còn đáp ứng các yêu cầu: giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế; đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây; điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dự luật cần quy định rõ, chặt chẽ để xử lý nghiêm hành vi lợi dụng việc đưa lao động ra nước ngoài nhằm trục lợi, vô trách nhiệm, bỏ rơi người lao động khi gặp khó khăn, bỏ rơi người lao động ở nước ngoài... Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội), dự luật cần phải bổ sung việc giảm chi phí cho người lao động và tránh tình trạng lừa đảo người lao động. “Chúng ta thấy nông dân kinh tế rất khó khăn. Nếu chúng ta không quy định chặt chẽ trong luật, nhiều người dân vốn đã khốn khó lại khốn khó hơn do chi phí rất lớn khi đi xuất khẩu lao động” - đại biểu Ngọ Duy Hiểu góp ý.

Việt Nam hiện có mức phí tuyển dụng và các chi phí liên quan ở mức cao được quy định trong luật. Theo một nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), người lao động di cư không hiểu rõ cơ cấu lệ phí, chi phí hiện tại và quy định phức tạp về các mức phí theo luật định khiến người lao động khó biết được họ có phải đóng quá mức phí quy định hay không. Nghiên cứu cho thấy tình trạng thu phí người lao động di cư trên mức trần theo quy định của luật còn phổ biến. Một số người được phỏng vấn cho biết họ đã phải trả từ 163-372 triệu đồng (7-16 ngàn USD) để đi làm việc tại Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc), cao hơn nhiều so với mức giới hạn theo quy định của pháp luật.

Việc quy định các kênh di cư hợp thức trong luật với mức chi phí thấp hơn, mất ít thời gian và quy định đơn giản hơn sẽ giúp giải quyết vấn đề thu phí quá cao so với mức luật định, ngoài ra cũng dễ giám sát và thực thi hơn. Chuyên gia về di cư lao động của ILO bà Anna Olsen, cho biết, việc sửa đổi Luật số 72 mang đến cơ hội cho Việt Nam trong việc đáp ứng các nhu cầu từ nhiều chủ sử dụng lao động và doanh nghiệp đa quốc gia hàng đầu muốn thuê lao động di cư “được tuyển dụng không phí”, theo đó họ không phải trả bất cứ khoản chi phí nào để đi làm việc ở nước ngoài. Điều này sẽ giúp bảo vệ người lao động di cư tốt hơn và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

N.Hạ (tổng hợp)

Tin xem nhiều