Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy hoạch Vườn Thuốc quốc gia Nam bộ

07:05, 22/05/2020

Đồng Nai dự tính sẽ đầu tư hơn 88 tỷ đồng để quy hoạch Vườn Cây thuốc quốc gia nhằm bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc có trong rừng tự nhiên; đồng thời phát triển nguồn gen, giống và dược liệu để tạo vùng nguyên liệu phục vụ nghiên cứu, đào tạo, sản xuất, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đồng Nai dự tính sẽ đầu tư hơn 88 tỷ đồng để quy hoạch Vườn Cây thuốc quốc gia nhằm bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc có trong rừng tự nhiên; đồng thời phát triển nguồn gen, giống và dược liệu để tạo vùng nguyên liệu phục vụ nghiên cứu, đào tạo, sản xuất, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ông Lại Thế Thông, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh kiểm tra rừng tự nhiên ở H.Vĩnh Cửu. Ảnh: U.NHI
Ông Lại Thế Thông, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh kiểm tra rừng tự nhiên ở H.Vĩnh Cửu. Ảnh: U.NHI

Bên cạnh dự án Vườn Thuốc quốc gia Nam bộ đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt thì Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu Bảo tồn) phối hợp với Viện Dược liệu (Bộ Y tế) thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm của vùng Đông Nam bộ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai”. Đề tài đã được Bộ KH-CN phê duyệt giao Viện Dược liệu chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2017-2021, với tổng kinh phí 8,3 tỷ đồng. Đề án trên sẽ góp phần lớn cho dự án Vườn Thuốc quốc gia Nam bộ.

* Nhiều đề tài bảo tồn cây thuốc từ rừng

Theo điều tra, ghi nhận của Khu Bảo tồn, trong những năm qua, rừng tự nhiên ở H.Vĩnh Cửu có hơn 900 loài cây có công dụng làm thuốc. Trong đó có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm với nhiều giá trị khác nhau, đặc biệt là các giá trị về dược liệu. Một số cây hiện đã được ươm để nhân giống như: cây chân voi, đuôi khỉ, đa đa, cổ an..

Dự án Vườn Thuốc quốc gia Nam bộ dự kiến có diện tích khoảng 200ha bao gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng. Được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 2020-2025, xin chủ trương đầu tư, lập dự án, thiết kế và thi công các hạng mục với tổng diện tích khoảng 100ha. Giai đoạn 2026-2030 sẽ xây dựng các hạng mục với tổng diện tích 100ha.

Vườn thuốc quốc gia sẽ được ưu tiên vốn để triển khai công tác xây dựng, góp phần vào công tác bảo tồn nguồn gen, phát triển cây dược liệu và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Phó giám đốc Khu Bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo chia sẻ, để có cơ sở xây dựng Vườn Cây thuốc quốc gia Nam bộ, từ 10 năm trước, Khu Bảo tồn đã được UBND tỉnh giao chủ trì thực hiện đề tài “Đánh giá tiềm năng và thực trạng nguồn tài nguyên dược liệu ở Khu Bảo tồn, làm tiền đề xây dựng dự án Vườn quốc gia bảo tồn cây thuốc” do Khu Bảo tồn phối hợp với Trung tâm Sâm và dược liệu TP.HCM thực hiện. Đây là thời kỳ gian nan nhất do phải “lặn lội” nhiều ngày trong rừng sâu để tìm các loại cây quý, đánh giá sự phát triển của từng loài. Đến năm 2017, UBND tỉnh tiếp tục giao Khu Bảo tồn chủ trì thực hiện đề tài “Điều tra hiện trạng nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái và xây dựng mô hình ươm tạo cây giống mật nhân tại Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai”. Vườn ươm này hiện đang thực hiện tại di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ. Hiện đề tài đã thực hiện xong và đang làm báo cáo, nghiệm thu kết quả. Cùng thời điểm này, Khu Bảo tồn đã phối hợp với Viện Dược liệu thực hiện Đề tài “Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm của vùng Đông Nam bộ tại Khu Bảo tồn”. Kết quả của đề tài sẽ là tiền đề quan trọng trong việc xác định các nguồn gen được ưu tiên bảo tồn và phát triển, xây dựng được cơ sở khoa học và quy trình nhân giống các loài cây thuốc nguy cấp, quý, hiếm.

* Đồng Nai làm Vườn Thuốc quốc gia

Dự án Xây dựng Vườn Thuốc quốc gia Nam bộ dự tính sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2021-2030, tổng vốn đầu tư hơn 88 tỷ đồng và lấy từ nguồn ngân sách nhà nước. Xây dựng Vườn Cây thuốc quốc gia Nam bộ tại Khu Bảo tồn nhằm bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen các loài cây thuốc của khu vực Nam bộ, làm cơ sở để xây dựng các mô hình trồng và phát triển cây dược liệu trên địa bàn Đồng Nai nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung nhằm tạo vùng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến dược liệu và thực phẩm chức năng của Việt Nam.

Ngoài ra, dự án Vườn Thuốc quốc gia Nam bộ sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế cho cộng đồng dân cư tại địa phương, đồng thời tạo ra một địa điểm du lịch sinh thái kết hợp với du lịch thám hiểm rừng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Dự kiến Vườn Thuốc quốc gia Nam bộ sẽ bảo tồn từ 1,5-2 ngàn loài cây thuốc và tri thức sử dụng của 5-10 dân tộc điển hình tại khu vực Nam bộ. Trong số đó, sẽ bảo tồn nguồn gen của 100 loài đặc hữu, quý, hiếm và có giá trị kinh tế cao. Hoàn thiện các cơ sở khoa học để phát triển 20-30 loài cây thuốc có tiềm năng tạo nguồn nguyên liệu cho khu vực Nam bộ.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, Đồng Nai sẽ triển khai dự án Vườn Thuốc quốc gia Nam bộ để bảo tồn, lưu giữ nguồn gen cây thuốc quý, hiếm, có giá trị và tiềm năng phát triển của khu vực Nam bộ. Đồng thời, nghiên cứu, thuần hóa các giống cây dược liệu, tạo nguồn giống mới có năng suất, chất lượng cao. Hình thành vùng nguyên liệu cây thuốc cung cấp cho các cơ sở, nhà máy sản xuất các loại thuốc phòng, chữa bệnh cho con người. Vườn thuốc này sẽ là nơi nghiên cứu, tham quan, học tập cho học sinh, sinh viên.                                                                           

Uyển Nhi - Thủy Mộc

Tin xem nhiều