Báo Đồng Nai điện tử
En

Những suất cơm nghĩa tình

02:05, 22/05/2020

Từ nhiều năm nay, một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nấu những suất ăn từ thiện phục vụ bệnh nhân. Những suất ăn đều được các nhân viên y tế và mạnh thường quân chăm chút, mua thực phẩm tươi ngon để chế biến và trao đến tận tay bệnh nhân.

Từ nhiều năm nay, một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nấu những suất ăn từ thiện phục vụ bệnh nhân. Những suất ăn đều được các nhân viên y tế và mạnh thường quân chăm chút, mua thực phẩm tươi ngon để chế biến và trao đến tận tay bệnh nhân.

Nhiều người bệnh nhận cơm từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất
Nhiều người bệnh nhận cơm từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất

Mỗi nơi mỗi cách làm khác nhau, nhưng họ đều chung mục đích là sẻ chia với người bệnh, thân nhân bệnh nhân trong lúc khó khăn, bệnh tật.

* Ấm lòng người bệnh

Trong danh sách bệnh nhân nhận cơm từ thiện của Khoa Nội thận - tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thống Nhất luôn có tên bà Thoóng Cún Mùi, ngụ xã Sông Thao, H.Trảng Bom. Dù có nhà riêng nhưng nhiều năm nay, bà Mùi đã “cư ngụ” tại khoa. Suốt nhiều năm, bà Mùi phải nằm viện triền miên vì nhiều căn bệnh cùng lúc như: tiểu đường, tim mạch, lòa mắt. Có thời điểm, khoa phải sắp xếp riêng cho bà 1 giường để nghỉ ngơi vì sức khỏe quá yếu. 3 năm nay, sức khỏe bà khá hơn, mắt đã dần sáng lại, tuy nhiên bà Mùi đang phải “nhập hộ khẩu” tại hành lang bệnh viện để chờ chạy thận.

Trong những ngày ở bệnh viện, hầu như sáng nào, bà Đặng Thị Phương Thảo (ngụ xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) cũng lấy cháo miễn phí cho con đang điều trị tại BVĐK khu vực Long Khánh. Nhiều lần, bà Thảo cũng lấy thêm một phần cháo cho mình. Ngoài thơm ngon, vừa khẩu vị, phong cách phục vụ của nhân viên phát cháo rất tốt. “Cảm nhận của tôi là cháo rất đảm bảo vệ sinh, hơn mua ở ngoài nhiều. Cả phòng bệnh ai cũng khen ngon. Đặc biệt, nhân viên phát cháo rất vui vẻ, nhiệt tình” - bà Thảo cho biết.

Bà Mùi cho hay, bà sống một mình trong căn nhà lá nhỏ ở quê. Từ khi mắc bệnh, bà bỏ nhà lên bệnh viện sống. Không người thân thích, không thể làm việc để có thu nhập nên hoàn cảnh bà Mùi vô cùng khó khăn; chỉ còn biết trông nhờ đến sự giúp đỡ của các bệnh nhân khác hoặc các mạnh thường quân. Chia sẻ với bà, người cho hộp sữa, hộp cơm hay vài chục ngàn đồng... để bà sống và chữa bệnh. Nhân viên y tế của khoa đều biết rõ hoàn cảnh đặc biệt của bà nên ai cũng dành sự “ưu ái”. Mỗi khi có đoàn từ thiện đến thăm hay bệnh viện và các mạnh thường quân nấu cơm, họ luôn đưa bà Mùi vào danh sách.

4 giờ sáng mỗi ngày, nhóm gồm 3 người của Phòng Công tác xã hội BVĐK khu vực Long Khánh đã bắt đầu chuẩn bị phát cháo cho bệnh nhân. Những người nấu cháo phải vào viện sớm hơn, khoảng 3 giờ sáng. Nguyên liệu nấu cháo thay đổi theo ngày. Cháo nấu kết hợp thịt với khoai tây, cà rốt, đậu xanh… vì phục vụ bệnh nhân đang điều trị bệnh là chủ yếu. Bệnh viện mua nguyên liệu từ chợ về và Khoa Dinh dưỡng của bệnh viện sẽ kiểm định, lưu mẫu trước và sau khi nấu ăn. Toàn bộ các công đoạn từ đi chợ đến chuẩn bị đồ, nấu và phát cháo đều do nhân viên của bệnh viện làm. Dưới mỗi nồi cháo trên xe đẩy đều có bếp lò để giữ cho cháo luôn nóng khi phát đến tay bệnh nhân.

Ông Nguyễn Thành (gần 60 tuổi, ngụ xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ) chăm sóc vợ mổ ruột thừa tại Khoa Ngoại, BVĐK khu vực Long Khánh chia sẻ, mỗi sáng khi xe cháo của bệnh viện đến phát tại khoa, dù cách xa cả chục mét vẫn ngửi thấy mùi cháo rất thơm. Thay vì phải xuống căn tin hay mang đồ ăn sáng từ nhà vào bệnh viện, vợ chồng ông đã được dùng cháo ngon miễn phí.

* Đưa suất ăn đến tận tay bệnh nhân

Ông Nguyễn Mạnh Khiết, Trưởng phòng Công tác xã hội BVĐK Thống Nhất kể, vài năm trước, ông Khiết vô cùng bất ngờ khi nhận được 10 triệu đồng ủng hộ bếp ăn từ thiện của một bệnh nhân. Nguyên nhân là khi nằm chữa trị tại bệnh viện, người đàn ông này thường xuyên ăn cơm từ thiện của bệnh viện. “Năm đó, gia đình họ trồng cà phê và bán được giá nên mang tiền đến quyên góp vào bếp ăn từ thiện nhằm giúp đỡ những người khác. Hành động báo đáp này của người từng là bệnh nhân khiến tôi nhớ mãi” - ông Khiết chia sẻ.

Anh Hiếu phục vụ cháo tình thương cho bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân. Ảnh: K.Ngọc
Anh Hiếu phục vụ cháo tình thương cho bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân. Ảnh: K.Ngọc

Ông Khiết cho hay, trước đây, bệnh viện vẫn phối hợp với các mạnh thường quân để họ tự nấu cơm rồi đưa vào bệnh viện trao cho bệnh nhân. Dù là cơm từ thiện nhưng bếp ăn này cũng phải có những cam kết về đảm bảo an toàn thực phẩm. Các cơ sở này chịu trách nhiệm về mặt pháp lý khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra; tuy nhiên bệnh viện vẫn lo ngại xảy ra ngộ độc thực phẩm sẽ ảnh hưởng tới bệnh nhân và uy tín của bệnh viện. “3 năm nay, chúng tôi đã chuyển đổi hình thức hỗ trợ suất ăn cho bệnh nhân khó khăn. Theo đó, các mạnh thường quân sẽ góp gạo, thịt, trứng… có nguồn gốc rõ ràng. Các nguyên liệu này sẽ được Khoa Dinh dưỡng kiểm soát, lưu mẫu và bỏ công nấu để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” - ông Khiết chia sẻ.

Trong thực hiện suất ăn từ thiện, BVĐK Thống Nhất chia ra làm 2 suất ăn riêng biệt, suất ăn bệnh lý và suất ăn thông thường. 7 giờ sáng những ngày phục vụ suất ăn, nhân viên của Khoa Dinh dưỡng và một số mạnh thường quân cùng nhau nấu để trao cho bệnh nhân vào buổi trưa. Trong tháng 4 vừa qua, bệnh viện và Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai đã phối hợp nấu 600 suất ăn, chia làm 2 đợt để trao cho bệnh nhân. Mỗi suất ăn trị giá 20 ngàn đồng.

Từ năm 2017, BVĐK khu vực Long Khánh đã bắt đầu cung cấp khoảng 500 suất cháo miễn phí/ngày cho bệnh nhân đến điều trị bệnh. Trong những lần phục vụ cháo miễn phí, đã thành quen, khi nhân viên Phòng Công tác xã hội vừa đẩy nồi cháo đến đầu khoa nhiễm, phục hồi chức năng, khoa ngoại… rất nhiều bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân nhanh chóng ra nhận cháo. Nhiều bệnh nhân cho hay, nồi cháo tình thương này thay đổi nguyên liệu mỗi ngày nên họ ăn không bị ngán, lúc nào cũng nóng hổi, thơm ngon.

Mỗi buổi sáng, anh Buôr Trọng Hiếu, nhân viên Phòng Công tác xã hội, BVĐK khu vực Long Khánh đẩy xe cháo đến 3 khoa khác nhau để phát cho bệnh nhân. Anh Hiếu cho biết, từ ngày 1-11, bệnh viện đã tổ chức phát cháo tận nơi cho bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân tại bệnh viện. “Bệnh nhân rất vui vẻ tiếp nhận cháo, bệnh viện nấu ngày nào hết ngày đó, 3 nồi cháo của bệnh viện đều hết sạch chỉ trong vòng 30 phút từ 6 giờ - 6 giờ 30 mỗi ngày” - anh Hiếu cho hay.

Bác sĩ Phan Văn Huyên, Giám đốc BVĐK khu vực Long Khánh chia sẻ, phương châm của bệnh viện là: “Người bệnh đến đón tiếp niềm nở, người bệnh ở chăm sóc tận tình, người bệnh về dặn dò chu đáo”. Vì vậy, ngoài vấn đề khám chữa bệnh, bệnh viện cũng thực hiện một số hoạt động nhằm chia sẻ, hướng tới người bệnh, thân nhân bệnh nhân. Ước tính, mỗi năm bệnh viện chi khoảng 600 triệu đồng để duy trì nồi cháo tình thương. Với hoạt động này, bệnh viện vẫn nhận sự đóng góp từ cộng đồng. “Của biếu không bằng cách biếu, vì vậy, chúng tôi mang cháo đến tận khoa để bệnh nhân thuận tiện hơn. Một yêu cầu khác là nhân viên phát cháo phải luôn vui vẻ, thân thiện mới tham gia được công việc này” - bác sĩ Huyên tâm sự.

Khánh Ngọc

Tin xem nhiều