Báo Đồng Nai điện tử
En

Kho tài nguyên dược liệu trong rừng tự nhiên

08:05, 22/05/2020

Rừng tự nhiên của Đồng Nai là nơi lưu giữ gần 1 ngàn loài cây có công dụng để làm thuốc chữa các loại bệnh cho con người. Các nhà khoa học lĩnh vực lâm nghiệp khi đến Đồng Nai nghiên cứu về rừng đều có chung nhận xét, rừng Đồng Nai là kho tài nguyên về dược liệu lớn của Việt Nam.

Rừng tự nhiên của Đồng Nai là nơi lưu giữ gần 1 ngàn loài cây có công dụng để làm thuốc chữa các loại bệnh cho con người. Các nhà khoa học lĩnh vực lâm nghiệp khi đến Đồng Nai nghiên cứu về rừng đều có chung nhận xét, rừng Đồng Nai là kho tài nguyên về dược liệu lớn của Việt Nam.

Ảnh: Hương Giang
Ảnh: Hương Giang

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tài nguyên thực vật rừng của Đồng Nai với đại diện đặc trưng là Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu Bảo tồn) và Vườn quốc gia Cát Tiên có nhiều mẫu chuẩn của hệ sinh thái cơ bản còn nguyên vẹn và ít bị tác động của con người. Các khu rừng trên của Đồng Nai có giá trị rất cao về môi trường, khoa học, giáo dục, du lịch. Đồng thời, rừng tự nhiên của Đồng Nai còn là kho dược liệu quý của cả nước.

* Trong rừng có cả ngàn loài thuốc quý 

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 122 ngàn ha rừng tự nhiên, tập trung ở Khu Bảo tồn, Vườn quốc gia Cát Tiên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà. Trong rừng tự nhiên của Đồng Nai có cả ngàn cây thuốc quý các loài đang sinh trưởng.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, Đồng Nai đã đóng cửa rừng tự nhiên nhiều năm nay nên động, thực vật trong rừng  rất đa dạng và phong phú, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của khu vực Đông Nam bộ. Tỉnh cũng là nơi lưu giữ nhiều loài động, thực vật hoang dã quý hiếm nằm trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới, có nhiều loài thực vật là cây dược liệu quý hiếm cần bảo tồn và phát triển.

Hiện nay, Khu Bảo tồn là một trong hai vùng lõi quan trọng của Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai, với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú. Về tài nguyên thực vật, theo số liệu điều tra gần đây nhất thì hiện Khu Bảo tồn có khoảng 1.552 loài thực vật, thuộc 663 chi, 166 họ, 95 bộ, 10 lớp và 6 ngành. Trong đó, có hơn  900 loại cây có công dụng làm thuốc với 12 nhóm công dụng, được sử dụng phổ biến. Bên cạnh đó, rừng của Đồng Nai còn có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm với các giá trị khác nhau.

Ông Tô Bá Thanh, Phó giám đốc Khu Bảo tồn cho  biết: “Trong rừng tự nhiên của Khu Bảo tồn có đa dạng sinh học rất phong phú và có cả ngàn loài cây dược liệu có thể điều chế để làm thuốc. Từ nhiều năm trước, Khu Bảo tồn đã có dự án Xây dựng vườn cây thuốc thành điểm tham quan, du lịch sinh thái, hợp tác nghiên cứu và phát triển, giáo dục đào tạo, tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn nguồn tài nguyên cây thuốc”.

Rừng của Đồng Nai là nơi có nhiều loài cây dược liệu quý đang sinh trưởng như: mật nhân, thành ngạnh, khôi nhung, thiên niên kiện nam, vằng đắng, cổ an, sâm cau…

TS Nguyễn Thị Như Quỳnh, Trưởng khoa Dược, Trường đại học Lạc Hồng đánh giá, rừng của Đồng Nai có sự đa dạng sinh học khá phong phú, trong đó có rất nhiều loại thuốc quý, là nơi để học sinh, sinh viên, giảng viên nghiên cứu, tham quan thực địa, tìm hiểu về các loại cây thuốc có nguồn gốc uy tín, chất lượng để tham khảo, học tập. Theo TS Quỳnh, tại Trường đại học Lạc Hồng cũng đã xây dựng một vườn cây thuốc nam với khoảng trên 100 cây để làm môi trường cho sinh viên, giảng viên nghiên cứu. Tuy nhiên, vườn thuốc nam do trường xây dựng không thể phong phú, đa dạng bằng các loại cây thuốc trong Khu Bảo tồn. “Môi trường để những người đang học tập, công tác trong lĩnh vực cây dược liệu có thể tăng thêm những kiến thức, tìm tòi được những loại thuốc quý như tại Khu Bảo tồn không phải ở đâu cũng tìm ra. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm hình thành một vườn thuốc nam để giúp sinh viên, giảng viên tham quan học hỏi mô hình này” -
TS Quỳnh chia sẻ.

* Khai thác dược liệu từ rừng

Là người sinh ra và lớn lên tại xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu), ông Trần Hoàng Hải chia sẻ, ngày xưa khi tỉnh chưa đóng cửa rừng, ông thường hay vào rừng khai thác một số sản vật từ rừng để mưu sinh. Khi ấy, bản thân ông cũng biết được một số loại cây thuốc trong rừng có một số tác dụng cầm máu, trị rắn rết cắn, trị đau bụng… để sơ cứu tại chỗ khi gặp sự cố.

Theo Khu Bảo tồn, đơn vị này dự tính sẽ làm vườn thuốc để bảo tồn các loài cây dược liệu quý hiếm từ rừng và phân chia thành khu vực vườn thuốc nam, vườn cây thuốc có giá trị kinh tế cao, vườn cây thuốc làm tinh dầu, vườn cây thuốc làm mỹ phẩm, vườn rau làm thuốc, vườn hoa làm thuốc... trong rừng.

Một trong những loại cây phổ biến và đang được khai thác hiệu quả nhất hiện nay tại Khu Bảo tồn là cây mật nhân. Theo kết quả khảo sát, cây mật nhân có độ sinh thái rộng, đa số phân bố tại các địa hình bằng phẳng, dễ sinh trưởng (trừ những nơi ngập nước hoặc bán ngập nước). Phần lớn người dân đều biết thông tin về cây mật nhân. Rượu mật nhân hiện đang là một trong những sản phẩm tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của H.Vĩnh Cửu. Sản phẩm này hiện được khách du lịch lựa chọn làm quà khi tham quan Chiến khu Đ. Đánh giá về sự phổ biến của cây mật nhân, ông Trần Hoàng Hải cho biết, khá nhiều người dân sinh sống tại các xã trong rừng như: Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý có hiểu biết về công dụng của mật nhân. “Chỉ cần đi trên đường cũng có thể dễ dàng nhận biết được cây mật nhân. Cây mật nhân có sức sống rất mạnh, là loại dược liệu rất tốt cho sức khỏe nên được nhiều người dân thu hái sử dụng trong gia đình” - ông Hải nói.

Ông Võ Quang Trung, Phó trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác (Khu Bảo tồn) cho biết, hiện Khu Bảo tồn đang lập dự án để bảo tồn, lưu giữ nguồn gen cây thuốc, các loài nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị và tiềm năng phát triển, khi dự án được thực hiện sẽ là cơ sở để việc nghiên cứu, thuần hóa các giống cây dược liệu, tạo ra các nguồn giống mới có năng suất, chất lượng cao phát triển rộng rãi. Là người tham gia tìm các nguồn gen, cây thuốc để phục vụ công tác bảo tồn và nhân giống các loại cây thuốc quý, ông Trung cho biết, không chỉ có nhiệm vụ giữ rừng, các cán bộ nhân viên của Khu Bảo tồn còn dốc hết tâm huyết của mình tìm tòi, phát hiện thêm được khá nhiều cây thuốc mới, thậm chí có nhiều loại thực vật đang nằm trong Sách đỏ của Việt Nam.

Ông Phạm Hồng Lượng, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết: “Rừng Cát Tiên được cả nước cũng như thế giới đánh giá rất cao về đa dạng sinh học vì có nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Nhiều năm nay, lực lượng kiểm lâm của vườn bảo vệ rất nghiêm ngặt nên ít xảy ra những vụ vi phạm về rừng nghiêm trọng. Do đó, các loài thực vật trong rừng ít bị tác động. Rừng Cát Tiên là nơi lưu giữ nhiều loài cây dược liệu và được các nhà khoa học trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu”.

Rừng tự nhiên của Đồng Nai là kho nguyên liệu cây thuốc lớn của Việt Nam, cung cấp cho các cơ sở sản xuất dược phẩm, y học cổ truyền, thuốc Nam, thực phẩm chức năng và các chế phẩm sinh học từ cây thuốc. Bảo vệ và phát triển rừng tốt cũng đồng nghĩa với việc giữ được tài nguyên cho ngành dược phẩm của khu vực và cả nước.

Hương Giang - Ngọc Liên

Tin xem nhiều