Báo Đồng Nai điện tử
En

Giáo dục giới tính: Tạo "lá chắn" an toàn cho con

04:05, 08/05/2020

Những băn khoăn của trẻ khi có những thay đổi tâm sinh lý ở tuổi dậy thì, quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên và những hệ lụy của nó, các nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục… là những nỗi lo thường trực của các bậc làm cha, làm mẹ.

Những băn khoăn của trẻ khi có những thay đổi tâm sinh lý ở tuổi dậy thì, quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên và những hệ lụy của nó, các nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục… là những nỗi lo thường trực của các bậc làm cha, làm mẹ.

Sách là một trong những kênh thông tin tin cậy hỗ trợ cha mẹ trong việc trang bị kiến thức giới tính cho con. Trong ảnh: Một số bìa sách về giáo dục giới tính dành cho trẻ
Sách là một trong những kênh thông tin tin cậy hỗ trợ cha mẹ trong việc trang bị kiến thức giới tính cho con. Trong ảnh: Một số bìa sách về giáo dục giới tính dành cho trẻ

Theo các chuyên gia giáo dục, tâm lý, “lá chắn” được xem là hữu hiệu để giải quyết vấn đề trên chính là trang bị cho con kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, cũng như các kỹ năng cơ bản để trẻ bảo vệ mình.

* Vẫn còn tâm lý “ngại”

Một phụ huynh ở P.Tân Phong, TP.Biên Hòa bắt đầu giáo dục giới tính cho con gái khi bé học lớp hai. Hai mẹ con chị bắt đầu các buổi nói chuyện về giới tính thông qua việc cho bé xem phim hoạt hình về cách phòng tránh xâm hại tình dục ở trẻ em, sau đó chị giải thích thêm về những vùng nhạy cảm trên cơ thể của trẻ mà bất kể ai, kể cả người thân trong gia đình cũng không được phép nhìn hoặc đụng chạm. Ngoài ra, chị cũng chia sẻ với con về việc làm thế nào để có em bé rồi từ đó chỉ bảo con.

Theo vị phụ huynh này, vấn đề giới tính giữa chị và con được trao đổi khá thoải mái, thường khi có một dịp nào đó, như cùng nghe thời sự về một bé gái bị xâm hại hoặc trao đổi trong không gian riêng tư giữa hai mẹ con nên con gái của chị tiếp thu khá tự nhiên.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng tạo được sự thoải mái và cởi mở trong việc chia sẻ các vấn đề về giới tính như trên. Một số cha mẹ vẫn chưa thực sự quan tâm hoặc chưa tìm ra phương pháp truyền đạt hiệu quả để con có đủ lượng kiến thức về sức khỏe sinh sản, các kỹ năng tự bảo vệ mình trước nguy cơ xâm hại tình dục. Chính điều này làm cho trẻ bị thiệt thòi khi thiếu các kiến thức, kỹ năng quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ.

Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó giám đốc Trung tâm tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức
(TP.Biên Hòa), trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ hiện nay còn chưa chú trọng giáo dục giới tính cho con trong môi trường gia đình và thường cho rằng là quá sớm để giáo dục những vấn đề được cho là nhạy cảm. Một số phụ huynh nhiều khi còn tỏ ra e ngại khi trao đổi với những thắc mắc của con trẻ. Ví dụ: Nhiều khi trẻ có những câu hỏi tò mò về giới tính, về các bộ phận khác so với các bạn khác giới thì cha mẹ thường lảng tránh, phớt lờ cho là những câu hỏi không phù hợp hoặc trả lời mập mờ, thiếu rõ ràng...

Tại Phiên họp thứ 44 mới diễn ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã dẫn số liệu trung bình một ngày có 7 trẻ em bị xâm hại, một năm có đến 38 trẻ bị tử vong, 133 trẻ bị thương tích, 84 trẻ mang thai..., qua đó lưu ý, đây là số liệu đáng báo động và nói lên nhiều điều. Do đó, cần phân tích đầy đủ hơn các nguyên nhân, trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của mỗi gia đình, mối quan hệ với tỷ lệ ly hôn, ảnh hưởng của môi trường mạng xã hội, internet... để thấy rõ hơn bức tranh toàn cảnh, qua đó có giải pháp bảo vệ trẻ em.

* Chung tay hành động vì con

Thực tế, thời gian qua, việc giáo dục giới tính cho trẻ đã được gia đình - nhà trường và xã hội ngày càng chú trọng. Ở Đồng Nai, chương trình giáo dục giới tính chủ yếu được lồng ghép vào các bộ môn trong học đường như: sức khỏe, sinh học, hay thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, tọa đàm...  nhằm chuyển tải thông tin về giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại cho học sinh. Đồng thời, ngành GD-ĐT tiếp tục duy trì hoạt động của các tổ tư vấn tâm lý học đường, tăng cường giao tiếp giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh để kịp thời nắm bắt những biểu hiện, thông tin về nguy cơ mất an toàn trong môi trường học đường để ngăn chặn kịp thời…

Song giáo dục giới tính không phải ngày một ngày hai, mà đó là cả quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ, từ lúc nhỏ cho đến trưởng thành, trong đó vai trò của gia đình là vô cùng quan trọng. Theo Phó giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức Nguyễn Công Bình, trước tiên xét theo góc độ tâm lý học, trẻ em nhận biết và khám phá, kích thích các bộ phận trên cơ thể là rất sớm. Việc cha mẹ sớm nhận ra điều này có vai trò trong việc giúp trẻ tiếp nhận được ưu thế của giới mình, tạo cho trẻ sự tự tin dù thuộc bất cứ giới nào; từ đó trẻ có thể sống hòa nhập, bình đẳng một cách tự nhiên trước bạn bè, gia đình và xã hội. Ngoài ra, việc cha mẹ ý thức giáo dục giới tính sớm cho con giúp trẻ nhận ra được sự khác biệt giữa hai giới, từ đó có hướng phát triển phù hợp với giới tính của mình một cách tự nhiên.

Để trang bị kiến thức giáo dục giới tính đến với con một cách đầy đủ, rõ ràng, theo ông Nguyễn Công Bình, điều quan trọng trước hết đó là cha mẹ cần tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức về các vấn đề liên quan đến giáo dục giới tính, từ đó có thể giải đáp các thắc mắc, những câu hỏi tò mò của con trẻ. Thứ hai, việc sử dụng các câu chuyện, sử dụng các bộ truyện tranh về giáo dục giới tính để kể cho con cũng là một phương cách hiệu quả và dễ hiểu.

Điều lưu ý là đối với trẻ con, cha mẹ cần sử dụng ngôn từ dễ hiểu, cụ thể nhất để trẻ dễ dàng tiếp thu, lĩnh hội kiến thức, tránh giải thích một cách mập mờ, vòng vo làm trẻ khó hiểu, gây sự tò mò. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần chú trọng lồng ghép hoạt động giáo dục giới tính cho con mình thông qua các hoạt động sinh hoạt hằng ngày hay cách thức chơi đùa giao tiếp, ứng xử phù hợp với giới của trẻ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết:

Dậy thì sớm, không quá đáng lo

Trẻ bây giờ tuổi bắt đầu dậy thì sớm hơn thế hệ trước, bé gái từ 8-13 tuổi (có tài liệu nói 7 tuổi), trai từ 9-14 tuổi. Cho nên đúng tuổi thì không có sớm. Đa số phụ huynh lo lắng nhưng sau khi thăm khám thì dậy thì ở con trẻ không sớm. Không phải tất cả bé nghi ngờ dậy thì sớm đều cần dùng thuốc. Đa số các trẻ dậy thì sớm thật, cần điều trị là liên quan đến bệnh nội tiết, chứ không phải liên quan đến dinh dưỡng.

- Không có nghiên cứu nào chứng minh sữa công thức gây dậy thì sớm;

- Thức ăn có chất kích thích tăng trưởng có thể làm dậy thì sớm;

- Trẻ dư cân có thể dậy thì sớm hơn trẻ suy dinh dưỡng;

Chăm sóc trẻ khi trẻ đến tuổi dậy thì, quan trọng là cha mẹ giải thích đơn giản, trung thực về những gì đang xảy ra; giải thích rằng những thay đổi này là bình thường đối với trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên. Cố gắng không tập trung nhận xét về ngoại hình của trẻ.
Không thể phủ nhận vai trò của công nghệ số đối với đời sống của trẻ em. Tuy nhiên, chính công nghệ số cũng đem lại nhiều nguy cơ, rủi ro thường thấy như: thúc đẩy các hình thức mới xâm hại và bóc lột trẻ em. Do đó, cha mẹ cần trang bị thêm cho mình những kiến thức về sử dụng internet, từ đó có thể quan tâm và hướng dẫn, bảo vệ con trẻ tránh xa các nguy cơ trên môi trường mạng.

Lâm Viên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích