Báo Đồng Nai điện tử
En

Dấu ấn đò ngang

10:05, 15/05/2020

Từ lâu, văn hóa sông nước đã gắn liền với đời sống của người dân vùng đất Biên Hòa. Để tiện lợi cho đi lại và giao thương hàng hóa, hàng chục bến đò ngang, dọc được hình thành và đưa Biên Hòa trở thành thương cảng sầm uất nhất vùng. Nhiều nghề truyền thống lâu đời ở vùng đất được mệnh danh là thành cổ của miền Nam cũng nhờ đó mà phát triển vượt bậc.

Từ lâu, văn hóa sông nước đã gắn liền với đời sống của người dân vùng đất Biên Hòa. Để tiện lợi cho đi lại và giao thương hàng hóa, hàng chục bến đò ngang, dọc được hình thành và đưa Biên Hòa trở thành thương cảng sầm uất nhất vùng. Nhiều nghề truyền thống lâu đời ở vùng đất được mệnh danh là thành cổ của miền Nam cũng nhờ đó mà phát triển vượt bậc.

Đò An Hảo, bến đò quy mô nhất ở TP. Biên Hòa khi còn hoạt động
Đò An Hảo, bến đò quy mô nhất ở TP. Biên Hòa khi còn hoạt động

Theo quy luật phát triển, nhiều cây cầu được xây dựng giúp cho việc đi lại thuận tiện và dễ dàng, nhiều bến đò cũng đi vào dĩ vãng…

* Vấn vương bến cũ

Như một sự ưu ái của thiên nhiên, dòng Đồng Nai chảy qua TP.Biên Hòa chia thành các nhánh lớn, nhỏ tạo nên hệ thống thủy phong phú và đa dạng mà ít nơi nào có được. Người ta có thể dùng thuyền, ghe để đi đến nhiều nơi trong nội, ngoại ô; ngược lên các huyện: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán hay xuôi xuống các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch và kết giao với tỉnh bạn như: TP.HCM, Bình Dương, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, thậm chí đi các tỉnh miền Tây.

Đành rằng, bến đò, con thuyền chỉ là phương tiện giao thông vận tải thô sơ,  tương lai sẽ có cầu thay thế. Tuy nhiên, trong tâm khảm của nhiều người Biên Hòa, của ông Chín, ông Tới, những bến đò đã phần nào trở thành nhịp sống, ký ức khó phai; là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của các thế hệ người Biên Hòa - Đồng Nai.

Tài liệu liên quan đến lịch sử 320 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai có viết, thuở tàu, xe chưa phổ biến, trên sông Đồng Nai có hơn 50 bến đò ngang, dọc chuyên chở người và hàng hóa. Trong đó, đoạn qua TP.Biên Hòa có hơn 20 chục bến đò, mỗi bến cách nhau từ vài trăm đến hàng km. Có thể kể đến: bến Bửu Long (từ P.Bửu Long đi cù lao Thạnh Hội); bến đò Trạm, bến đò Xóm Lá (từ P.Bửu Long qua P.Tân Hạnh) bến đò Lò Lu (từ P.Hóa An sang chợ Biên Hòa), bến đò An Hảo (từ P.An Bình đi cù lao Hiệp Hòa)… Nhờ sự phát triển của hệ thống giao thông thủy, từng có thời gian dài, cù lao Hiệp Hòa trở thành thương cảng sầm uất nhất ở Nam bộ với nhiều tàu buôn trong và ngoài nước đến giao thương, các bến đò khi đó cũng nhộn nhịp hơn hẳn.

Cũng nhờ hệ thống giao thông thủy dễ dàng kết nối, nhiều nghề truyền thống đã hình thành ở vùng đất ven sông. Bến đò vừa là nơi tập kết nguyên vật liệu cho sản xuất, vừa phân tán sản phẩm xứ Biên Hòa - Đồng Nai đi các tỉnh, thành ở miền Nam. Có thể kể đến như: nghề làm đá gắn liền với bến Bửu Long, nghề làm gốm đất đen nổi tiếng gắn với bến đò Lò Lu, nghề dệt nhuộm gắn với bến đò Kho (P.Tân Mai). Có nhiều công trình văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng được xây dựng gần các bến đò để thuận tiện cho đi lại và sinh hoạt của người dân như: chùa Ông, đình Tân Lân, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đền thờ Nguyễn Tri Phương, Phụng Sơn Tự… Hiện tại, chùa Ông vẫn giữ màn rước sắc thần bằng thuyền trên sông vào tháng Giêng hằng năm.

Theo thống kê, TP.Biên Hòa còn 5 bến đò ngang đang hoạt động, trong đó có bến đò Kho (từ P.An Bình đi P.Hiệp Hòa), bến đò Long Triển (P.Tam Hiệp đi P.Hiệp Hòa), bến đò Trạm (từ P.Bửu Long qua P.Tân Hạnh), một bến đò ở xã Long Hưng. Bến đò ngang duy nhất kết giao TP.Biên Hòa với ngoại tỉnh là bến Bửu Long (từ P.Bửu Long đi cù lao Thạnh Hội, tỉnh Bình Dương), đây là bến đò có lượng người qua lại đông nhất hiện nay. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các bến đò hiện tại không hoạt động xuyên suốt như bình thường mà chỉ chạy vào giờ cao điểm, lượng người qua lại cũng giảm đáng kể. Dù vậy, những chuyến đò ngang trên dòng Đồng Nai vẫn đóng vai trò quan trọng trong kết nối cuộc sống đôi bờ, đóng góp một cách tích cực vào sự phát triển kinh tế và đời sống văn hóa của người dân ven sông.

* Lưu giữ văn hóa sông nước

Ngày nay, một số cây cầu đã thay thế cho các bến đò và hoạt động đi lại, giao thương trên sông cũng không còn nhộn nhịp như trước, nhưng đò ngang ở Biên Hòa vẫn là hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của người dân bản địa, du khách phương xa và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều thi sĩ.

Một điều đáng nói là phần lớn các cây cầu được xây dựng sau này đều có vị trí gần các bến đò như: cầu An Hảo cách bến đò An Hảo khoảng 100m, cầu Hiệp Hòa cách bến đò Dọc 300m, cầu Hóa An cách bến đò Lò Lu chưa đầy 1km… Vì thế, trong ký ức của những người sống lâu năm hai bên bờ, những bến đò năm xưa vẫn còn lưu lại.

Ông Võ Tấn Tới, người có nhiều năm gắn bó với các bến đò ở Biên Hòa
Ông Võ Tấn Tới, người có nhiều năm gắn bó với các bến đò ở Biên Hòa

Ông Lê Văn Chín (ấp Nhất Hòa, P.Thống Nhất) cho biết, trước đây gia đình ông ở đối diện bến đò Dọc. Mỗi ngày có hàng trăm lượt người xếp hàng từ sáng sớm chờ đò vào thành phố mua bán, học tập, làm việc. Sau này, kinh tế phát triển, các cây cầu: Bửu Hòa, Hiệp Hòa, Hóa An, An Hảo được xây dựng thì nhiều bến đò cũng ngừng hoạt động. Chẳng hạn như bến dò Dọc, bến đò Lò Lu, bến đò An Hảo chỉ còn trong dĩ vãng. Bến đò gần nhà ngưng hoạt động, thỉnh thoảng, ông Chín vẫn lấy xe Honda chạy qua cù lao Hiệp Hòa, lên đò Kho ngồi vài phút rồi về. Ông Chín nói: “Mai này không biết có còn đò để ngồi nữa không? Ngồi trên đò, ngắm nhìn thành phố giữa trời mây sông nước lòng khoan thai và thấy yêu thành phố quê hương hơn hẳn”.

Ông Chín nói cũng phải, mới đây, UBND tỉnh đã thông qua chủ trương đầu tư một số dự án nhóm A trên địa bàn tỉnh. Trong đó có dự án Đường ven sông Cái có chiều dài gần 4,6km, điểm đầu giao với đường Hà Huy Giáp (P.Quyết Thắng và điểm cuối giao với đường Trần Quốc Toản (P.An Bình). Quy mô mặt cắt ngang của tuyến đường là 32m, trên trục đường sẽ có 5 cầu là: Chìm Tàu, Tân Mai, Bà Bột, Rạch Gió, Suối Linh. Trong đó có cầu nối từ đường Đỗ Văn Thi (P.Hiệp Hòa) đến đường Trần Quốc Toản (P.An Bình). Cây cầu này đang được kỳ vọng sẽ giúp cho việc đi lại, giao thương của người dân các phường ven sông trở nên nhanh và thuận tiện hơn; có thể thay thế được cho 2 bến đò là Long Triển và đò Kho qua P.Hiệp Hòa.

Hơn 30 năm mưu sinh bằng việc chở khách qua lại giữa hai bờ sông Cái, ông Võ Tấn Tới, lái đò bến Long Triển cho biết, cách đây 2 năm về trước, ông lái phà lớn ở bến đò An Hảo. Từ khi cầu An Hảo khánh thành, bến đò ngưng hẳn. Ông và những người làm việc ở bến cũ rời về bến Long Triển. Trung bình mỗi ngày bến phục vụ khoảng 300 lượt khách, bằng 1/10 so với đò An Hảo trước đây, thu nhập của ông Tới cũng giảm đáng kể, nhưng ông vẫn không nỡ bỏ nghề.

“Khi bến An Hảo nghỉ, tôi làm qua một vài công việc nhưng không trụ được lâu. Dù đã qua thời kỳ thịnh hành của phương tiện giao thông này nhưng tôi vẫn muốn gắn bó dòng sông, bến nước, con đò. Nơi đây đã gắn liền với cuộc sống thường nhật của nhiều thế hệ trong gia đình tôi” - ông Tới chia sẻ.

Hoàng Lộc

 

Tin xem nhiều