Báo Đồng Nai điện tử
En

Cùng người lao động vượt khó thời đại dịch

10:04, 04/04/2020

Trước những tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) cũng như đời sống, việc làm của người lao động (NLĐ), các cấp Công đoàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, đảm bảo quyền lợi của NLĐ.

Trước những tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) cũng như đời sống, việc làm của người lao động (NLĐ), các cấp Công đoàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, đảm bảo quyền lợi của NLĐ.

Cán bộ Công đoàn Công ty Pousung Vina (H.Trảng Bom) chuẩn bị nước rửa tay sát khuẩn tặng công nhân lao động
Cán bộ Công đoàn Công ty Pousung Vina (H.Trảng Bom) chuẩn bị nước rửa tay sát khuẩn tặng công nhân lao động

* Phối hợp xây dựng phương án lao động

Dịch Covid-19 kéo dài đã khiến nhiều DN trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do khan hiếm nguyên liệu đầu vào, xuất khẩu đình trệ, các đơn hàng cũng phải tạm ngưng do chịu ảnh hưởng của các đối tác nước ngoài… Nhiều DN đã tính đến phương án thu hẹp sản xuất, cho NLĐ tạm nghỉ việc. Do đó đời sống, việc làm của NLĐ cũng bị ảnh hưởng theo, nhất là lao động thuộc khối DN dịch vụ, du lịch, dệt may, giày da…

Trước tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn cũng như nguy cơ lây lan dịch bệnh trong công nhân lao động, nhiều Công đoàn cơ sở (CĐCS) trong DN trên địa bàn tỉnh đã chủ động tham gia với chủ sử dụng lao động xây dựng phương án chi trả tiền lương ngừng việc cho NLĐ trong thời gian phải ngừng việc vì dịch bệnh (theo Bộ luật Lao động); các chính sách đảm bảo quyền lợi của NLĐ theo quy định pháp luật trong trường hợp phải ngưng việc dài ngày, đồng thời giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với NLĐ phải ngừng việc do dịch bệnh. Ngoài ra còn kiến nghị DN thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong công nhân lao động như: phát khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, bố trí các ô vách ngăn tại nhà ăn, đảm bảo khoảng cách NLĐ khi xếp hàng tan ca…

Để đảm bảo sức khỏe cho cho công nhân lao động, hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, Công ty TNHH Epic Designers Việt Nam đã quyết định cho toàn bộ công nhân viên (bao gồm nhà máy ở Biên Hòa và Xuân Lộc) nghỉ làm từ ngày 30-3 đến 4-4 theo hình thức nghỉ phép năm. Theo Chủ tịch CĐCS công ty Ngô Đức Hoàng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, CĐCS công ty đã cùng Ban giám đốc thảo luận, đề xuất giải pháp trên tinh thần chia sẻ khó khăn với DN và đảm bảo quyền lợi của NLĐ công ty. “Trước mắt, NLĐ được bố trí nghỉ phép năm trong 1 tuần, những người đã hết phép năm sẽ được ứng phép. CĐCS cũng đã chủ động đề xuất, cùng DN xây dựng các phương án về chi trả tiền lương của NLĐ trong thời gian tạm nghỉ do dịch. Sau 1 tuần nghỉ phép năm, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp phải tính đến phương án tiếp tục cho NLĐ tạm ngưng việc nhưng phải đảm bảo quyền lợi theo quy định của Bộ luật Lao động, tức việc trả lương ngừng việc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng” - ông Hoàng nói.

Còn theo ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch CĐCS Công ty Pousung Vina (H.Trảng Bom), thời gian qua cán bộ Công đoàn công ty đã nhận nhiều thắc mắc, những chia sẻ, tâm tư của công nhân lao động bày tỏ lo lắng về việc làm, đời sống do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thông qua trao đổi trực tiếp, bản tin nội bộ và mạng xã hội, cán bộ Công đoàn công ty đã kịp thời giải đáp thắc mắc, động viên và định hướng để NLĐ bình tĩnh, an tâm, hiểu đúng và đầy đủ các quy định, nội dung liên quan đến quyền lợi của mình. 

Cùng với triển khai các giải pháp phòng, chống dịch trong doanh nghiệp, phát tặng 25 ngàn chai nước rửa tay kháng khuẩn đến toàn thể NLĐ, CĐCS công ty duy trì hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động; hỗ trợ kịp thời trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo…

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, từ khi có dịch bệnh, đơn vị đã chỉ đạo các CĐCS kết hợp với chủ DN mua khẩu trang y tế cấp miễn phí, đo thân nhiệt trước khi vào ca, thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo của Bộ Y tế để kịp thời tuyên truyền cho NLĐ về phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường tại nơi làm việc…

Hiện nay, LĐLĐ tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các cấp Công đoàn rà soát, nắm bắt tình hình đời sống việc làm của NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại cơ sở để phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời đề xuất phương án xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật; đồng thời động viên người lao động chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn; góp phần ổn định quan hệ lao động trên địa bàn.

* Giải đáp kịp thời những băn khoăn của NLĐ

Chia sẻ, tháo gỡ những tâm tư, băn khoăn của NLĐ liên quan đến quyền lợi, chính sách về tiền lương, bảo hiểm khi đời sống, việc làm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thời gian qua cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh đã trực tiếp giải đáp, hướng dẫn NLĐ về những nội dung liên quan.

Trước băn khoăn của NLĐ về việc tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm xã hội, trong đó có quỹ hưu trí và tử tuất có ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ hay không, luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh cho biết: “Theo quy định của pháp luật hiện nay thì DN phải đóng 4 loại bảo hiểm bắt buộc là: bảo hiểm xã hội 17% (gồm 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất và 3% vào quỹ ốm đau, thai sản); bảo hiểm y tế 3%; bảo hiểm thất nghiệp 1%; bảo hiểm tai nạn 0,5%. DN chỉ được dừng quỹ hưu trí và tử tuất là 14%, các quỹ còn lại DN vẫn phải đóng đầy đủ cho NLĐ. Do đó, nếu DN có tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất thì quyền lợi của NLĐ không bị ảnh hưởng nhiều”.

Cũng theo luật sư Vũ Ngọc Hà, dịch bệnh gây ra những biến đổi trong sản xuất, kinh doanh mà chủ DN lẫn NLĐ không ai mong muốn. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật, khi đã giao kết hợp đồng lao động với NLĐ, DN phải có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao động, phải bố trí việc làm và phải trả lương cho NLĐ. Trong tình hình khó khăn chung hiện nay, nếu DN không bố trí được việc làm có thể tạm thời chuyển NLĐ sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động, trao đổi với NLĐ để bố trí cho NLĐ nghỉ hằng năm (phép năm) để đảm bảo cho NLĐ vẫn có tiền lương trang trải cuộc sống.

Trường hợp dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, DN không thể bố trí được việc làm cho NLĐ thì có thể thỏa thuận với NLĐ để trả lương ngừng việc theo Khoản 3, Điều 98 Bộ luật Lao động 2012. Theo đó, tiền lương ngừng việc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.          

Theo Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra có các gói hỗ trợ cho NLĐ gồm: hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6-2020 cho các đối tượng là NLĐ bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các DN (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ là 5.400 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là 1 triệu lao động). Hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6-2020 cho các đối tượng là NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ là 15 ngàn tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là 5 triệu lao động).

            Thảo Nguyên

 

 

Tin xem nhiều