Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm về bản sắc tà áo dài

08:03, 13/03/2020

Hình ảnh áo dài có lúc gần gũi, tinh khôi của những nữ sinh trung học, có khi chở cả ước mơ với tà áo cô giáo dịu dàng trên bục giảng, khi lại trở nên lộng lẫy, kiêu sa trên các sàn diễn thời trang, các cuộc thi sắc đẹp…

Hình ảnh áo dài có lúc gần gũi, tinh khôi của những nữ sinh trung học, có khi chở cả ước mơ với tà áo cô giáo dịu dàng trên bục giảng, khi lại trở nên lộng lẫy, kiêu sa trên các sàn diễn thời trang, các cuộc thi sắc đẹp…

Nữ sinh duyên dáng trong tà áo dài. Ảnh: Lò Văn Hợp
Nữ sinh duyên dáng trong tà áo dài. Ảnh: Lò Văn Hợp

Áo dài, một loại trang phục truyền thống của Việt Nam, đã mang trong mình biết bao câu chuyện về giá trị văn hóa của dân tộc.

* Áo dài dưới góc nhìn của văn hóa

Trong Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, GS.Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm cho biết: Dịp lễ hội, người Việt thường mặc áo dài; từ thế kỷ XIX đến sau năm 1945 ở miền Trung và miền Nam, cũng như ở một số vùng miền Bắc, người ta mặc áo dài thường xuyên, kể cả lao động nặng nhọc.

Theo sách Trung Quốc Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm, ở Giao Chỉ thời xưa, “người có địa vị trong xã hội đều mặc áo dài. Lễ lạt thì mặc thêm áo rộng màu thẫm trùm lên, gồm có bốn vạt, gọi là tứ thân”.

Áo dài phụ nữ Việt Nam truyền thống phân biệt áo tứ thân và năm thân. Do sống ở xứ nóng (dương tính) cho nên văn hóa Việt Nam có truyền thống thiên về âm tính, con người ưa kín đáo, không phô trương. Bởi vậy mà áo dài phụ nữ Việt Nam truyền thống thường may rộng, che kín eo, nhằm cố tình giấu bớt cái đẹp của cơ thể người phụ nữ. Yêu cầu kín đáo này thậm chí còn được quy phạm hóa, chẳng hạn như trong một bản hiểu dụ của chúa Nguyễn Phúc Khoát có ghi rõ rằng “áo thì từ hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở”.

Theo GS-TS.Trần Ngọc Thêm: “Áo dài Huế là sự dung hòa, trung chuyển giữa phong cách Hà Nội - thiên về bảo lưu truyền thống, với phong cách Sài Gòn - thiên về Âu hóa, cách tân. Áo dài Huế không có quá nhiều biến động như áo dài Sài Gòn, mà áo cổ cao vừa phải, eo không quá bó, tà áo xẻ cũng không quá cao. Màu áo ưa thích là màu tím - không quá đằm như màu áo dài Hà Nội, cũng không quá rực rỡ, tương phản như màu áo dài Sài Gòn”.

Cũng vì truyền thống âm tính, tế nhị, kín đáo, không phô trương mà về màu sắc, áo dài truyền thống Việt Nam, dù là để mặc trong ngày hội, cũng chỉ dùng các màu tối, màu âm tính như nâu, gụ… khác hẳn bộ hanbok rực rỡ của người Hàn Quốc, bộ kimono của người Nhật Bản hoặc trang phục lễ hội của các dân tộc xứ lạnh khác.

Tuy nhiên, đã là lễ hội thì phải vui, đòi hỏi trang phục phải có màu sắc tương ứng. Người Việt Nam đã giải quyết mâu thuẫn này bằng cách mặc lấp ló bên trong áo dài là những chiếc áo cánh ngắn nhiều màu (màu vàng mỡ gà, vàng chanh, hồng cánh sen, hồ đào…) lồng vào nhau, gọi là “mớ ba mớ bảy”. Ở Nam bộ, nơi khí hậu nóng quanh năm, lối mặc “áo mớ” được thay bằng “áo cặp” (mặc hai cái). Phía trong cùng là chiếc áo yếm màu trắng, hồng hay đỏ.

Do ảnh hưởng sự giao lưu với phương Tây, từ đầu thế kỷ XX, chiếc áo dài cổ truyền được cải tiến dần. Khởi đầu vào những năm 30, từ những sáng kiến của hai họa sĩ Cát Tường và Lê Phổ, chiếc áo tứ thân được cải tiến thành áo dài 2 vạt với nhiều kiểu như: kiểu eo rộng, chiết eo, kiểu cổ lá sen, cổ thuyền, cổ trái tim… Những kiểu áo dài giai đoạn ban đầu này thời ấy được gọi chung bằng từ tiếng Pháp là áo “Le Mur”.

Ngoại trừ một số người quá hăng hái trong việc Âu hóa, nhìn chung phụ nữ đô thị Việt Nam thời ấy cũng chỉ chấp nhận loại áo dài eo rộng, cổ kín đáo, kiểu cách đơn giản, không cầu kỳ… Dần dần với sự sàng lọc, bổ sung, sửa đổi của người dân, áo “Le Mur” được cải tiến thành áo dài tân thời được mọi người ưa chuộng. Như vậy, áo dài tân thời hiện nay đã là một sản phẩm sáng tạo của tập thể, nó kết hợp được một cách xuất sắc truyền thống dân tộc với ảnh hưởng phương Tây.

Trang phục nữ thường ngày đầu thế kỷ XX
Trang phục nữ thường ngày đầu thế kỷ XX

Một mặt, áo dài tân thời cải tiến đáng kể so với áo tứ thân theo hướng tăng cường phô trương cái đẹp cơ thể một cách trực tiếp kiểu phương Tây. Mặc khác áo dài tân thời lại cũng đồng thời kế tục và phát triển cao độ phong cách tế nhị, kín đáo cổ truyền.

Nhờ sự kết hợp một cách xuất sắc truyền thống dân tộc với ảnh hưởng phương Tây mà chiếc áo dài tân thời đã khiến cho phụ nữ mặc nó nhìn chung và nhìn từ phía trước tuy vẫn hết sức kín đáo, đoan trang nhưng đồng thời không kém phần quyến rũ. Còn nếu nhìn nghiêng từ bên hông thì sức quyến rũ lại tăng lên gấp bội phần. Chính sự gợi cảm một cách tế nhị, kín đáo, tính cách “dương ở trong âm” đặc biệt này mà áo dài tân thời vừa đáp ứng được yêu cầu thời đại, lại vừa duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, chiếc áo dài tân thời đã được phổ biến rộng rãi và trở thành biểu tượng cho y phục truyền thống Việt Nam.

* Gìn giữ và quảng bá hình ảnh áo dài

Áo dài ngày nay là một trong những trang phục không thể thiếu của phụ nữ Việt Nam. Từ trẻ em, thiếu nữ, cho đến người lớn tuổi đều diện áo dài. Áo dài xuất hiện trong sinh hoạt hằng ngày và cũng là lễ phục ở đám cưới, đi chùa, đi lễ nhà thờ… Do đó, có thể thấy rõ, niềm yêu thích, lòng tự hào về chiếc áo dài Việt Nam đã có sự trao truyền, tiếp nối giữa các thế hệ. Đặc biệt, thế hệ trẻ ngày nay còn ý thức việc giữ gìn và quảng bá hình ảnh chiếc áo dài đi muôn nơi.

Trang phục lễ hội xưa. Ảnh: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam
Trang phục lễ hội xưa. Ảnh: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam

Ngay từ thời THPT, chị Dương Nguyễn Quế Anh đã yêu thích tà áo dài trắng. Nay khi trở thành sinh viên ngành thiết kế thời trang Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, có cơ hội tìm hiểu sâu hơn bề dày lịch sử, giá trị văn hóa của chiếc áo dài Việt Nam, chị Quế Anh càng yêu hơn, tự hào hơn về một trang phục mang hồn đất nước. Bày tỏ mơ ước sau khi tốt nghiệp ra trường có một cửa hàng thiết kế áo dài, chị Quế Anh cho biết bản thân đang nỗ lực rất lớn bởi để có thể thiết kế áo dài ấn tượng, phù hợp với từng dáng người là không đơn giản…

Trong xã hội truyền thống, đàn ông vào dịp hội hè cũng mặc áo dài nhưng là áo dài the đen, đầu đội khăn xếp, chân đi guốc mộc, tay cầm chiếc dù đen. Giới thượng lưu thì mặc áo dài cả trong sinh hoạt thường ngày.

Còn đối với chị Hải Âu (P.Long Bình, TP.Biên Hòa), có một điều rất đặc biệt là trong các chuyến đi du lịch nước ngoài, vali hành lý của chị luôn có trang phục áo dài. “Trong rất nhiều cách check-in địa điểm của giới trẻ hiện nay (check-in trên mạng xã hội là thuật ngữ dùng để xác nhận vị trí một người đang ở hoặc đang đến), tôi chọn cho mình trang phục áo dài truyền thống. Ngoài việc yêu thích đặc biệt với tà áo dài, tôi còn muốn khẳng định: Tôi là người Việt Nam - Áo dài là của dân tộc Việt Nam”. 

Nhớ mãi chuyến đi du lịch nước ngoài đầu tiên ở Malaysia vào năm 2017, chị Hải Âu cho biết: “Người nước ngoài rất thú vị và ấn tượng về tà áo dài. Nhưng không phải ai cũng hiểu biết về áo dài, nên tôi có cơ hội giới thiệu với họ trang phục truyền thống của người Việt Nam”. Từ đó về sau, trong các chuyến đi du lịch ở Indonesia, Thái Lan, Myanmar…, chị Hải Âu đều không quên chọn những bộ áo dài đẹp nhất, đồng hành với mình trong những chuyến đi.

Hiện chị Hải Âu đã có 2 năm làm việc tại một công ty về giao dịch chứng khoán ở thủ đô Kualumpur của Malaysia. Trong những dịp lễ hội ở công ty, chị cũng thường chọn mặc áo dài với mong muốn giới thiệu về tà áo dài và cũng để nhớ về quê hương.           

Lâm Viên

Tin xem nhiều