Báo Đồng Nai điện tử
En

Thông hiểu để làm việc tốt hơn

09:03, 06/03/2020

Đối thoại tại nơi làm việc không chỉ giúp doanh nghiệp (DN) xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định mà còn góp phần tăng năng suất lao động.

Đối thoại tại nơi làm việc không chỉ giúp doanh nghiệp (DN) xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định mà còn góp phần tăng năng suất lao động.

Công nhân Công ty TNHH Pousung Việt Nam tham gia đóng góp ý kiến về các chính sách liên quan đến việc làm tại Hội nghị người lao động đầu năm 2020. Ảnh: L.Mai
Công nhân Công ty TNHH Pousung Việt Nam tham gia đóng góp ý kiến về các chính sách liên quan đến việc làm tại Hội nghị người lao động đầu năm 2020. Ảnh: L.Mai

Tuy nhiên hiện nay, hoạt động này vẫn chưa được nhiều DN quan tâm đúng mức; vẫn còn những DN tổ chức đối thoại mang tính hình thức, chưa đáp ứng được mong muốn của người lao động (NLĐ).

* Cần sự thiện chí từ phía DN

Tại hội nghị giao ban công tác Công đoàn quý I mới đây, nhiều cán bộ Công đoàn cho rằng, một số vụ ngừng việc tập thể gần đây không chỉ liên quan đến chế độ, chính sách mà một phần do DN và NLĐ chưa tìm được tiếng nói chung trong quan hệ lao động. Và khi xảy ra mâu thuẫn nhỏ trong quá trình làm việc, nếu DN không giải đáp kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ổn định sản xuất, kinh doanh.

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các Công đoàn cơ sở (CĐCS) đẩy mạnh triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc đối với khối DN để nắm tình hình tư tưởng, giải quyết những kiến nghị về việc làm, đời sống, thu nhập của NLĐ. Qua đó, số lượng các cuộc đối thoại đã tăng lên, tuy nhiên, nhiều nơi chất lượng vẫn chưa đảm bảo, chưa tiếp cận đầy đủ về bản chất và ý nghĩa của đối thoại.

Theo LĐLĐ tỉnh, năm 2019, có 922 DN tổ chức 2.256 cuộc đối thoại tại nơi làm việc (tăng 747 cuộc so với năm 2018). Trong buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Đảng đoàn LĐLĐ tỉnh mới đây, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn lưu ý, Đảng đoàn LĐLĐ tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các cấp Công đoàn nâng cao hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại DN, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; chủ động đề xuất, kiến nghị DN giải quyết các khó khăn, vướng mắc của NLĐ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong DN.

Bên cạnh đó, thông qua các cuộc thanh, kiểm tra cho thấy, vẫn còn nhiều DN, nhất là DN nhỏ, chưa tổ chức đối thoại tại nơi làm việc vì lý do bận sản xuất theo dây chuyền, không sắp xếp được thời gian và việc tập hợp NLĐ khó khăn. Một số DN khác có tổ chức đối thoại nhưng lồng ghép trong các cuộc họp để giảm chi phí và không tốn thời gian thực hiện.

Thực tế hiện nay, NLĐ ngoài mong muốn có môi trường làm việc thân thiện, chính sách phúc lợi đảm bảo, họ còn cần sự quan tâm từ chủ DN. Tuy nhiên, nhiều NLĐ cho biết, dù gắn bó với DN nhiều năm nhưng họ không hề biết mặt chủ sử dụng lao động. Đặc biệt, ở những DN chưa có tổ chức Công đoàn, khi quyền lợi bị ảnh hưởng, họ không biết tìm đến đâu để hỏi. Vì vậy, việc đối thoại tại nơi làm việc cũng là dịp DN, CĐCS có thời gian gặp gỡ NLĐ, cùng chia sẻ những khó khăn, thuận lợi để hiểu, gắn bó hơn.

Chủ tịch LĐLĐ H.Trảng Bom Lê Đức Thụy cho biết, để có một buổi đối thoại thực chất, đúng trọng tâm và hiệu quả, cần sự thiện chí từ phía DN trong việc tạo điều kiện thời gian, địa điểm và phối hợp nhịp nhàng với CĐCS tổ chức đối thoại trên cơ sở tập hợp ý kiến NLĐ và nghe NLĐ trực tiếp giải bày những vấn đề liên quan đến chính sách, môi trường làm việc. Có như vậy, DN mới biết để cải thiện, đáp ứng nguyện vọng NLĐ, tạo thêm sự gắn kết.

Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Như Ý, đối thoại tại nơi làm việc đóng vai trò hết sức quan trọng để NLĐ và chủ DN hiểu nhau hơn. Để làm tốt công tác này cần nhiều giải pháp, trong đó, cán bộ CĐCS phải thường xuyên lắng nghe nguyện vọng, tổng hợp ý kiến NLĐ để chuẩn bị tốt nội dung đối thoại. Bên cạnh đó, CĐCS giải thích cho chủ DN hiểu ý nghĩa của đối thoại là dịp để NLĐ thấu hiểu và đồng hành với DN, tháo gỡ khó khăn,  khúc mắc, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh doanh và đảm bảo hai bên cùng có lợi. Về phía DN cần chủ động thực hiện nghiêm túc, tạo mọi điều kiện gặp gỡ, trao đổi, tạo niềm tin với NLĐ.

* Góp phần ổn định sản xuất

Xác đinh việc đối thoại tại nơi làm việc sẽ góp phần ổn định lao động, thời gian qua, nhiều DN tập trung đông NLĐ đã thực hiện rất nghiêm túc các buổi đối thoại theo Nghị định 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Chủ sử dụng lao động đã chủ trì, phối hợp với đại diện tập thể lao động tại cơ sở thực hiện 3 tháng/lần hoặc nhiều hơn để trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh; hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và thỏa thuận khác tại nơi làm việc.

Trực tiếp tham gia một buổi đối thoại định kỳ của chủ DN và NLĐ tại Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom), có thể cảm nhận được tính dân chủ trong quá trình đối thoại và sự chủ động lắng nghe ý kiến NLĐ của chủ DN. Tại đây, NLĐ được thoải mái nêu ý kiến về chất lượng bữa ăn ca, nơi gửi xe, môi trường làm việc... và đều được cán bộ chủ chốt tại DN giải đáp rõ ràng, chi tiết, giúp NLĐ hiểu rõ và hài lòng với sự chia sẻ từ phía DN. Ngoài ra, những ý kiến do CĐCS tập hợp từ NLĐ được DN ghi nhận và giải quyết ngay sau đó. Vì vậy, dù DN có số lượng trên 25 ngàn NLĐ nhưng mối quan hệ lao động khá hài hòa, ổn định.

Nâng chất bữa ăn giữa ca là một trong những nội dung được các Công đoàn cơ sở đối thoại, thương lượng với chủ doanh nghiệp. Trong hình: Công nhân Công ty hữu hạn cơ khí động lực Toàn Cầu (H.Trảng Bom) dùng cơm trưa (trị giá 23 ngàn đồng/suất)
Nâng chất bữa ăn giữa ca là một trong những nội dung được các Công đoàn cơ sở đối thoại, thương lượng với chủ doanh nghiệp. Trong hình: Công nhân Công ty hữu hạn cơ khí động lực Toàn Cầu (H.Trảng Bom) dùng cơm trưa (trị giá 23 ngàn đồng/suất)

Công nhân Trần Thị Hạnh, làm việc tại xưởng đế công ty cho hay: “Chúng tôi rất hài lòng với cách giải đáp các vấn đề từ phía DN. Thời gian qua, một số kiến nghị đã được DN quan tâm cải thiện, giúp công nhân yên tâm làm việc. Sự tôn trọng NLĐ của DN là điều quan trọng để chúng tôi gắn bó, làm việc hiệu quả, sáng tạo trong sản xuất” - chị Hạnh chia sẻ.

Nhiều cán bộ CĐCS cho rằng từ đối thoại, nhiều DN đã tìm được tiếng nói chung với NLĐ. Chẳng hạn, khi DN gặp khó khăn trong sản xuất, chưa chi trả quyền lợi kịp thời nên đã gặp gỡ NLĐ để nói rõ vấn đề, giúp họ hiểu, chia sẻ và cùng DN vượt qua khó khăn chứ không nên thông báo bằng văn bản đột xuất dễ xảy ra hiểu nhầm và đỉnh điểm là đình công, ngừng việc. Bên cạnh đó, muốn ổn định sản xuất lâu dài, DN phải tạo niềm tin với NLĐ bằng cách cải thiện và tăng các phúc lợi tốt hơn.

Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Elite Long Thành Hồ Hoàng Anh cho hay, để nâng cao hiệu quả đối thoại tại nơi làm việc, CĐCS cần thiết lập các kênh đối thoại tại nơi làm việc. Hình thức đối thoại tại nơi làm việc phải linh hoạt và tùy thuộc điều kiện cụ thể của mỗi DN như: họp trước ca làm việc, tập hợp ý kiến bằng cách lập hòm thư đề xuất, bảng tin... “Cách làm này đang áp dụng hiệu quả tại DN chứ không nhất thiết phải đối thoại định kỳ 3 tháng/lần. Có thể nhiều hơn càng tốt vì mọi xung đột nhỏ sẽ giải quyết trong ngày chứ không để nó phát sinh, lan rộng, ảnh hưởng đến sản xuất và an ninh trật tự”- anh Hoàng Anh chia sẻ. 

Lan Mai

Tin xem nhiều