Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà văn, nhà biên kịch Hoàng Văn Bổn: Những trang sách, thước phim thấm máu

11:03, 20/03/2020

Cố nhà văn, nhà biên kịch Hoàng Văn Bổn là nhà văn lớn của tỉnh Đồng Nai, của miền Đông Nam bộ với trên 30 bộ tiểu thuyết, tập truyện ngắn, truyện ký, ký sự, tạp bút... phản ánh cuộc chiến đấu anh hùng của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, trong đó có những người nông dân Đồng Nai quê hương, có phần tham gia của chính gia đình ông, dòng họ ông và ông - một người lính kỳ cựu.

Cố nhà văn, nhà biên kịch Hoàng Văn Bổn. Ảnh: Vĩnh Huy
Cố nhà văn, nhà biên kịch Hoàng Văn Bổn. Ảnh: Vĩnh Huy

Cố nhà văn, nhà biên kịch Hoàng Văn Bổn là nhà văn lớn của tỉnh Đồng Nai, của miền Đông Nam bộ với trên 30 bộ tiểu thuyết, tập truyện ngắn, truyện ký, ký sự, tạp bút... phản ánh cuộc chiến đấu anh hùng của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, trong đó có những người nông dân Đồng Nai quê hương, có phần tham gia của chính gia đình ông, dòng họ ông và ông - một người lính kỳ cựu. Nhiều tác phẩm văn chương của ông đứng vào hàng tiêu biểu trong văn học cách mạng và kháng chiến, được trao các giải thưởng quốc gia, đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Ông là một trong 2 nhà văn của Đồng Nai được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học.

* Không chỉ là văn chương

Sự nghiệp sáng tác của ông không chỉ có văn chương. Từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, đang cùng đơn vị xây dựng đường dây thông tin ở những cánh rừng Lào, ông được rút về Xưởng phim Quân đội nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ biên kịch, gắn với nghề điện ảnh từ đấy. Mãi đến năm 1980, chuyển ngành về lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật quê nhà, ông mới rời tay máy. Một quãng đời rất quan trọng của ông gần 20 năm là nhà điện ảnh chuyên nghiệp. Hai mươi năm ấy (1961-1980), ông là một trong những người có nhiều đóng góp xuất sắc xây dựng nền điện ảnh quân đội non trẻ, chiến đấu và trưởng thành.

Cùng với những người lính điện ảnh quân đội, bước chân ông đã in ở khắp những chiến trường khốc liệt nhất ngày ấy: đảo Hòn Mê, đảo Bạch Long Vĩ, cầu Hàm Rồng, đường Trường Sơn, chiến trường Quảng Trị, Đường Chín - Nam Lào, Hải Phòng, Hà Nội, miền Tây Bắc, Campuchia, Lào… Để phản ánh chân thực về cuộc chiến đấu anh hùng của quân và dân ta, ông và những chiến sĩ nghệ sĩ quân đội phải bám sát những người lính, cùng hứng bom đạn như họ, chứng kiến và đưa vào ống kính hình ảnh anh hùng của họ cùng mịt mù bom đạn địch.

Ông kể lại những ngày ông cùng đồng đội làm phim ở trọng điểm cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ năm 1967: “Vừa đặt máy quay, hòm phim xuống, bỗng pháo chân cầu nổ liên động. Rồi cả vùng chân cầu chìm ngập trong khói bom… Một bầy phản lực bất thần hạ độ cao lướt ầm ầm sát ngọn cây… Một quả tên lửa “Bun - pớp” từ một tảng mây đục réo phừng lướt sát trận địa C5 giữa đống đá, chếnh choáng… Quả tên lửa mất cha ấy lao xuống nổ tung cạnh mâm cơm của chúng tôi. Chiếc chảo quân dụng tung vọt lên ngang đọt dừa quay tít… Trận địa C5 “bố già” Nguyễn Gia Nhuệ vẫn nổ súng đường hoàng, phóng từng chùm đạn hoàn toàn bất ngờ nguy hiểm vào sườn địch.  Hăm hai chiếc (máy bay) trên đầu “bố già”, bám riết lấy trận địa giữa đống đất đá ấy… Máy quay chúng tôi chạy say sưa, nuốt gọn cảnh đọ sức kỳ diệu giữa “bố già” và hăm hai thằng giặc Mỹ. Một ngọn dừa bị phạt ngay cạnh máy quay. Hai mảnh bom bay tè tè, phang ngang vào mô đất chúng tôi ẩn nấp…

Chúng tôi xông vào, luồn dưới một nòng pháo nóng rát quay vùn vụt về hướng 14… Ụych một cái, đất xích mạnh như đua võng. Sườn đập vào vách hào. Quả tên lửa thứ nhất nổ đánh rắc về phía “bố già”, khói xộc vào mũi sặc sụa. Quả thứ hai nổ cách chúng tôi độ bảy tám mét gì đó, khói cay xè.” (Hàm Rồng - ký sự). Không có mảy may khác biệt giữa những người lính pháo cao xạ đang trực tiếp chiến đấu với bầy “thần sấm”, “con ma” F4, F105 Mỹ với những người lính làm phim quân đội trong những trận đánh ấy.

* Nhiều tác phẩm “để đời”

Rồi ông vào Trường Sơn, vào Đường Chín - Nam Lào làm phim về những người lính trực tiếp chiến đấu, những người lính vận tải, thông tin, giao liên Đoàn 559, những cô gái thanh niên xung phong dũng cảm, kiên cường: “Đoàn làm phim Quân đội chúng tôi được lệnh vào Trường Sơn những ngày giáp Tết năm ấy... Vượt quãng đường chết người từ Hà Nội vào tận Quảng Trị phía thượng nguồn sông Bến Hải trong âm thanh tiếng hát chèo réo rắt trên các loa dọc đường số một. Xếp hàng dài hàng cây số ở phà sông Gianh, chui hầm giao thông hào trốn hàng chục loạt bom tọa độ, bom bi. Chiếc xe commăngca đít vuông chở đầy người làm phim chúng tôi. Máy móc, thùng tô nô đựng phim. Bom nổ ầm ầm, loe lóe. Xe phóng vèo lên bờ, băng qua giao thông hào tối đen...

Nhà biên kịch, NSƯT Nguyễn Thành Lập (Điện ảnh Quân đội) đã đánh giá: “Những bộ phim sống động chân thực hào hùng ấy như những dấu son, để lại dấu ấn khó quên trong lòng công chúng trong nước và thế giới... Đó cũng là phẩm giá, nhân cách của người nghệ sĩ - chiến sĩ”.

Vào đến trọng điểm 500, 700, 900 phải nhắm mắt, nhắm mũi bám lấy thùng xe, nhảy xuống dốc đùn đít xe. Mảnh bom phạt lạnh gáy. Đạn pháo cao xạ của ta sát lề đường quạt khét tóc… Tôi, đạo diễn Nguyễn Kha, quay phim Phùng Đệ, nghệ sĩ chèo Tào Mạt người ướt đẫm mồ hôi, quánh bùn như cá moi từ bùn lên, ngáp ngáp, cứ bám đít xe, đẩy nhích từng mét một. Bom bi roạt một loạt, chạy nháo nhào các hầm ếch đào sẵn dọc các vách núi, gọi nhau ơi ới. Xe đi trước bị bom bốc cháy như ngọn đuốc…

Rồi cũng vào được Nam Lào, đúng một giờ sáng, gà rừng đập cánh gáy ran khắp Trường Sơn đại ngàn… Khi chiến dịch gần kết thúc, cánh quay cao điểm 723 của đạo diễn Lê Mậu Bân báo tôi biết, kịch bản cần bổ sung, thay đổi nhiều điều. Tôi phải băng rừng từ cao điểm 456 mất hai ngày đêm để đến vùng cao điểm 723 của đại tá dù Nguyễn Văn Thọ, chiếm đóng. Mấy hôm ấy, do ăn uống thiếu thốn, hai con mắt của tôi lòa thảm hại, nhìn đâu cũng thấy một quầng màu vàng nhạt, che chắn nhảy múa...” (Một mùa xuân Trường Sơn với các cô gái C3 giải phóng - ký sự).

Giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc ấy, ông luôn lạc quan, bình tĩnh lạ thường. Ông tâm sự: “Mệt mỏi quá, rồi cũng đổ tại “số”. Cùng nhảy xuống hào, nhưng nhiều khi thằng nhanh chân lẹ tay nhảy xuống trước, chui tọt vào tận bên trong đáy hào, lại dính đạn. Cái thằng khù khờ, ngơ ngáo xuống sau, tơ hớ nửa trên nửa dưới lại chẳng sao... Bản thân tôi cũng nhiều lần nhờ cái tính ngu ngơ, khờ khạo kém mắt, kém phản ứng linh hoạt mà thoát chết” (Ngôi sao nhớ ai - Hoàng Văn Bổn).

Thực ra, cái mà ông tự nhận là khù khờ, ngơ ngáo, phản ứng chậm kia chính là bản lĩnh, là lòng dũng cảm của một người lính cách mạng, một lãnh đạo, chỉ huy, nhường thuận lợi cho đồng đội, nhận khó khăn, nguy hiểm về mình. Bản thân ông nhiều lần thoát chết tưởng như sự thần kỳ. Đồng đội ông nhiều người đã hy sinh: đạo diễn Lê Văn Bằng, đạo diễn Nguyễn Kha, nghệ sĩ quay phim Như Dũng hy sinh ở mặt trận Quảng Trị, đạo diễn Trần Nhật Hiển hy sinh ở Trường Sơn, nhà quay phim Nguyễn Kôn hy sinh trên mặt trận Hà Nội...

Những năm 1977-1980, cùng các nhà điện ảnh quân đội, ông lại vào chiến trường biên giới Tây Nam, lên biên giới phía Bắc sát cánh cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, sang chiến trường Campuchia cùng những người lính tình nguyện giúp bạn trừ họa diệt chủng. Các ông còn giúp bạn xây dựng nền điện ảnh Campuchia từ con số không sau họa diệt chủng Pôn Pốt.

Hai mươi ba bộ phim tài liệu, phim truyện do ông viết kịch bản và cùng đồng đội hoàn thành trong những chuyến đi đầy gian khổ, hy sinh ấy. 4 bộ phim: Người Hàm Rồng, Chiến đấu giữ đảo quê hương, Những cô gái C3 Quân giải phóng, Chiến thắng lịch sử Xuân 75 đoạt giải Bông sen Vàng trong Liên hoan phim Việt Nam. 5 bộ phim: Trận địa bên bờ sông Cấm, Trận đầu đánh thắng, Trên tuyến đầu Miền Tây Tổ quốc, Lịch sử không lặp lại, Theo chân chiến sĩ đoạt giải Bông sen Bạc. Riêng bộ phim Người Hàm Rồng còn đoạt giải Điện ảnh quốc tế Giorio Ivens danh giá.

Xin được trích mấy câu thơ viết kính tặng ông nhân sinh nhật lần thứ 70 của ông để khép lại bài viết nhỏ này:

Chiều buồn, xem lại băng phim cũ

Khuất sau phim ấy mảnh đời ta

Đồng đội ngã Hàm Rồng, Quảng Trị…

Mỗi thước phim còn ứa máu ra.

Đàm Chu Văn

Tin xem nhiều