Báo Đồng Nai điện tử
En

KOLs - họ là ai?

08:03, 13/03/2020

Những năm gần đây, khái niệm influencer, KOLs (viết tắt của Key Opinion Leaders) được du nhập vào Việt Nam cùng với sự phát triển của mạng xã hội. Những thuật ngữ này dùng để chỉ những người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng mạng...

Những năm gần đây, khái niệm influencer, KOLs (viết tắt của Key Opinion Leaders) được du nhập vào Việt Nam cùng với sự phát triển của mạng xã hội. Những thuật ngữ này dùng để chỉ những người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng mạng. Đó là những người nhờ nổi tiếng và năng lực, có thể tác động, dẫn dắt, chi phối suy nghĩ và hành vi của số đông ở một mức độ nhất định.

Fanpage của nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hiện thu hút hơn 3,3 triệu người theo dõi
Fanpage của nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hiện thu hút hơn 3,3 triệu người theo dõi

KOLs có thể là những tên tuổi thành danh trong giới showbiz như diễn viên điện ảnh, ca sĩ; cũng có thể là những chuyên gia trong các lĩnh vực nào đó như luật sư, bác sĩ, kỹ sư; hoặc cũng có thể là những nhà tu hành hay những “người đặc biệt”… Họ xuất hiện trong đời sống truyền thông xã hội như một thành viên tham gia chi phối dư luận thông qua các sự kiện, các vấn đề được số đông quan tâm.

* Một quyền lực truyền thông?

Do đặc trưng của truyền thông xã hội, ranh giới thông tin cá nhân và truyền thông đại chúng bị xóa nhòa trên môi trường trực tuyến. KOLs cũng là các cá nhân bình đẳng trong mạng xã hội, nhưng thông tin của họ phát ra trở thành một kênh đại chúng mạnh vì họ là những người nổi tiếng và được số đông theo dõi. KOLs vì thế có vai trò nhất định trong hệ sinh thái truyền thông mới. Thông tin, suy nghĩ và hành động của họ sẽ có sức thay đổi và thuyết phục đối với những đối tượng nhất định. Trong chừng mực nào đó, họ có quyền lực về truyền thông. Và không phải ngẫu nhiên, hiện nay khai thác KOLs vào truyền thông thành một ngành hoạt động nghiêm túc!

Trong một số tình huống khủng hoảng truyền thông hiện nay, các KOLs thường vừa tư vấn cho doanh nghiệp bị sự cố, vừa trực tiếp “giải cứu” trên mạng xã hội. Bức tranh thông tin hiện nay, vì thế, có phần méo mó vì sự chi phối thông tin của một số thế lực thông qua cơ chế người dẫn dắt dư luận.

Có rất nhiều cách phân loại influencer, KOLs. Ví dụ, có thể phân loại theo tính chất công việc, theo xuất thân (giới nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn, chuyên gia…). Các nhà làm marketing thường phân loại theo quy mô người theo dõi. VIPs/Celebrities (người nổi tiếng/người của công chúng) là nhóm influencer có độ reach cao nhất, tuy nhiên không phải celebrities nào cũng có sự liên quan tới ngành hàng.

Lâu nay trên mạng Facebook, chúng ta vẫn thường thấy những nhân vật trong giới showbiz làm đại sứ thương hiệu hay quảng cáo sản phẩm. Tuy nhiên, với sự thay đổi chóng mặt của hành vi sử dụng mạng xã hội và thị hiếu của giới trẻ, các định nghĩa người có tầm ảnh hưởng nhỏ và siêu nhỏ cũng xuất hiện, trở thành các đối tượng chi phối và nắm vị trí quan trọng trong các mô hình influencer marketing.

Ở Việt Nam, influencer còn có thể là những Facebooker, Blogger, Vlogger, YouTuber nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ các hành vi… bất thường.

Các KOLs không chỉ là người đại diện thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ theo kiểu tiếp thị cũ, mà họ còn là người trực tiếp viết bài, thể hiện - chia sẻ trải nghiệm cá nhân về các sản phẩm dịch vụ, trả lời các tương tác của khách hàng. Ví dụ Phan Anh, Linh Trang, Dino Vũ… tham gia nhiều bài viết hướng dẫn về nấu ăn cho Esheep kitchen, Savoury Days, Ngòn ngon by Dino; Diễm My, Vũ Cát Tường, Trấn Thành,
Tóc Tiên, Hana Giang Anh… tham gia giới thiệu các trải nghiệm về Gym…

Một nghệ sĩ có fan hâm mộ bên ngoài nhiều thì cũng tạo được nhiều người theo dõi tích cực trên mạng xã hội. Fanpage của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trên Facebook hiện có hơn 3,3 triệu người theo dõi, con số này với Fanpage của ca sĩ Mỹ Tâm là 2,8 triệu người. Số lượt người theo dõi đông đảo ấy lại là lực lượng “dư luận” thứ cấp trong rất nhiều tình huống tham gia, ủng hộ hay tuyên truyền cho một sự kiện, vấn đề nào đó!

* Thận trọng với KOLs!

Mới đây, khi một tờ báo tung ra loạt bài điều tra về việc một doanh nghiệp làm dự án du lịch gây tác động xấu đến môi trường, trên mạng xã hội, một số người có tầm ảnh hưởng đã ngay sau đó lên tiếng “giải cứu”. Chuyện giải cứu kiểu ấy không hề mới. Khủng hoảng truyền thông là chuyện có tính quy luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chỉ có khác là hiện nay, giải quyết khủng hoảng có sự tham gia “giải cứu” của KOLs của nhiều bên, ngay cả khi thông tin vẫn còn đang bị tranh cãi dữ dội. Đã có nhiều cuộc tranh luận gay gắt diễn ra giữa hai phe mà phe nào cũng có đại diện là các nhân vật có ảnh hưởng trên “cõi mạng”.

Hiện nay, KOLs, influencer trên một số lĩnh vực truyền thông thường là các nhà báo tự do, các nhà văn nổi tiếng. Họ cũng thu hút được nhiều người theo dõi.

KOLs cũng là những cá nhân, họ bị chi phối bởi định kiến riêng và cũng có động cơ (chính trị, kinh tế) khi làm truyền thông
KOLs cũng là những cá nhân, họ bị chi phối bởi định kiến riêng và cũng có động cơ (chính trị, kinh tế) khi làm truyền thông

Những KOLs là nhà báo thì quá trình thu hút số lượt người theo dõi có phần khác. Họ bắt đầu từ những bài viết có góc nhìn lạ, có dữ liệu riêng và họ biết cách “gãi” vào “chỗ ngứa” của đám đông khi thông tin trong một số trường hợp còn chưa sáng tỏ trên môi trường chính thống do những vấn đề chính trị nhạy cảm. Trường hợpcủa Trương Huy S., Lê Nguyễn Hương Tr., Bạch H... là những ví dụ.

Có không ít KOLs ban đầu nhờ nguồn tin riêng nên có sản phẩm thông tin độc quyền, thu hút cộng đồng. Có một số KOLs thạo tin nên dự báo một số diễn biến thời sự khá hấp dẫn và chính xác nên số người theo dõi ngày càng tăng. Từ lượng người theo dõi cao, nhiều KOLs tiếp tục được các thế lực khai thác cho mục tiêu riêng của họ và họ “tuồn” thông tin mật cho các nhân vật này. Trong một số trường hợp, cộng đồng còn tin họ hơn cả báo chí chính thống.

Tầm quan trọng và mức ảnh hưởng của một KOLs không chỉ được đo “cơ học” bằng số lượng người đọc, xem, chia sẻ mà còn được đo bằng tác động của các thông tin phát ra từ người ấy về độ tin cậy, đánh giá, nhận định và ảnh hưởng tới những người cùng giới chuyên môn, độ lan truyền trong thời gian...

Ở góc độ người đọc, công chúng truyền thông hôm nay cần tỉnh táo hơn. Ai trong chúng ta cũng có thể yêu mến một ca sĩ, một diễn viên, một nhà văn, một nhà báo qua những tác phẩm cụ thể. Nhưng trên môi trường mạng xã hội, những phát ngôn của họ cũng là những ý kiến cá nhân có thể mang thiên kiến, có thể bị chi phối - cho nên - đừng vì tình cảm yêu mến mà chúng ta vô tình chia sẻ lan tỏa các thông điệp ấy nếu chưa tỉnh táo đọc kỹ…     

Phú Trang

Tin xem nhiều