Báo Đồng Nai điện tử
En

Giai thoại về Thủ Huồng và câu chuyện về lòng nhân ái

11:03, 20/03/2020

Người dân Biên Hòa, nhất là những người lớn tuổi, hẳn còn nhớ câu ca dao: "Ai ơi có đến Nhà Bè/ Nhớ ơn nước ngọt, bè tre Thủ Huồng". Hầu như người dân Nam bộ nói chung, người dân Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng đều nghe và biết câu ca dao: "Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về". Địa danh Nhà Bè gắn với một giai thoại thú vị về Thủ Huồng.

Người dân Biên Hòa, nhất là những người lớn tuổi, hẳn còn nhớ câu ca dao: “Ai ơi có đến Nhà Bè/ Nhớ ơn nước ngọt, bè tre Thủ Huồng”. Hầu như người dân Nam bộ nói chung, người dân Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng đều nghe và biết câu ca dao: “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Địa danh Nhà Bè gắn với một giai thoại thú vị về Thủ Huồng.

Chùa Chúc Thọ ở P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa
Chùa Chúc Thọ ở P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa. Ảnh minh họa: VĨNH HUY

* Giai thoại về Thủ Huồng

Địa chí Đồng Nai cho biết, Thủ Huồng vốn là một người đứng đầu một cái “phần thủ” (đồn trạm canh gác kiểm soát đường sông; còn gọi là Thủ bả) hoặc đồn Thủ hay trại Thủ là nơi lập ra để coi và giữ kiểm soát trên bộ. Đại thể Thủ Huồng coi việc bảo an cho khu vực hay lo việc thu thuế, giống như Thủ Đức, Thủ Thiêm (ở TP.HCM) hay Thủ Thừa (tỉnh Long An)… Đó là những chức vụ dễ trở thành nổi tiếng - thậm chí thành địa danh lưu truyền mãi đến nay. Ở địa vị này, Thủ Huồng kiếm được không ít tiền và trở thành kẻ cho vay nặng lãi.

Vợ mất, không có con. Thủ Huồng nghĩ lại việc dành dụm tiền bạc không làm gì bèn đi chơi cho biết đó biết đây. Thủ Huồng ra Hưng Yên, đến chợ Mãnh Ma, nơi họp chợ ở cõi âm và cõi dương, thì bất ngờ gặp vợ. Vợ Thủ Huồng đưa chồng xuống âm phủ chơi cho biết. Ở đây Thủ Huồng thấy trong nhà ngục có sẵn một cái gông lớn dành để hành tội mình khi mình chết.

Sợ hãi, Thủ Huồng trở về quê mạnh tay bố thí, xóa sạch nợ cho những con nợ của mình, ông xây cầu, lập chùa Chúc Đảo (Cù lao Phố) và lập cái nhà bè ở ngã ba sông Nhà Bè (vì sự kiện này nên sau này sông mới có tên Nhà Bè) để làm phước cho kẻ qua lại đường sông lỡ đường. Nhờ công đức bố thí này, Thủ Huồng sau khi chết được tái sinh làm vua Đạo Quang bên Trung Quốc.

Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép rằng: Thuở ấy, dân cư còn thưa thớt, ghe đò hẹp nhỏ, hành khách thổi cơm, đun trà rất khổ, vì vậy có người phú hộ ở tổng Tân Chánh là Võ Thủ Hoằng kết tre lại làm bè, trên che lợp phòng ốc, sắm đủ bếp núc, gạo, củi và đồ ăn để dưới bè cho hành khách tùy ý dùng mà không bắt phải trả tiền. Sau đó, khách buôn cũng kết bè nổi bán đồ ăn nhiều đến 20, 30 chiếc, nhóm thành chợ trên sông, nên mới gọi xứ ấy là Nhà Bè. Sau này đường thủy, đường bộ lưu thông, dân cư đông đúc, người qua lại đều dùng ghe nhà nên đò dọc phải dẹp bỏ... Vì kỵ húy tên vua Hoằng Lịch (Càn Long) nhà Đại Thanh nên phải đọc trại đi là Võ Thủ Huồng. Cầu Thủ Huồng giữa Tân Vạn và chợ Đồn (Biên Hòa) tương truyền do Võ Thủ Huồng xây dựng đến nay vẫn còn.

Biên Hòa Sử lược toàn biên của Lê Văn Lựu chép khác, rằng có một người đi buôn bị bão chết đuối ở Phan Rang và hồn xuống âm phủ thấy mọi chuyện. Khi trở về, anh ta báo lại cho Thủ Huồng và Thủ Huồng sợ hãi nên phục thiện.

* Câu chuyện về luật nhân quả

Cho dù dị bản có thể khác nhau, nhưng nội dung chính của câu chuyện vẫn là có một người tên gọi Thủ Huồng đã làm nhiều điều thất nhân, ác đức khi giữ nhiệm vụ nơi công quyền. Một nhân duyên đưa tới, ông có dịp tới địa ngục và chứng kiến những cực hình dành cho những kẻ làm ác khi còn sống, trong đó có cả cực hình dành đợi ông khi mãn phần. Khi quay trở lại dương trần, Thủ Huồng đã thành tâm hối cải đem toàn bộ tài sản dùng vào việc bố thí, xây dựng những công trình phúc lợi cho dân. Sau những việc làm nhân đức ấy, ông lại được đưa về địa phủ và cái gông dành cho ông đã nhỏ dần rồi tiêu tan hẳn. Không những vậy, sau khi mất, Thủ Huồng còn được đầu thai làm vua Đạo Quang nhà Thanh. Đó là câu chuyện chịu ảnh hưởng sâu sắc quan niệm nhân quả của Phật giáo.

Cho dù nhân vật này có hay không, việc ông đầu thai có hay không, thì câu chuyện Thủ Huồng vẫn sống mãi. Đó là câu chuyện khuyên người ta làm lành, tránh dữ, là câu chuyện thể hiện tấm lòng bao dung, nhân hậu của những người Việt buổi đầu đặt chân lên vùng đất phương Nam.

Trong bài Sợ địa ngục, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: “Thuở nhỏ, tôi thường được nghe mẹ tôi kể cho nghe cảnh địa ngục trong các chuyện Phạm Công Cúc Hoa, Bồ tát Mục Kiền Liên hoặc chỉ cho xem cảnh giới Thập Điện Diêm Vương trên vách các ngôi chùa và trên tranh dân gian... Tôi không biết mẹ tôi có tin như vậy không, nhưng chính bà đã xây dựng được cho tôi niềm tin rằng địa ngục có thật và tôi rất sợ địa ngục. Lớn lên, những ý tưởng về địa ngục dần dần chuyển biến trong tôi thành niềm tin vào “thiên lý”, giúp tôi tránh được điều ác; mà nếu chỉ sợ tòa án hoặc công an thì có thể tôi vẫn cứ làm, bởi chắc chắn rằng ngoài tôi ra không ai bắt quả tang được việc làm kín nhẹm của tôi (như ăn hối lộ chẳng hạn). Thế nghĩa là nỗi sợ địa ngục đã ẩn sâu vào bản ngã, sẽ tạo được điều kỳ diệu gọi là “lương tâm””.

Địa danh Nhà Bè, chiếc cầu đá mang tên Thủ Huồng, chùa Chúc Thọ vẫn còn đó như một lời nhắc nhở của tiền nhân để mọi người làm lành, tránh dữ: “Để dưới vòm trời thanh thiên, nước Việt Nam thành lạc quốc. Đời sẽ thanh bình trong một xã hội thuần lương, mọi nhà an cư, muôn dân lạc nghiệp. Và, đất Phật Biên Hòa sẽ trổ hoa sen” (Lương Văn Lựu - Biên Hòa sử lược toàn biên).

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều