Báo Đồng Nai điện tử
En

Miền quê đáng sống

11:02, 28/02/2020

Từ những vùng quê nghèo khó, nhờ sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và nhân dân đã góp phần tạo dựng nên những miền quê giàu đẹp, đáng sống. Sự đổi thay, tiến bộ không chỉ ở những thứ hiện hữu của vùng quê mà xuất phát từ trong nếp nghĩ đến cách làm của mỗi người.

Từ những vùng quê nghèo khó, nhờ sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và nhân dân đã góp phần tạo dựng nên những miền quê giàu đẹp, đáng sống. Sự đổi thay, tiến bộ không chỉ ở những thứ hiện hữu của vùng quê mà xuất phát từ trong nếp nghĩ đến cách làm của mỗi người.

Cao su mùa lá rụng (ảnh chụp tại H.Cẩm Mỹ). Ảnh: Đoàn Ngọc Ấn
Cao su mùa lá rụng (ảnh chụp tại H.Cẩm Mỹ). Ảnh: Đoàn Ngọc Ấn

1. Quê nghèo “thay da, đổi thịt”

 Bí thư Đảng ủy xã Lâm San Đào Minh Ngọc cho biết, kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân trong xã về kết quả xây dựng nông thôn mới cho thấy, bà con phấn khởi nhất là có được những cung đường bê tông khang trang, rộng rãi nên việc đi lại đỡ vất vả hơn hẳn; nông sản được vận chuyển dễ dàng, giảm chi phí, bán cũng được giá hơn. Không ít hộ gia đình những tưởng chẳng thể thoát nghèo, vậy mà giờ vươn lên khá giả.

Thanh Sơn là xã vùng sâu, vùng xa, nằm biệt lập giữa một bên là dòng sông Ðồng Nai và một bên giáp với Vườn quốc gia Cát Tiên. Trước đây, do điều kiện đi lại khó khăn, không có đường giao thông kết nối đến trung tâm huyện; thiếu điện sản xuất, thiếu trường học và cơ sở y tế, thiếu cả những kỹ sư nông nghiệp nên nhiều năm liền, “ốc đảo” này là xã nghèo nhất, nhì tỉnh. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, Thanh Sơn đã hoàn toàn “thay da, đổi thịt”.

Thanh Sơn giờ đây không còn bị ngăn sông, cách chợ. Nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả được nhân rộng góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương. Đường bê tông được kéo dài đến tận ấp xa nhất; điện sinh hoạt cơ bản phủ khắp. Trường học, trạm y tế được đầu tư khang trang. Đời sống vật chất, tinh thần, thể chất của người dân địa phương tốt hơn lúc nào hết.

Ông Nguyễn Thành Trung, Bí thư Ðảng ủy xã Thanh Sơn cho biết, Thanh Sơn là xã “đất rộng, người thưa” nhưng lại khá nghèo vì đường sá không thuận lợi; phần lớn là dân từ nơi khác đến lập nghiệp, không có vốn và không có “gan” làm giàu. Sau này, nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt hỗ trợ về hạ tầng giao thông, xã Thanh Sơn ngày một đổi khác. Nhiều hộ nông dân trên địa bàn mạnh dạn vay vốn thay đổi cây trồng, vật nuôi; huyện đưa cán bộ kỹ thuật nông nghiệp về tận xã hỗ trợ bà con. Cùng với đó, một số người làm nông nghiệp lâu năm ở các địa phương khác đến thuê, mua đất làm nông nghiệp đã chuyển giao kỹ thuật canh tác lại cho người dân địa phương. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp ở xã ngày một phát triển. Những vườn quýt đường, cam sành, mít, ngọt và trĩu quả đang đem lại nguồn thu ổn định và lâu dài cho người dân. 

Đến cuối năm 2019, xã Thanh Sơn đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, số hộ nghèo giảm 3 lần so với 2 năm trước, còn khoảng 250 hộ nghèo; hơn 30 hộ làm ăn hiệu quả, có lợi nhuận 500 triệu đồng/năm trở lên, trong đó khoảng 50% là tỷ phú với thu nhập 3-5 tỷ đồng/năm. Không chỉ có nhà cửa, đường sá, công trình mới mà trong nếp nghĩ, cách thức sản xuất, cung cách ứng xử, tầm nhìn và lối sống của người dân đã thay đổi theo hướng tích cực.

2. Đường làng nở hoa

Vùng Mã Đà, Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) từ lâu người dân đã tạo nên một bức tranh nông thôn yên tĩnh, thanh bình nhưng rực rỡ sắc màu bằng cách trồng hoa hai bên đường làm đẹp cho vùng quê.

Là những xã thuần nông nghèo của H.Vĩnh Cửu nhưng người dân Phú Lý, Mã Đà rất yêu đời. Những cây hoa giấy, hoa sứ dọc hai bên đường dẫn vào Chiến khu Đ là bí quyết giúp cuộc sống của họ thêm nhiều niềm vui. Gần 20km đường hoa luôn rực rỡ sắc đỏ, sắc hồng là thành quả từ sự đồng lòng, chung sức của chính quyền và người dân địa phương. Dự án đường hoa này do Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thực hiện hơn 10 năm. Mục đích là tạo cảnh quan đẹp để phục vụ du khách khi về nguồn, đồng thời thực hiện phương án phát triển du lịch sinh thái sau này trên vùng đất lịch sử Chiến khu Đ.

Đường giao thông nông thôn mới tại xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: Bình Nguyên
Đường giao thông nông thôn mới tại xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: Bình Nguyên

Mùa khô, từ tháng 1 đến tháng 7 dương lịch là mùa hoa nở nhiều và đẹp nhất. Người dân địa phương, du khách qua đây đều bị hút hồn bởi vẻ đẹp thanh bình, nên thơ của hoa cỏ, cây rừng nơi đây.

Trung bình mỗi tháng một lần, các nhân viên của khu bảo tồn, người dân địa phương lại cùng nhau tỉa cành, dọn cỏ, bón phân, tưới nước để những cây hoa, vạt cỏ ven đường luôn xanh tốt. Việc làm này đã truyền cảm hứng, nhân rộng ra hàng trăm cây số đường hoa trên khắp ngả đường ở H.Vĩnh Cửu, nhiều địa phương trong tỉnh thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, khiến mọi vùng quê đều trở nên đẹp, yên bình hơn.

3. Giữ sạch môi trường nông thôn

Từ xã nghèo nhất huyện 7 năm trước, Lâm San hiện tại đã hoàn thành hầu hết các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của H.Cẩm Mỹ. Cùng với chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, chính quyền và nhân dân nơi đây còn có nhiều cách làm để giữ sạch môi trường nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Còn nhớ, năm 2012, Lâm San là một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 35%, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm chưa đến 10 triệu đồng. Vậy mà đến hết năm 2017, Lâm San đã bứt phá mạnh mẽ, trở thành xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện và được chọn là xã điểm để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Không chỉ bứt phá thoát nghèo, chính quyền và người dân Lâm San đã cùng nhau nâng cao chất lượng cuộc sống với nhiều cách làm như: sử dụng phân và thuốc trừ sâu sinh học được chế biến từ gừng, tỏi, ớt để chăm sóc vườn; tuân thủ “5 không” trong sản xuất nông nghiệp (không phun thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không chất biến đổi gen, không phun thuốc trừ sâu hóa học, không chất kích thích sinh trưởng) để tạo ra những sản phẩm hữu cơ xuất khẩu trời Tây; cùng nhau thu gom rác thải nguy hại trong nhà, ngoài ngõ đổi lấy vở, tập cho con em học; phát động và thực hiện có hiệu quả phong trào hạn chế rác thải nhựa; xã hội hóa thành công những tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp.

Hành trình vươn lên xây dựng vùng quê đáng sống của xã nghèo Lâm San được xem là động lực, là điểm sáng để các xã trong huyện nói riêng và nhiều xã còn khó khăn trong tỉnh nói chung học hỏi.

4. An toàn, ngon giấc với “Tiếng kẻng an ninh”

Được xem là địa bàn phức tạp nhất xã, trước đây, ấp 5, xã Long Thọ, H.Nhơn Trạch là nơi cư ngụ của nhiều lao động tự do, thất nghiệp, không có việc làm ổn định. Nơi đây thường xảy ra tình trạng trộm cắp vặt, cờ bạc, nghiện hút, gây bất an cho người dân, mất an ninh trật tự địa bàn.

Trước tình hình đó, Công an và Ủy ban MTTQ xã Long Thọ đã tìm hiểu và nhận thấy mô hình “Tiếng kẻng an ninh” có thể áp dụng được. Thời gian đầu, xã đã thống nhất thí điểm khoảng 15 kẻng an ninh tại nhà dân gần ngã ba, ngã tư đường, những điểm thường xảy ra mất trộm. Trường hợp có trộm đột nhập, người dân sẽ đánh kẻng thông báo cho người dân ra đường chốt chặn. Để tiết kiệm chi phí, Mặt trận xã vận động người dân quyên góp các dụng cụ lao động, đồ gia dụng cũ bằng sắt, thép về tân trang, sơn sửa lại làm kẻng. Sau gần 5 năm triển khai, mô hình nhận được sự đồng tình cao của người dân; nhiều người dân tình nguyện tham gia tổ, đội tự quản - thành viên xung kích của Tiếng kẻng an ninh, góp tiền và các nhu yếu phẩm hỗ trợ các tình nguyện viên.

Hiện tại, Tiếng kẻng an ninh không chỉ có mặt tại nhiều nơi ở huyện Nhơn Trạch mà mô hình này còn được nhân rộng ra nhiều huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Tinh thần nêu cao ý thức cảnh giác và cộng đồng trách nhiệm của người dân đã góp phần gìn giữ an ninh trật tự, an toàn xã hội, gắn bó tình đoàn kết xóm làng ở các vùng nông thôn.     

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều