Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện "Gà Đông Tảo, Tuấn Đồng Nai"

08:02, 14/02/2020

Trong chuyến đi thực tế về xây dựng nông thôn mới ở xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom, chúng tôi rong ruổi khắp các nẻo đường đến những mô hình kinh tế hiệu quả của xã.

Trong chuyến đi thực tế về xây dựng nông thôn mới ở xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom, chúng tôi rong ruổi khắp các nẻo đường đến những mô hình kinh tế hiệu quả của xã.

* “Gà Đông Tảo, Tuấn Đồng Nai”

Xe dừng trước một con hẻm có tấm biển gỗ đã cũ mờ bụi đất đóng trên một  thân cây, có hàng chữ: “Gà Đông Tảo, Tuấn Đồng Nai”. Khác hẳn với hình dung thông thường về dáng vẻ bên ngoài của những doanh nghiệp nổi tiếng. Vẻ ngoài của Trang trại gà Đông Tảo đã nức tiếng mười mấy năm trên đất Trảng Bom, Đồng Nai lại xuềnh xoàng, giản dị như thế này ư? Tôi thoáng nghĩ. Đi tiếp vào con hẻm theo tấm bảng chỉ đường, một trang trại - vườn đã hiện ra. Chủ trang trại là một người đàn ông dáng mập, đậm, sức vóc, vẻ ngoài có phần bụi bặm với cái đầu trọc, áo pull, quần soóc
ka-ki, nhưng nụ cười rất cởi mở, vồn vã. Trang trại đang trong thời kỳ tiếp tục mở rộng sản xuất nên ngổn ngang gạch, sắt, xi măng. Gà theo các độ tuổi được nuôi trong những gian chuồng kề nhau. Những chú gà Đông Tảo với cặp chân khủng bệ vệ đặc trưng, nhưng lại rất nhạy cảm với bước chân người lạ tới gần. Có lẽ như vậy cũng làm cho các cơ thịt ở đôi chân thêm chắc khỏe, hấp dẫn màu ẩm thực.

Tuấn Đồng Nai - Vũ Ngọc Tuấn là tên đầy đủ của chủ trang trại. Anh sinh năm 1970 - Canh Tuất. Tuấn kể, anh vốn là dân buôn hàng chuyến xuôi ngược Bắc - Nam, đọc báo thấy nói về giống gà Đông Tảo của tỉnh Hưng Yên nặng ký, thịt rất ngon, ngày xưa dùng để tiến vua. Năm 2002, nhân chuyến ra Bắc, anh tìm đến mua 10 con về nuôi thử. Năm đầu chết mất 6, còn 4 con. Gà rất to, thịt dai, giòn, rất ngon. Tết năm ấy, gia đình anh có thêm món ngon ăn Tết và biếu người thân. Những năm sau, anh mua giống gà nuôi tiếp, bán dần ra thị trường và mở rộng cơ sở sản xuất. Có một chuyện ngộ nghĩnh là năm nuôi thử đầu tiên, mọi người trong nhà chưa dám ăn phần thịt khủng, dày ở đôi cựa gà. Sau mới biết đấy là phần thịt ngon nhất của giống gà này và tất nhiên là… bao nhiêu cũng hết. Gà Đông Tảo giá trị kinh tế rất cao. Gà trống trung bình từ 4-4,5kg, có con lớn khủng đến 5-6kg. Con lớn nhất đã nuôi ở đây nặng đến 6,1kg. Giá thị trường hiện tại là 350 ngàn đồng/kg. Đấy là nuôi bán theo giá đại trà, lai rai cả năm. Trang trại của Tuấn Đồng Nai còn nuôi gà để dùng làm quà biếu Tết, gọi là “gà tuyển”. Những con gà này được chọn lọc kỹ, bộ dáng cũng đẹp hơn, “nặng ký” hơn. Gà tuyển biếu Tết giá khác, mỗi con tới 3-4 triệu đồng. Hiện  tại, hàng năm trang trại bán ra mỗi Tết từ 500-700 con gà cho khách hàng làm quà biếu và 300-500 con gà cân ký bán đại trà lai rai trong năm cho các nhà hàng. Làm một phép tính là biết thu về bao nhiêu mỗi năm. Tuấn còn ươm và bán gà giống, 120 ngàn đồng/con mới nở. Riêng năm 2016, trung bình một ngày trang trại bán ra 17 con gà, tổng một năm bán trên 6.200 con gà các loại.

Anh Vũ Ngọc Tuấn
Anh Vũ Ngọc Tuấn

Gần đây, trang trại đầu tư mở rộng sản xuất sang một lĩnh vực hoàn toàn khác: ươm lan siêu cấp. Giống lan này miền Bắc gọi là Phi Điệp, miền Nam gọi là Giả Hạc. Cùng với chăn nuôi giống gà Đông Tảo đã trở thành thương hiệu, Tuấn Đồng Nai đang âm thầm chuẩn bị cho “một trận đánh lớn” hiệu quả, bội thu nữa trong sản xuất kinh doanh. Tuấn hẹn: “Hai tháng nữa anh trở lại nhé, lúc ấy sẽ có thêm nhiều chuyện để kể với anh...”.

* Mê nuôi gà, trồng lan…

   Tiếng của “Gà Đông Tảo - Tuấn Đồng Nai” bắt đầu “nổi đình đám” năm 2010. Năm ấy, nhờ chuẩn bị kỹ, gia đình Vũ Ngọc Tuấn thu về một mùa ngoạn mục. Khách đến mua nườm nượp, bao nhiêu cũng hết.

Phải đến hơn 1 năm sau tôi mới trở lại với Trang trại “Gà Đông Tảo - Tuấn Đồng Nai”. Vẫn bức tường xây bao quanh trang trại nhưng nơi ở đã rộng rãi khang trang hơn, nội thất nhiều trang bị hiện đại mà giản dị, hợp lý. Và lan, những giò lan đủ loại, treo thành giàn giăng hàng thẳng lối nơi trang trại. Lan kề ngay nơi ở, phòng tiếp khách, nhà bếp, phòng ngủ của hai vợ chồng trang chủ. Khu nuôi gà Đông Tảo lùi về phía sau. Cả khu trang trại 2 ngàn m2, được dành 1/10 diện tích là nơi ở, nơi giao dịch; còn lại là 2 dãy vườn lan liền kề, phía sau là 4 dãy chuồng gà.

Có một điều đặc biệt là vào khu nuôi gà mà tịnh không ngửi thấy những mùi “đặc trưng” của gà như mùi phân gà, mùi thức ăn cho gà và mùi của hàng chục, hàng trăm con gà lớn bé. Tuấn hỏi: “Anh có ngửi thấy mùi gì không?”. Tôi lắc đầu. Tuấn nói: “Gà Đông Tảo là giống ưa sạch sẽ. Môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, hợp vệ sinh là khâu đầu tiên đảm bảo cho gà mau lớn, có sức đề kháng, không bị bệnh tật tấn công.  Đến nay (ngày 6-1-2020) là 1 năm 2 tháng trang trại chưa phải dùng đến thuốc kháng sinh. Anh thấy đấy, môi trường luôn thoáng mát, luôn được quét dọn, lau rửa, giữ vệ sinh “cực kỳ” luôn. Ngày xưa em là khách hàng thường xuyên của trạm thú y. Đợt này, cả năm người ta không thấy em đến mua thuốc, còn tưởng em đã nghỉ nuôi gà luôn. Có một ông Việt kiều gọi điện, nói 25 Tết sẽ đến mua gà làm quà. Ông ấy nhờ người họ hàng xuống tìm hiểu trước. Người họ hàng đến thăm và bấm máy gọi ngay tại chuồng: “Anh về xuống ngay trại gà, khung cảnh cực đẹp, cực sạch sẽ, gà cực đẹp, tha hồ lựa”. Ôi trời! - Em cười, nói với người “đi tiền trạm”: Sao anh không kệ, cho ông ấy xuống nhìn tận mắt, báo trước làm gì. Vườn lan của em là vườn lan sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Em dùng thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường, gà sống bên lan không bị ảnh hưởng. Anh thấy đấy - Tuấn cười - ở đây người - lan - gà sống bên nhau rất thân thiện, đoàn kết mà chẳng phải va chạm, điều tiếng, mùi mè khó chịu gì”. Tôi cười: Có chăng lại dễ chịu, mát mắt thêm vì sắc đẹp, hương thơm của lan ấy chứ!

Anh Tuấn bên vườn lan
Anh Tuấn bên vườn lan

* Và hiệu quả kinh tế

Sẽ trở lại chuyện kinh doanh lan khá nhiều thú vị và thành công ở đây vào một dịp gần nhất, tôi xin trở lại chuyện gà. Tuấn cho biết, năm nay dù thị trường có lắng xuống nhưng tình hình kinh doanh năm 2019 của trang trại vẫn tốt. Do dịch tả heo châu Phi, lượng thịt heo cung ứng cho thị trường sút giảm nghiêm trọng, trang trại đã chủ động tăng thêm số lượng gà xuất chuồng chừng hơn trăm ký. Vậy thôi! Bởi gà Đông Tảo là thực phẩm chất lượng cao, dùng để ăn chơi, làm quà biếu, kén khách hàng, không phải thực phẩm dùng đại trà. 

Tính trung bình mấy năm nay, mỗi năm trang trại nuôi khoảng 4 ngàn con gà lớn nhỏ, từ gà mới nở ươm giống đến gà thịt. Năm 2019, tổng đàn gà trong chuồng thường xuyên dao động từ 500-700 con. Hiện tại, trang trại ở đây có 300 con gà xuất chuồng (200 gà trống, 100 gà mái). Đều đều gà trống từ 4-5kg, gà mái từ 3-3,5kg. Ở khu trang trại xóm trên (cũng của gia đình) đang có 400 con chờ xuất chuồng như thế nữa. Khách hàng đã đặt trước 30%, còn 70% bán cho khách bất kỳ, lai rai. Tiêu thụ gà rộ nhất là từ ngày 20 tháng Chạp trở đi. Ước tính kết quả sản xuất kinh doanh năm nay bằng mức năm ngoái. Như vậy là đã mừng, chưa kể kết quả của việc ươm lan.

Ghi chép của Đàm Chu Văn

 

Tin xem nhiều