Báo Đồng Nai điện tử
En

Những nông dân 'thế hệ mới'

09:01, 03/01/2020

Ngày nay, không ít người trẻ chọn lập nghiệp bằng nghề nông, song với một tư duy khác hẳn. Họ chủ động trang bị cho bản thân từ kiến thức trong sản xuất đến khả năng quản lý, kinh doanh để sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận.

Ngày nay, không ít người trẻ chọn lập nghiệp bằng nghề nông, song với một tư duy khác hẳn. Họ chủ động trang bị cho bản thân từ kiến thức trong sản xuất đến khả năng quản lý, kinh doanh để sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận. Trước những yêu cầu của thời hội nhập, nhiều nông dân từng gắn bó với mảnh ruộng, khu vườn cũng không ngừng làm mới tư duy của mình cả trong sản xuất và tính toán đầu ra cho nông sản.

Anh Phạm Phú Cường giới thiệu vườn cà chua ôn đới trồng được ở xứ nóng xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ)
Anh Phạm Phú Cường giới thiệu vườn cà chua ôn đới trồng được ở xứ nóng xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: B.Nguyên

Dù là thế hệ mới hay những nông dân không còn trẻ nữa nhưng họ đều có điểm chung là lớp nông dân thế hệ mới, chủ động bước vào hội nhập.

* Người trẻ làm nông

Vào tuổi 30, chàng trai Nguyễn Trường Duy Linh (vốn là thạc sĩ ngành tài chính đang làm việc với mức lương cao tại TP.Hồ Chí Minh) quyết định về vùng quê tại xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) khởi nghiệp với nghề trồng đặc sản nấm mối đen.

Đầu năm 2019, Duy Linh thành lập Công ty TNHH thương mại nông nghiệp Greenlife với mục tiêu phát triển dòng nấm ăn và nấm dược liệu phục vụ cho sức khỏe người dùng. Khởi điểm, anh chỉ có khoảng 1/6 tổng tiền vốn đầu tư, cái khó nhất của chàng trai trẻ này là phải tìm được những người chung chí hướng với mình, truyền tải được những dự định xa hơn về giấc mơ sản xuất nấm của mình để họ sẵn sàng từ bỏ công việc ổn định đang làm để cùng nhau đặt những viên gạch đầu tiên phát triển doanh nghiệp hiện nay. Anh chia sẻ: “Tôi tìm người hợp tác đầu tư cùng chí hướng nhưng phải giỏi hơn mình ở nhiều lĩnh vực để hỗ trợ cho nhau cùng phát triển”. Đội ngũ của họ hiện có 5 thành viên đều là người trẻ cùng sinh năm 1989, một người là kỹ sư nông nghiệp được đào tạo thêm về nghề nấm, có thành viên chuyên về kênh phân phối, có người chuyên về marketing, người giỏi về quản trị nhân lực...

Điều gắn kết nhóm bạn trẻ này là ước mơ và sự hào hứng với việc phát triển dự án mới có giá trị xã hội ngoài mục tiêu phát triển kinh tế. Vì họ cùng mong muốn phát triển dòng thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng đồng thời hỗ trợ trong chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe con người.

 Trại nấm của nhóm nông dân trẻ này ứng dụng công nghệ cao với nhiều thiết bị tự động; họ tự mày mò cải tạo, tự xây dựng quy trình sản xuất riêng cho trang trại trên cơ sở học kinh nghiệm từ những mô hình đã có và hoàn thiện dần lên. Tuy doanh nghiệp còn non trẻ với quy mô nhỏ nhưng nhóm bạn trẻ ấy đã tổ chức bộ máy doanh nghiệp hoàn thiện để khi đi vào hoạt động và phát triển sẽ được vận hành một cách tốt nhất.

Theo anh Linh: “Chúng tôi không dừng lại ở việc bán cây nấm ra thị trường mà còn có cả câu chuyện dài sau đó là chăm sóc khách hàng, hỗ trợ người tiêu dùng trải nghiệm tốt nhất có thể về sản phẩm của mình.  Văn hóa của doanh nghiệp trẻ chúng tôi là không được ngại khó, ngại thất bại vì cái gì cũng có cách giải quyết, có thất bại cũng là sự trải nghiệm khi bắt tay vào một lĩnh vực mới”.

Vườn cà chua trong nhà màng của anh Phạm Phú Cường nằm ở xã vùng sâu Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ). Vợ chồng anh cũng là một trong số nhiều người trẻ hiện nay sau thời gian bươn chải tại các đô thị lớn chọn về quê lập nghiệp nơi chính mảnh đất của cha mẹ, ông bà để lại. Anh Cường đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư trồng rau sạch công nghệ cao trong nhà màng. Đôi vợ chồng nông dân trẻ này cũng không ngại thử nghiệm trồng những loại rau, trái mới từ những loại rau khá quen thuộc như: dưa leo, xà lách, cà chua đến những sản phẩm ít phổ biến hơn như: dưa lưới, ớt chuông, cà rốt...

Theo anh Cường, nhiều loại rau quả anh phải thử nghiệm và thất bại nhiều lần nhưng đó là điều anh đã dự đoán trước như học phí phải trả để rút được nhiều kinh nghiệm như hiện nay. Gần 2 năm đầu tư trồng rau sạch công nghệ cao, anh Cường luôn giữ quan niệm làm rau sạch nhưng giá phải hợp lý để người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng. Theo đó, những khách hàng đầu tiên của vườn rau công nghệ cao này chính là những người dân quê ngay tại địa phương. Ngoài ra, anh luôn cập nhật hình ảnh, thông tin và quy trình trồng sạch các loại rau sẽ trồng trong vụ tới, chào mời khách đặt hàng trước trên các trang mạng xã hội. Sản phẩm làm ra luôn có nơi tiêu thụ từ các cửa hàng thực phẩm sạch đến khách mua lẻ đặt hàng online từ khắp mọi miền. Hiện anh Cường đang đầu tư mở rộng quy mô nhà màng vì có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn, ổn định.

* Nông dân tạo ra xu hướng thị trường

Sau nhiều năm thử nghiệm đầu tư trang trại trồng rau, trái sạch thuận theo tự nhiên, không sử dụng phân, thuốc hóa học, hiện Nông trại Dốc Mơ (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) đang mở rộng quy mô sản xuất lên khoảng 17 hécta vừa cung cấp thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến và dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch vườn. 

 Anh Phạm Ngọc Thọ, Giám đốc Hợp tác xã Nông trại Dốc Mơ chia sẻ, trang trại không đơn thuần là làm ra bó rau, trái cây sạch để bán mà còn mang lại nhiều giá trị vô hình khác như khách đến nông trại được hít thở không khí trong lành, tối cắm trại lều có thể ngắm đàn đom đóm bay. Dưới tán cây ăn trái lớn là vườn thảo dược để tận dụng hết khả năng của đất cũng như có thêm sản phẩm mới cung cấp cho khách hàng. Du khách về nông trại cũng được trải nghiệm mọi công đoạn làm nông nơi đây từ khâu tự ủ phân xanh để cải tạo đất, bón cho cây trồng; sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường như: hoàn toàn sử dụng chai thủy tinh, túi giấy thay cho đồ nhựa…Nuôi heo, nuôi gà, vịt bằng cám, bắp, rau vườn, nuôi thả ngoài tự nhiên. Trong sinh hoạt hằng ngày, con người ở nông trại đều sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, từ nước tắm, nước gội…đều làm từ cây cỏ, thảo dược trong vườn.

“Chúng tôi làm du lịch vườn đón khách về thăm nông trại, trải nghiệm cuộc sống và cách làm nông nơi đây. Khách hàng tiêu thụ sản phẩm sạch của chúng tôi chính là những người đã từng về nông trại. Họ chọn mua, trân trọng nông sản của Dốc Mơ Farm chính từ lòng tin vào chất lượng, sự an toàn của sản phẩm” - anh Thọ nói.

Nhóm học sinh tham gia làm bánh tại Dốc Mơ Farm. Ảnh: N.T
Nhóm học sinh tham gia làm bánh tại Dốc Mơ Farm. Ảnh: N.T

Công ty TNHH khổ qua rừng Hiệp Vân (phường Xuân Tân, TP.Long Khánh) được chọn là một trong 12 đơn vị tiêu biểu để xây dựng mô hình điểm trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019-2020. Doanh nghiệp này đang cung cấp ra thị trường hàng chục loại sản phẩm tươi cũng như chế biến từ nguyên liệu khổ qua rừng được thị trường đón nhận vì là dòng đặc sản độc, lạ lại tốt cho sức khỏe người dùng. 

Kể về câu chuyện khởi nghiệp của mình, chị Trần Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH khổ qua rừng Hiệp Vân cho biết, ở vùng này cứ mùa mưa đến là khổ qua rừng lại mọc đầy trên những khoảnh đất hoang. Nhiều nông dân bỏ công lấy giống khổ qua mọc dại về trồng làm rau đặc sản cung cấp ra thị trường, nhưng đa số mọi người chỉ mua đọt non về nhúng lẩu, nấu canh, còn trái khổ qua rừng tuy cũng là nguồn thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng lại kén khách ăn. Chị Vân thử nghiệm làm món trái khổ qua rừng muối chua cho nhà ăn, tặng bạn bè. Thấy sản phẩm được nhiều người khen, họ mới nghĩ đến việc mở rộng kinh doanh. Khi được thị trường chấp nhận, vợ chồng chị Vân mày mò nghiên cứu thêm nhiều món ăn, thức uống từ loại rau rừng này, đầu tư máy móc chế biến và thành lập công ty để phân phối dòng đặc sản này ra thị trường. 

Chị Vân chia sẻ: “Từ loại đặc sản chủ yếu bán tại vùng quê, hiện sản phẩm của chúng tôi đã phân phối đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước vì chúng tôi không chỉ đáp ứng nhu cầu rau sạch mà còn là thực phẩm tốt cho sức khỏe người dùng. Để có nguồn rau an toàn, chúng tôi đã liên kết với nông dân xây dựng vùng chuyên canh khổ qua rừng theo hướng hữu cơ”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều