Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà văn Lê Văn Nghĩa kể: Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ

01:01, 17/01/2020

Nhiều năm qua, nhà văn Lê Văn Nghĩa nhọc công tra tầm tư liệu, hồi tưởng nhiều ký ức quý giá thuở xưa để viết lại những câu chuyện đời sống thị dân, văn hóa sinh hoạt... về vùng đất "Sài Gòn nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về".

Nhà văn Lê Văn nghĩa.jpg
Nhà văn Lê Văn nghĩa.jpg

Nhiều năm qua, nhà văn Lê Văn Nghĩa nhọc công tra tầm tư liệu, hồi tưởng nhiều ký ức quý giá thuở xưa để viết lại những câu chuyện đời sống thị dân, văn hóa sinh hoạt... về vùng đất “Sài Gòn nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”.

“Người viết sử bằng trái tim”

Không phải tự nhiên mà nhà báo Dương Thành Truyền gọi nhà văn Lê Văn Nghĩa (sinh năm 1953, từng công tác chung ở Báo Tuổi Trẻ TP.Hồ Chí Minh) là “nhà văn viết sử bằng trái tim”. Tác giả từng ra mắt những tập sách về Sài Gòn, địa danh thân thuộc thuở xưa của TP.Hồ Chí Minh được công chúng đánh giá cao như Sài Gòn - Dòng sông tuổi thơSài Gòn - Khâu lại mảnh thời gian (đều do Nhà xuất bản Trẻ TP.Hồ Chí Minh ấn hành). Cận Tết Canh Tý 2020, nhà văn Lê Văn Nghĩa lại ra mắt bạn đọc tạp bút mới nhất: Sài Gòn - Chuyện xưa mà chưa cũ (nằm trong chương trình sách “Tháng Ba sách Trẻ 2020” do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức).

Làm thế nào để một tác giả 67 tuổi lại có đầy ắp câu chuyện, ngồn ngộn tình tiết và dữ liệu sống động thuở xa xưa về Sài Gòn nói riêng và miền Nam bộ nói chung để hầu bạn đọc qua những ấn phẩm quý nêu trên? Trong lời giới thiệu, nhà báo Dương Thành Truyền viết về nhà văn Lê Văn Nghĩa: “Như một kẻ không nhà, hay đúng hơn, như một người mà đâu cũng là nhà, anh đã rong ruổi khắp nơi từ hang cùng ngõ hẻm đến quán xá chợ búa, anh nhìn ngắm mọi thứ từ mỗi vật dụng hằng ngày đến từng công trình xưa cũ, và đâu đâu anh cũng thấy kỷ niệm, cũng có ký ức, cũng bật ra nỗi niềm...”.

Ký ức Tết xưa

Viết sách Sài Gòn - Chuyện xưa mà chưa cũ, nhà văn Lê Văn Nghĩa nhắc lại “nhiều chuyện mà bây giờ còn mấy ai biết, mấy ai nhớ”. Trong đó có rất nhiều ký ức Tết xưa. Nào là chợ hoa những ngày rộn ràng giáp Tết có các nam thanh nữ tú chen chúc cười nói và chọn mua hoa thắm giữa “một xứ sở đầy hoa, tinh khiết từng hương thơm gột rửa cho tâm hồn và cơ thể”. Nào là già trẻ lớn bé chuẩn bị “ba ngày Tết” bằng cách dọn dẹp sạch sẽ và trang trí nhà cửa, mua sắm quần áo và sửa soạn đồ ăn thức uống, du Xuân chúc Tết...

Trẻ em múa lân kiếm lì xì ở Tết xưa. Ảnh: T.liệu
Trẻ em múa lân kiếm lì xì ở Tết xưa. Ảnh: T.liệu

Trong hồi ức “Nhớ về ngày Tết tuổi xưa” từ sách, nhà văn Lê Văn Nghĩa kể rằng: “Khi thấy nhiều người trong xóm khệ nệ mang mấy lon sơn ra pha trộn rồi gỡ từng cánh cửa ra sơn sơn, phết phết, hoặc có người khiêng bộ lư đồng trên trang thờ xuống dùng “bát” đánh thật bóng, là tôi biết họ đang làm đẹp cửa nhà để đón Tết. Để chuẩn bị đón Tết cho thật “đàng hoàng”, mẹ tôi cũng như những người phụ nữ quản lý gia đình khác đều phải đi chợ Tết. Đi chợ Tết như là một thủ tục đầu tiên để đón ông bà, đưa ông Táo nghinh xuân cho thật chu đáo. Tết bắt đầu từ chợ. Chính chợ đã tạo nên không khí mua sắm rạo rực của ba ngày Xuân. Dù bây giờ đã có siêu thị lo hàng Tết, mua hàng Tết qua online nhưng người ta vẫn thấy thiêu thiếu khi không đi chợ Tết. Đi chợ Tết không phải chỉ đi mua sắm mà để hưởng cái không khí Tết bắt đầu từ chợ Tết. Lúc nhỏ đi chợ Tết để mong mau trở thành người lớn ăn Tết cho thật “bảnh tỏn”, cho “đã đời Vân Tiên”. Khi có tuổi người ta đi chợ Tết để hoài niệm lại bao bóng hình tuổi thơ gắn liền với phiên chợ Tết, để nhớ lại bóng mẹ ngày xưa thân cò lặn lội để cho con có được ngày Tết...”.

Những trang viết xúc động về chuyện Tết xưa mà nhà văn Lê Văn Nghĩa viết trong Sài Gòn - Chuyện xưa mà chưa cũ có thể khiến bạn đọc bồi hồi vì đồng cảm: “Mùi Tết của gia đình tôi đến bắt đầu từ mùi thơm nồi thịt kho tàu! Trong mâm cúng trưa 30 Tết, món thịt kho tàu gần như là món chính mà má tôi dâng cúng cho ông bà. Và nó cũng sẽ là món chủ lực đi suốt gia đình tôi trong nhiều ngày Tết... Người mẹ miền Nam nào cũng biết cách nấu một nồi thịt kho tàu. Chỉ một nồi thịt kho tàu là bao nhiêu cách nấu. Nhưng tôi chỉ thấy nồi thịt của mẹ tôi kho là ngon nhất vì do chính bàn tay mẹ tôi cắt từng cục thịt, lột vỏ từng cái hột vịt, ướp hành tỏi, đường... Thật thơm sao bàn tay của mẹ (Sao hồi mẹ còn sống chẳng nhận ra điều này kìa?). Bây giờ cho đến tận tuổi cổ lai hy tôi thấy nồi thịt kho tàu của mẹ tôi vẫn là số một. “Dù đi trăm núi ngàn sông ấy. Chỉ có mơ về mâm cơm xưa. Bóng mẹ ngàn thu như ngồi đấy. Bếp lửa chiều xuân ướp ấm êm...” (tạp bút Hương gây mùi Tết).

Trò chuyện với người viết trong những ngày cận Tết Canh Tý, nhà văn Lê Văn Nghĩa vui vẻ so sánh: “Tết xưa thời con nít rộn ràng háo hức, Tết nay “đến tuổi mệt mỏi vì đời” thì không còn cảm giác quá chờ mong. Nhưng tôi nghĩ rằng Tết luôn có một tập tục quan trọng và tốt đẹp cần gìn giữ mãi mãi. Đó là dịp để con cháu thành kính tưởng nhớ, cúng kiếng ông bà tổ tiên trong thời khắc giao thừa tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới. Tết là dịp người xa quê quay trở về nhà sum họp gia đình, chúc sức khỏe cha mẹ”.

Tác giả Sài Gòn - Chuyện xưa mà chưa cũ cũng nhận xét: “Tết ở thời đại hôm nay ngày càng theo xu hướng gọn nhẹ, tiện lợi, bớt dần sự mệt nhọc chuẩn bị Tết. Ví dụ ngày xưa nấu rất nhiều món ăn linh đình dùng cho nhiều ngày Tết, nay thì có thể mua mọi thứ ở siêu thị, hoặc chỉ cần qua mùng 2 là có thể ra chợ mua thực phẩm mới được rồi. Trong các thú ăn chơi ngày Tết, tôi thấy ngày nay giảm bớt việc ăn nhậu mâm cao cỗ đầy tràn ngập, giảm tiệc tùng liên miên qua quá nhiều ngày nhiều mùng là điều rất tốt!”.

“Biên Hòa - Đồng Nai là vùng đất đặc biệt”

Nói về vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, nhà văn Lê Văn Nghĩa cho rằng đây là vùng đất đặc biệt, có vị trí địa lý sát cạnh Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh và cả hai khu vực có lịch sử gắn bó mật thiết lâu đời. “Việc khảo cứu, tìm hiểu xem quá trình hình thành phát triển chung, cũng như sự gắn bó mật thiết về địa lý, văn hóa, tập tục, nếp sống và nhất là yếu tố di cư qua lại giữa Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh và Biên Hòa - Đồng Nai là điều rất cần được các nhà nghiên cứu sử học, xã hội học, nhà quản lý quan tâm” - nhà văn Lê Văn Nghĩa nói. Nhà văn cho biết trong nhiều lần đến Đồng Nai, ông từng ghé thăm lăng mộ vị quan và cũng là nhà thơ, nhà viết sử lỗi lạc Trịnh Hoài Đức (nằm ở phường Trung Dũng, TP.Biên Hoà - PV) mà người dân địa phương quen gọi là “lăng Ông”. Di tích lịch sử này nhắc nhớ đến các công trình nghiên cứu có giá trị trong kho tàng thư tịch cổ của nước ta mà Trịnh Hoài Đức đã để lại cho hậu thế như: Gia Định thành thông chí, Cấn Trai thi tập... Đặc biệt là công trình khảo cứu Gia Định thành thông chí - bộ sách ghi lại đầy đủ nhất, toàn diện nhất diện mạo xứ Đồng Nai - Gia Định trong thời kỳ khai phá, lập nghiệp của cư dân Việt.

Trung Nghĩa

 

 

Tin xem nhiều