Báo Đồng Nai điện tử
En

Muôn nẻo Xuân về

10:01, 17/01/2020

Những ngày tháng Giêng, đất trời Nam bộ khẽ trở mình đón những cơn gió se lạnh. Cái lạnh hòa cùng không khí Xuân vừa dịu ngọt vừa hối hả đã tạo nên một bức tranh đa sắc làm nhiều người muốn buông bỏ những bộn bề, trở về đoàn tụ gia đình.

Những ngày tháng Giêng, đất trời Nam bộ khẽ trở mình đón những cơn gió se lạnh. Cái lạnh hòa cùng không khí Xuân vừa dịu ngọt vừa hối hả đã tạo nên một bức tranh đa sắc làm nhiều người muốn buông bỏ những bộn bề, trở về đoàn tụ gia đình.

Một mùa Xuân nữa lại về, không khí chào đón năm mới đang tràn ngập khắp mọi nơi từ thành thị đến nông thôn.

* Làng nghề vào Xuân

Từ lâu, xứ Biên Hòa - Đồng Nai đã nổi tiếng với các nghề truyền thống như: làm gốm, đúc đồng, luyện gang. Cũng như nhiều ngành nghề khác, từ tháng 9, tháng 10 âm lịch, các lò gốm ở phường Tân Vạn, phường Hóa An đã tăng tốc sản xuất phục vụ nhu cầu sắm sửa, trang hoàng nhà cửa đón Xuân của các hộ gia đình. Điểm đặc biệt của làng gốm này là chủ yếu làm thủ công bằng đất đen. Sản phẩm của làng gốm đa dạng và chất chứa hồn riêng của đất, của người nơi đây. Một thời gian tưởng chừng mai một, nghề làm gốm vài năm trở lại đây được bảo tồn và tạo điều kiện phát triển. Nhờ đó, người làm gốm ngày càng có cuộc sống khấm khá.

Ông Hoàng Ngọc Hiến, chủ Cơ sở gốm Phú Hiến Nam (phường Hóa An, TP.Biên Hòa) bên các sản phẩm gốm mỹ nghệ
Ông Hoàng Ngọc Hiến, chủ Cơ sở gốm Phú Hiến Nam (phường Hóa An, TP.Biên Hòa) bên các sản phẩm gốm mỹ nghệ. Ảnh: B.Mai

Ông Hoàng Ngọc Hiến, chủ Cơ sở gốm Phú Hiến Nam (ấp Bình Hóa, phường Hóa An, TP.Biên Hòa) cho biết, đặc trưng của dòng gốm thủ công mỹ nghệ là kén người dùng, nhưng không phải vì thế mà thợ gốm trở nên nhàn nhã. Trái lại, từ tháng 8 âm lịch, cơ sở đã lên kế hoạch sản xuất các mặt hàng ưa dùng vào dịp Tết, đó là những bình bông, bình gốm; các con vật theo từng năm như heo, gà, chuột và nhiều đồ vật trang trí khác. Do đó, các cơ sở gốm luôn tất bật dịp cuối năm.

Bên cạnh những nghề có lịch sử phát triển hàng thế kỷ, Biên Hòa - Đồng Nai còn hình thành và phát triển nhiều nghề đặc trưng ở các vùng, miền cả nước bởi những người nhập cư. Trong số đó, có không ít nghề “ăn nên làm ra” mỗi dịp Tết đến Xuân về. Có thể kể đến nghề làm bánh đa, hủ tiếu ở phường Tân Biên; nghề làm bánh chưng, bánh gai, gỗ mỹ nghệ phường Hố Nai; nghề nuôi cá cúng ông Táo ở xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom); nghề trồng hoa kiểng ở xã Gia Tân (huyện Thống Nhất), xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc); nghề dệt thổ cẩm ở xã Tà Lài (huyện Tân Phú)…

Một phụ nữ người Châu Mạ (xã Tà Lài, huyện Tân Phú) dệt thổ cẩm
Một phụ nữ người Châu Mạ (xã Tà Lài, huyện Tân Phú) dệt thổ cẩm

Tại làng nghề dệt thổ cẩm của người Châu Mạ (xã Tà Lài, huyện Tân Phú), khoảng 3 tháng trước Tết là thời điểm nhộn nhịp nhất. Sản phẩm thổ cẩm của người Châu Mạ gây ấn tượng với những họa tiết, hoa văn đặc sắc và đẹp mắt. Theo những người làm nghề, cuối năm là mùa cưới của các cô gái, chàng trai người Châu Mạ. Cô dâu ngoài việc sắm lễ phục cưới mới cho mình còn phải mua quà bằng thổ cẩm tặng bố mẹ chồng. Bên cạnh đó, một số điểm du lịch, công ty lữ hành cũng đặt hàng các sản phẩm quà tặng hoặc tổ chức cho du khách tham quan, trải nghiệm nghề truyền thống nên đây là thời vụ làm nghề của những người phụ nữ người Châu Mạ. Nhiều gia đình Châu Mạ ở xã Tà Lài, nhờ nghề dệt và kinh doanh thổ cẩm truyền thống đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.

* Sắc hoa muôn nẻo

Mùa Xuân năm nay, vùng trồng hoa bán Tết lớn nhất huyện Xuân Lộc là xã Xuân Trường có khoảng 100 hộ trồng với diện tích hơn 100 hécta. Nét riêng ở vùng này mà không nơi nào trên đất Đồng Nai có đó là người ta chỉ trồng một loại hoa duy nhất là lay-ơn.

Anh Đỗ Như Trung (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) chăm chút các chậu cúc bán Tết
Anh Đỗ Như Trung (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) chăm chút các chậu cúc bán Tết

Ông Nguyễn Xuân Mạnh, Trưởng ấp Trung Sơn (xã Xuân Trường) cho rằng, nghề trồng hoa bán Tết ở đây đã có từ lâu. Những năm gần đây, nhận thấy trồng hoa mang lại lợi nhuận cao, nhiều nông dân ở xã Xuân Trường đã mạnh dạn cải tạo đất lúa, tăng vụ trồng lay-ơn phục vụ thị trường Tết. Quy mô vùng trồng hoa ngày càng mở rộng, các hộ dân đã biết liên kết thành tổ hợp tác làm giống và đa dạng hóa các màu hoa, đáp ứng yêu cầu thị trường. “Cây hoa là niềm trông đợi lớn nhất của đồng bào dân tộc Chơro ở Khu tái định canh - định cư Trung Sơn vào mùa Tết. Năm nay, mưa thuận gió hòa, hoa lay-ơn có giá, có đầu ra, người dân sẽ được đón Tết đầm ấm, sung túc” - ông Mạnh cho hay.  

Năm 2019 vừa qua, xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) là một trong hai địa phương cấp xã của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích nổi bật trong xây dựng nông thôn mới. Khác với một Xuân Bảo mưa bom bão đạn thời chiến tranh, xã Xuân Bảo hôm nay là một miền quê thanh bình, trù phú với nhiều vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao, những ngôi nhà khang trang, những con đường trải nhựa sạch đẹp.

Một người dân ở phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) phơi hủ tiếu, nghề du nhập vào Đồng Nai từ trước năm 1975
Một người dân ở phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) phơi hủ tiếu, nghề du nhập vào Đồng Nai từ trước năm 1975

Ông Nguyễn Văn Đức, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Bảo chia sẻ, kinh tế, văn hóa, xã hội xã Xuân Bảo ngày một khởi sắc. 100% tuyến đường giao nông thôn được cứng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Trên địa bàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt hơn 66 triệu đồng/người/năm. Xã Xuân Bảo dần hình thành các vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao như: bơ, sầu riêng, cây cảnh và từng bước hình thành được chuỗi liên kết đầu ra cho sản phẩm.

Con đường tổ 5, ấp Bàu Sầm (xã Bàu Trâm) từ lâu được mệnh danh là con đường “ruộng lúa bờ hoa” ở TP.Long Khánh. Những ngày này, các loại hoa đã nở rộ. Màu hoa hòa cùng màu vàng óng của lúa, màu xanh của cau lùn tạo nên một bức tranh quê hương đẹp và thanh bình. Bà Hai Cẩm, người dân tổ 5 cho biết, cuộc sống cuối năm luôn tất bật và hối hả, nhưng mỗi lần đi qua con đường này bà luôn thấy bịn rịn trong lòng, chân muốn bước thật chậm để hít hà mùi thơm của lúa, ngắm nhìn màu sắc của hoa. “Chúng tôi luôn bảo nhau phải chăm sóc hoa, chăm sóc lúa thật tốt để con đường về nhà mãi đẹp” - bà Cẩm nói.

Ngoài con đường tổ 5 nói trên, Đồng Nai còn có hàng trăm tuyến đường hoa ở khắp các miền quê. Xuân về, hoa nở, lòng người thêm rộn ràng.    

Bà Lê Thị Thanh Nhàn, chủ Cơ sở sản xuất mộc Hiếu Nguyễn, đường Phùng Khắc Khoan (KP.2, phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) cho hay, khoảng 2 tháng trước Tết, các xưởng mộc phải hoạt động sáng đêm để kịp các đơn hàng. Bên cạnh các dòng sản phẩm thông thường như bàn, ghế, giường, tủ, những người làm nghề còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao như bồn rửa mặt, đèn chùm, giá đồng hồ, kệ thờ cúng, bán trong nước và xuất khẩu.

Ban Mai

Tin xem nhiều