Báo Đồng Nai điện tử
En

Cao Xuân Sơn và những câu thơ đối xứng

12:01, 10/01/2020

Phải đến 20 năm từ khi xuất bản tập Chuông lá, Cao Xuân Sơn mới ra mắt tiếp tập thơ Bấm chân qua tuổi dại khờ cuối năm nay. Thực ra lâu nay anh cũng không "ở ẩn", thơ Cao Xuân Sơn vẫn xuất hiện trên báo và nhiều "kênh" khác. Nhưng, khi tiếp cận với Bấm chân qua tuổi dại khờ, người yêu thơ vẫn không ngăn được cảm giác bất ngờ thú vị.

Chân dung nhà văn Cao Xuân Sơn
Chân dung nhà văn Cao Xuân Sơn

Phải đến 20 năm từ khi xuất bản tập Chuông lá, Cao Xuân Sơn mới ra mắt tiếp tập thơ Bấm chân qua tuổi dại khờ cuối năm nay. Thực ra lâu nay anh cũng không “ở ẩn”, thơ Cao Xuân Sơn vẫn xuất hiện trên báo và nhiều “kênh” khác. Nhưng, khi tiếp cận với Bấm chân qua tuổi dại khờ, người yêu thơ vẫn không ngăn được cảm giác bất ngờ thú vị.

Tập thơ gồm 101 bài chọn lọc từ gia tài thơ đồ sộ, giàu có của Cao Xuân Sơn. Vẫn là một Cao Xuân Sơn trữ tình với những đề tài quen thuộc: tình yêu, gia đình, quê hương, đất nước. Vẫn là một Cao Xuân Sơn gai góc với những vấn đề thời sự, vấn đề toàn cầu: chiến tranh, xung đột, môi trường, đô thị hóa, tha hóa… nhưng đó là những lát cắt, trải nghiệm, chiêm nghiệm với góc tiếp cận phong phú, đa dạng, đa chiều, đa tầng nghĩa… Và khi đọc liền mạch những bài thơ mới in trong tập, chợt nhận ra rõ ràng hơn một giọng điệu, một phong cách. Có thể nói, dù viết đề tài gì, dù khai thác thể thơ nào, phong cách nghệ thuật ấy của anh vẫn thành kim chỉ nam xuyên suốt.

Bấm chân qua tuổi dại khờ có thơ lục bát, thơ năm chữ, thơ bảy chữ, thơ tám chữ và không ít những bài thơ tự do, nhưng hơn một nửa số bài thơ trong tập đều khai thác ít nhiều thủ pháp đối. Tập thơ của anh tạo ra nhiều câu thơ đối xứng:

Không thành một, chẳng đành hai

người Đông ghẹo nắng, kẻ Đoài trêu mưa

Không là thực, chẳng còn mơ

người hiu hắt sớm, kẻ ngơ ngác chiều

Không tơ tóc, chẳng bọt bèo

người vin cội nghĩa, kẻ neo bến tình

(Không thành một, chẳng đành hai)

Tiểu đối, bình đối vốn được xuất hiện nhiều trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao và thơ ca cổ điển. Đây cũng là những thủ pháp quen thuộc với nhiều người làm thơ Việt. Những câu thơ Cao Xuân Sơn khi khai thác kết cấu đặc thù của thủ pháp tiểu đối thường gắn với ẩn dụ, so sánh nên cả nhạc điệu, vần điệu cũng góp vào vai trò xây dựng hình tượng nghệ thuật của tác phẩm:

Đường trần buốt nắng cháy mưa

thất thu ruộng cạn, được mùa đồng sâu

tránh ba bò gặp chín trâu

tránh xanh úp mở gặp nâu ỡm ờ

(Bấm chân qua tuổi dại khờ)

Nhờ khai thác thủ pháp tiểu đối nhuần nhuyễn, nghệ thuật tự sự trong thơ Cao Xuân Sơn sắc nét, hài hòa, giàu nhạc tính, giàu hình tượng. Có thể đó là một quan sát trên đường phố thủ đô (đôi quang gánh cũ, chiếc xe cà tàng), có thể đó là cảm nhận khi đi cáp treo lên núi Bà Đen (chân không dính đất, đầu chưa quệt trời; cũng nơm nớp, cũng hả hê/ hóa ra lắm gã “nhà quê”, hệt mình), cũng có thể đó là những chiêm nghiệm bức tranh cuộc sống “phi vật thể”: 

Chiều rồi... phố bỗng đầy mây

lá mình thì bạc, tóc cây thì vàng

Mặc tình nỗi nhớ đi hoang

nẻo dọc thì đứt, đường ngang thì rầu

Tìm thì vội, chờ thì lâu

vắng xa thì khuyết thêm nhau thì tràn.

(Chiều rồi)

Những câu thơ đối xứng của Cao Xuân Sơn không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ tự sự, trần thuật, miêu tả… đó thực chất là thông điệp hàm chứa quy luật thực tại của thế giới khách quan, thông điệp của cái đẹp:

Miền đất thì rộng, miền trời thì cao

xứ mộng... ừ, xa

cõi yêu... ừ, thẳm

một giây là dài, ngàn năm cũng ngắn

anh hót đây này, em nghe không?

(Anh hót đây này)

Ngay cả những đề tài rất thời sự, thơ anh cũng không ngại khai thác kỹ thuật tiểu đối: Em ngay ngáy cũ, ta thon thót mới/ váy ngắn tóc xù... không, không có lỗi (Váy ngắn, tóc xù). Trong bài Chờ bay ở Nội Bài, nhà thơ kể chuyện đến sân bay muộn mất mười phút “lại thành sớm nửa giờ/ vì máy bay trễ chuyến/ dĩ nhiên phải ngồi chờ”. Và thủ pháp đối được khai thác để cùng nhà thơ chiêm nghiệm:

Vừa cuống cuồng sấp ngửa

thoắt dềnh dàng, nhẩn nha

vừa tội đồ ấm ớ

thoắt nhập vai quan tòa

(Chờ bay ở Nội Bài)

Cùng với tiểu đối, thủ pháp bình đối cũng được Cao Xuân Sơn khai thác và tạo được hiệu quả nghệ thuật: Muốn khóc mà phải cười/ thèm yêu nhưng được ghét/ khát một câu thầm thì/ lại nghe toàn gào thét (Nháp). Cũng cần nói thêm, thủ pháp tiểu đối trong thơ Cao Xuân Sơn không phải lúc nào cũng chiếm trọn vẹn một dòng thơ. Đôi lúc, tiểu đối thể hiện ở cấp độ một bộ phận trong câu thơ: Nhẹ tênh những cú động trời/ ngọt muốn khóc, đắng lại cười, đôi khi (Bấm chân qua tuổi dại khờ).

Học mấy đời cho hết chữ nông dân vừa là tên một bài thơ (vốn đưa vào 18 thành ngữ dân gian) trong tập, vừa như một phong cách nghệ thuật của thơ Cao Xuân Sơn. Chất liệu dân gian bàng bạc trong thơ anh:

Đêm nghiêng vỡ giấc thị thành/ nỗi quê cục tác vào anh tiếng gà

Những dòng thơ đối xứng thấm đẫm “mặn muối, cay gừng, ngọt mật” của lời ăn tiếng nói nông dân:

Sông hồ nửa bước cũng duyên

rượu thơ là bạn, thiên nhiên là nhà

Cối xay quẩn, hại què gà

tháo thùng lộn chão mà ra bão bùng

Mười năm xuống biển, lên rừng

ngỡ từng bén rễ, ngỡ từng xanh cây

Thế mà không, thế mà gay

thế là rủi? thế là may? hay là...?

(Ngẫu cảm)

Những dòng thơ đối xứng trong Bấm chân qua tuổi dại khờ như hai mặt thống nhất trong một Cao Xuân Sơn “già nua đấy mà trẻ trung cũng đấy”. Đó là những dòng thơ đối xứng giữa ồ ạt và chiêm nghiệm, giữa cũ và mới, giữa lạc hậu và hiện đại, giữa quá khứ và hiện tại, giữa hài hước và trang nghiêm, giữa dại khờ và tỉnh táo, giữa chênh chao và ngang tàng… để gan ruột, dũng cảm vươn tới. Vâng, phải dũng cảm, phải “bấm chân” bởi cuộc đời đâu lúc nào cũng đối xứng, cũng trắng đen rạch ròi cho ta chọn lựa…

Xin mượn một câu thơ đối xứng như thế của Cao Xuân Sơn để kết thúc bài viết:

Xin người hãy vịn vào nhau

nỗi vui bớt ngắn, niềm đau bớt dài

(Vịn)

Phan Văn Tú

 

Tin xem nhiều