Báo Đồng Nai điện tử
En

Để người lao động an tâm sản xuất

10:11, 29/11/2021

Sau gần 2 tháng Đồng Nai mở cửa phục hồi sản xuất, đến nay hầu như các doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp (KCN) đã hoạt động trở lại.

Sau gần 2 tháng Đồng Nai mở cửa phục hồi sản xuất, đến nay hầu như các doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp (KCN) đã hoạt động trở lại. Người lao động (NLĐ) rất phấn khởi khi được đi làm và có thu nhập, nhưng tình trạng NLĐ nhiễm Covid-19 ngày càng tăng không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các DN mà còn tác động đến tâm lý, việc làm của NLĐ.

Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh kiểm tra bữa ăn ca của người lao động tại Công ty TNHH KoBe EN&M Việt Nam (TP.Biên Hòa)
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh kiểm tra bữa ăn ca của người lao động tại Công ty TNHH KoBe EN&M Việt Nam (TP.Biên Hòa)

Theo các cán bộ Công đoàn, để công nhân yên tâm sản xuất, việc thực hiện những quy định về phòng dịch cần được DN thực hiện nghiêm, bởi đây chính là cách để bảo vệ sức khỏe NLĐ và giữ ổn định sản xuất. Ngoài ra, DN cần chủ động chuẩn bị các khu cách ly tại DN phòng khi có các ca F0, F1 tại nơi làm việc.

* Ổn định việc làm cho NLĐ

Đến nay, hơn 3 ngàn lao động tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (TP.Biên Hòa) đã trở lại với công việc ổn định sau thời gian nghỉ phòng dịch. Đa số NLĐ đều tuân thủ nghiêm nội quy phòng dịch và thực hiện quét mã QR, khai báo y tế trước khi vào làm việc.

Chủ tịch Công đoàn Công ty Phạm Thị Phương cho biết, đến thời điểm này, công việc của NLĐ rất ổn định vì DN có nhiều đơn hàng từ nay đến cuối năm và đầu năm 2022. Tuy nhiên, tại DN có một số lao động là F0, F1 đang cách ly tại nhà nên đang thiếu hụt lao động ở các xưởng. Để công nhân yên tâm làm việc, đảm bảo nguồn lực sản xuất các đơn hàng cuối năm, công ty đã thực hiện quyết liệt hơn những biện pháp phòng dịch và quan tâm đến bữa ăn giữa ca, môi trường làm việc của NLĐ.

Giữa tháng 11 vừa qua, thực hiện công văn của UBND tỉnh về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, Sở Y tế đã có hướng dẫn các KCN, cơ sở sản xuất, kinh doanh phương án phòng, chống dịch Covid-19 để hoạt động ổn định, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, mỗi KCN có ít nhất 1 trạm y tế lưu động, phải có khu điều trị F0, cách ly F1 trong KCN. Đối với những DN không tổ chức được tổ y tế thì phải có hợp đồng với đơn vị y tế công lập hoặc tư nhân thực hiện công tác phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe NLĐ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 25 trạm y tế lưu động tại các KCN.

Cuối năm là thời điểm có nhiều đơn hàng DN cần phải giao cho đối tác, nhưng vì dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, NLĐ thường xuyên phải nghỉ việc, cách ly để phòng, chống dịch, trong khi nguồn lao động bù đắp rất hạn chế nên các DN phải thận trọng hơn trong các phương án phòng dịch để bảo vệ đội ngũ lao động, hạn chế rơi vào tình trạng việc nhiều nhưng thiếu người dẫn đến sản xuất bị động.

Đại diện Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) cho biết, đến nay 98% lao động đã quay lại làm việc, hầu hết đều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19. Công ty đang thiếu lao động do hàng ngày phát sinh ca mắc Covid-19, những người tiếp xúc gần phải cách ly. Hiện toàn công ty có khoảng 2 ngàn người là F0, F1 không thể đi làm vừa gây khó khăn cho DN, vừa ảnh hưởng đến đời sống NLĐ.

Cũng theo các DN, do thiếu lao động, trong khi đơn hàng cuối năm tăng cao nên DN phải tổ chức cho công nhân tăng ca 90 phút/người/ngày. Để giúp NLĐ an tâm làm việc, bên cạnh việc chuẩn bị cho NLĐ môi trường làm việc đảm bảo an toàn, cán bộ Công đoàn thường xuyên thăm hỏi đời sống NLĐ, hỗ trợ NLĐ vay vốn để cải thiện đời sống, hỗ trợ NLĐ hoàn chỉnh các thủ tục để hưởng các gói hỗ trợ của Nhà nước và Công đoàn. Riêng các trường hợp là F0 được Công đoàn hỗ trợ 3 triệu đồng/người. DN cũng thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách để NLĐ an tâm làm việc.

Tại Công ty CP Bao bì Biên Hòa, trong những ngày này, công nhân phải tăng tốc làm việc mới đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất các đơn hàng Tết. Ông Phan Văn Toán, Quản lý xưởng sản xuất công ty cho hay, vấn đề hiện nay là chăm lo sức khỏe cho NLĐ để ổn định sản xuất. Thực tế, trong 3 tháng trước, NLĐ thực hiện “3 tại chỗ” rất an toàn, đảm bảo công tác phòng dịch. Tuy nhiên, khi trở lại cuộc sống “bình thường mới”, NLĐ đi lại, tiếp xúc nhiều nên rất dễ bị nhiễm Covid-19. Vì vậy, chỉ cần một xưởng có lao động nhiễm bệnh là công ty rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động, DN không có nguồn lực để bù đắp vào khoảng trống này.

“Cùng với việc tăng cường phòng dịch, DN đang tính toán mức tiền thưởng Tết để động viên NLĐ. Những năm trước đây, NLĐ của công ty được thưởng tối đa 3 tháng lương. Nhưng năm nay, hầu như các DN đều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh, do đó mức thưởng Tết sẽ không bằng so với các năm trước. Song tùy vào điều kiện sản xuất, DN và Công đoàn sẽ họp để thống nhất mức thưởng Tết phù hợp, đảm bảo mọi lao động đều có Tết” - ông Kháng bày tỏ.

* Cần coi trọng sức khỏe NLD

Bên cạnh những DN thực hiện tốt công tác phòng dịch, bảo vệ an toàn cho NLĐ, vẫn còn nhiều DN khi phát hiện công nhân nhiễm bệnh Covid-19 đã cho về nhà mà không báo với các cơ sở y tế hoặc địa phương nơi NLĐ sinh sống để được hỗ trợ kịp thời và có hướng dẫn cụ thể. Điều này khiến cho công tác kiểm soát dịch bệnh ở địa phương gặp khó khăn, đồng thời gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho NLĐ.

Tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng dịch giữa UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương mới đây, các địa phương phản ánh về việc DN không thực hiện nghiêm quy định phòng dịch, để công nhân bị nhiễm Covid-19 về địa phương mà không khai báo, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Mặt khác, nhiều lao động khi về khu nhà trọ bị các chủ nhà trọ không cho vào phòng vì sợ lây lan dịch bệnh, NLĐ không biết đi đâu để cách ly, các địa phương phải tìm nơi cách ly cho NLĐ dẫn đến quá tải F0.

Công nhân Công ty CP Bao bì Biên Hòa trong giờ làm việc
Công nhân Công ty CP Bao bì Biên Hòa trong giờ làm việc

Đại diện P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) phản ánh, ngay sau khi trở lại trạng thái “bình thường mới”, công nhân tại địa phương đã được đi, về hằng ngày khi đến DN làm việc. Tuy nhiên, hơn 1 tháng qua, nhiều lao động xét nghiệm tại DN phát hiện nhiễm Covid-19 nhưng không được DN bố trí chỗ cách ly riêng hoặc thông báo cho địa phương biết mà cho về nhà, nên việc  quản lý, theo dõi các trường hợp F0 này rất khó khăn. Mặt khác, có tình trạng NLĐ về địa phương không khai báo y tế. Ngoài ra, một số NLĐ lo sợ về lây cho gia đình hoặc không có nhà để cách ly đã tìm đến trung tâm y tế của phường khai báo, mong được hỗ trợ nơi cách ly khiến cho các cơ sở cách ly F0 quá tải.

Cũng chung ý kiến trên, đại diện lãnh đạo một số địa phương như: Trảng Dài (TP.Biên Hòa), Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu), Hiệp Phước (H.Nhơn Trạch) cho rằng, khi các DN đã trở lại sản xuất thì cần có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe NLĐ; chuẩn bị các phương án, kịch bản khi có NLĐ nhiễm Covid-19 để xử lý, ứng phó kịp thời, tránh gây lo lắng, hoang mang cho NLĐ hoặc để NLĐ tự ý rời công ty về địa phương nhưng không khai báo. Các cơ quan chức năng của tỉnh cần có hình thức xử phạt mạnh tay DN nếu để tình trạng trên tiếp tục diễn ra. Đồng thời, yêu cầu các DN thực hiện đúng các nội quy phòng dịch, nếu phát hiện NLĐ nhiễm Covid-19 cần thông báo về địa phương nơi công nhân cư trú để cùng phối hợp hướng dẫn NLĐ theo dõi, cách ly tại nhà. Đây cũng là cách để NLĐ yên tâm điều trị bệnh và sớm trở lại DN làm việc.

Theo Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai Lê Văn Danh, hiện các DN đã hoạt động trở lại, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp và xảy ra ở nhiều DN, do các DN đã tổ chức cho lao động đi, về hàng ngày. Trước tình hình này, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã có văn bản yêu cầu các DN phải thực hiện nghiêm 5K, có khu cách ly F0, F1 để khi xảy ra dịch có thể xử lý kịp thời, hạn chế lây lan trong DN hoặc cộng đồng. Ngoài ra, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã thành lập các đoàn kiểm tra các phương án phòng, chống dịch ở các DN để đảm bảo an toàn cho NLĐ. Qua các đợt kiểm tra, đoàn đã nhắc nhở các DN không chủ quan, lơ là với dịch bệnh, phải có các biện pháp phòng dịch hiệu quả và quan tâm bảo vệ nguồn lực để ổn định sản xuất, không để dịch bệnh làm cho NLĐ hoang mang, lo lắng.

Trong đợt khảo sát tình hình đời sống, việc làm, lương và nhu cầu nhà ở của NLĐ tại các DN mới đây, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ khi trở lại với công việc sau thời gian nghỉ làm phòng dịch. Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã đề nghị các Công đoàn cơ sở cần quan tâm đến NLĐ nhiều hơn, nhất là thời điểm gần Tết, NLĐ đều mong có việc làm và thu nhập để vượt qua khó khăn do đại dịch. Bên cạnh đó, đảm bảo môi trường làm việc an toàn, quan tâm đến những lao động nhiễm Covid-19 và các trường hợp đang bị cách ly. Đối với những lao động đã điều trị khỏi Covid-19 và trở lại làm việc cần tạo động lực làm việc cho NLĐ. Ngoài ra, có các chính sách khen thưởng, chi trả lương đầy đủ để NLĐ yên tâm gắn bó với DN trước và sau Tết.

Lan Mai

Tin xem nhiều