Thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) tại doanh nghiệp (DN) góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và giảm thiểu tình trạng tranh chấp lao động. Bên cạnh đó, DN và người lao động (NLĐ) tìm được tiếng nói chung để cùng thấu hiểu và chia sẻ.
Thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) tại doanh nghiệp (DN) góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và giảm thiểu tình trạng tranh chấp lao động. Bên cạnh đó, DN và người lao động (NLĐ) tìm được tiếng nói chung để cùng thấu hiểu và chia sẻ.
Công nhân Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam (TP.Biên Hòa) nêu ý kiến tại hội nghị người lao động cuối tháng 12-2022. Ảnh: CĐ |
Tuy nhiên, ở nhiều DN trên địa bàn Đồng Nai, việc triển khai QCDC còn nhiều hạn chế, một số DN thực hiện nhưng còn mang tính hình thức, chưa chủ động lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải đáp kiến nghị của NLĐ.
* Tạo mối quan hệ lao động hài hòa
Hàng năm, vào tháng 1, Công ty TNHH Giấy Yuen Foong Yu Đồng Nai (H.Long Thành) đều phối hợp cùng Công đoàn cơ sở (CĐCS) tổ chức hội nghị NLĐ để thông báo kết quả sản xuất của công ty đến toàn thể NLĐ. Ngoài ra, DN còn thông báo các chế độ, chính sách liên quan đến NLĐ và những phúc lợi mới nếu có. Lãnh đạo DN cũng thiện chí giải đáp kiến nghị của NLĐ trên tinh thần lắng nghe, dân chủ và thấu hiểu. Nhờ đó, nhiều năm nay, quan hệ lao động nơi đây được đánh giá là ổn định và hài hòa.
Ông Đỗ Nguyên Phương, Chủ tịch Công đoàn công ty cho hay, lãnh đạo DN không chỉ tạo điều kiện cho Công đoàn hoạt động hiệu quả mà còn lắng nghe ý kiến của NLĐ. Đặc biệt, tại hội nghị NLĐ, công nhân lao động được thoải mái nêu kiến nghị về các chế độ, môi trường làm việc, bữa ăn ca… và được lãnh đạo DN ghi nhận, giải đáp kịp thời, mang lại sự hài lòng cho NLĐ.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, năm 2022, toàn tỉnh có 789/1.492 CĐCS tại DN tổ chức hội nghị NLĐ; 1.070/1.492 DN tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Về ký kết thỏa ước lao động tập thể, toàn tỉnh ký mới 57 bản, nâng tổng số thỏa ước lên 1.310 bản. Dù việc ký kết thỏa ước lao động tập thể vượt hơn 142% so với chỉ tiêu nhưng đã có 471 bản đã hết hạn chưa thương lượng, ký kết lại. |
“Việc thực hiện QCDC tại nơi làm việc nếu nghiêm túc, bài bản và có thiện chí sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc ổn định sản xuất. Do đó, lắng nghe NLĐ cũng là cách để DN và Công đoàn đổi mới các hoạt động, phúc lợi hoàn thiện hơn và tạo sự tin tưởng trong quan hệ lao động bền lâu” - ông Phương chia sẻ.
Tương tự, là một trong các nghiệp DN thực hiện tốt QCDC hàng năm, Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam (TP.Biên Hòa) luôn chủ động đối thoại với NLĐ để thông hiểu và cải thiện các chính sách, điều kiện làm việc cho công nhân.
Tại hội nghị NLĐ của DN được tổ chức vào cuối tháng 12-2022, nhiều ý kiến của NLĐ được lãnh đạo DN, Công đoàn và các bộ phận liên quan giải đáp chi tiết, cụ thể, nhận được sự tin tưởng của NLĐ. Ngoài ra, DN thông báo tình hình sản xuất để NLĐ nắm, hiểu và gắn bó với DN và nâng cao tay nghề sản xuất, tạo những sản phẩm chất lượng.
Chị Lê Thị Mai, công nhân làm việc tại DN cho hay, gần 8 năm gắn bó với công ty, năm nào chị cũng được tham gia hội nghị NLĐ do công ty tổ chức. Khi tham gia hội nghị, chị biết được kế hoạch sản xuất của DN, các đơn hàng trong năm để yên tâm làm việc. Ngoài ra, biết rõ hơn các phúc lợi mà NLĐ được hưởng như: hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ, đi lại, thưởng tiền chuyên cần…
“Tôi rất hài lòng với sự lắng nghe của lãnh đạo DN khi công nhân lao động có ý kiến. Đặc biệt, cũng từ những ý kiến thực tế của NLĐ, nhiều phúc lợi liên quan đến công nhân được cải thiện, góp phần nâng cao cuộc sống NLĐ. Công ty còn quan tâm bố trí phòng vắt, trữ sữa cho lao động nữ và tổ chức các hoạt động chăm lo để NLĐ yên tâm gắn bó với DN” - chị Mai bộc bạch.
Ở một số DN có đông lao động, không chỉ chú trọng tổ chức hội nghị NLĐ mà còn đối thoại với NLĐ định kỳ. Qua đó, những bất cập, mâu thuẫn đều được giải quyết nhanh và mối quan hệ lao động đã được cải thiện.
Theo ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom), là DN tập trung đông công nhân nên trước khi DN tổ chức hội nghị NLĐ, quản lý các xưởng đều tập hợp ý kiến của NLĐ và được chuyển cho công ty tổng hợp đầy đủ. Trong quá trình diễn ra hội nghị, ngoài giải đáp thắc mắc của công nhân lao động đặt câu hỏi trực tiếp, các bộ phận liên quan sẽ trả lời rõ những ý kiến đã được tổng hợp nêu trên. Nhờ đó mà NLĐ luôn đồng tình với các chính sách của công ty và Công đoàn.
* Vẫn còn những hạn chế
Bên cạnh những DN làm tốt QCDC ở cơ sở, vẫn còn những DN thờ ơ, chỉ tập trung vào sản xuất, không coi trọng những kiến nghị, trăn trở và tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Nhiều DN chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện QCDC ở cơ sở; chưa quan tâm đến quy trình tổ chức hội nghị NLĐ. Ngoài ra, không chú trọng tổ chức đối thoại tại nơi làm việc hoặc tổ chức còn mang tính hình thức, đối phó. Một số DN còn giao cho CĐCS thực hiện, trrong khi vai trò chủ động thuộc về DN.
Trong các đợt kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh năm 2022 cho thấy, nhiều DN trong quá trình triển khai QCDC đã cố tình không thực hiện, đưa ra nhiều lý do để trốn tránh như: do đặc thù sản xuất, không thể tập hợp NLĐ để đối thoại hoặc do sản xuất để kịp các đơn hàng, thiếu đơn hàng, khó khăn sản xuất, dịch bệnh... Thậm chí, có DN không mặn mà với việc tổ chức đối thoại với NLĐ đã gây khó khăn cho CĐCS trong việc tham mưu, đề xuất thực hiện QCDC cơ sở.
Theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc phải đảm bảo một số nguyên tắc như: thiện chí, hợp tác, trung thực, bình đẳng, công khai và minh bạch; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, người sử dụng lao động và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. |
Nhiều nội dung, hoạt động sản xuất DN phải công khai cho NLĐ được biết, được tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát còn chung chung, chưa cụ thể và phù hợp với thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh của DN. Trong khi theo quy định, DN phải công khai với NLĐ những nội dung như: tình hình sản xuất, kinh doanh, nội quy lao động, thang lương, bảng lương; quy chế và các văn bản liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của NLĐ; các thỏa ước lao động tập thể và việc trích nộp đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…
Theo các cán bộ CĐCS, để việc thực hiện QCDC tại DN theo quy định của pháp luật, mang lại mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ thì cần có các giải pháp cụ thể, đồng bộ. Công đoàn cấp trên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người sử dụng lao động và NLĐ về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Chú trọng hướng dẫn các cơ sở chưa thực hiện tốt và nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả đến các đơn vị. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả QCDC tại DN.
Đối với NLĐ, mong muốn tổ chức Công đoàn chủ động phối hợp với các cơ quan tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc, nhất là chế độ liên quan trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ.
Công nhân Trần Văn Hải (quê Hà Nội) làm việc tại một DN ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 bộc bạch, nhiều lao động gắn bó công ty lâu năm vẫn chưa biết mặt chủ DN hoặc không được gặp gỡ, quan tâm. Họ chỉ làm việc với tổ trưởng, quản lý nên nhiều kiến nghị chưa đến được với lãnh đạo DN. Do đó, các chính sách, quyền lợi vẫn bị thiệt thòi.
Tại buổi làm việc với Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh mới đây, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường đề nghị các cấp Công đoàn tăng cường giám sát việc thực hiện QCDC ở DN, tạo sự hài hòa, ổn định trong quan hệ lao động. Công đoàn cần thường xuyên nắm bắt tình hình việc làm, đời sống cũng như tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề bức xúc, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Chủ động tham mưu các chính sách chăm lo đời sống, an sinh cho NLĐ và tổ chức sản xuất bền vững.
Lan Mai