Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều lợi ích khi doanh nghiệp hợp tác đào tạo nghề

08:01, 28/01/2023

Hợp tác với doanh nghiệp (DN) trong đào tạo nghề là yếu tố then chốt cho thành công của hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Hoạt động này đa phần do các trường nghề chủ động, chủ yếu là tìm chỗ thực tập cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, hiện một số DN đã chủ động và tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề. Mối quan hệ hợp tác này đem lại nhiều lợi ích cho người học.

Hợp tác với doanh nghiệp (DN) trong đào tạo nghề là yếu tố then chốt cho thành công của hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Hoạt động này đa phần do các trường nghề chủ động, chủ yếu là tìm chỗ thực tập cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, hiện một số DN đã chủ động và tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề. Mối quan hệ hợp tác này đem lại nhiều lợi ích cho người học.

Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi hào hứng trải nghiệm ngành chăm sóc sắc đẹp. Đây là mảng đào tạo mà nhà trường phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Hoàng Ân thực hiện trong thời gian tới. Ảnh: H.Yến
Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi hào hứng trải nghiệm ngành chăm sóc sắc đẹp. Đây là mảng đào tạo mà nhà trường phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Hoàng Ân thực hiện trong thời gian tới. Ảnh: H.Yến

Dù có tín hiệu khả quan song số lượng DN chủ động tìm đến cơ sở GDNN để hợp tác còn ít, đa phần là các DN nhỏ và vừa.

* Tiên phong đào tạo ngành chăm sóc sắc đẹp tại Đồng Nai

Xuất thân là giáo viên tại một trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh nên bà Nguyễn Thị Minh Tâm nắm vững nghiệp vụ sư phạm và hiểu rõ các quy định về đào tạo nghề. Vì vậy, khi đầu quân cho Công ty TNHH MTV Hoàng Ân (chuyên mảng tạo mẫu và dạy nghề chăm sóc sắc đẹp), bà Tâm được giao phụ trách mảng đào tạo. Trong quá trình làm việc tại Hoàng Ân, bà Tâm tiếp tục cộng tác giảng dạy tại nhiều trường nghề trong và ngoài tỉnh nên có cơ hội tiếp cận, nắm bắt nhu cầu, xu hướng của người học đối với ngành chăm sóc sắc đẹp.

Bà Tâm chia sẻ: “Tôi dạy ngành chăm sóc sắc đẹp ở một trường cao đẳng nghề thuộc tỉnh Bình Dương. Khoa này có hàng ngàn người theo học, trong đó có rất đông học viên người Đồng Nai. Rõ ràng, Đồng Nai đang có rất nhiều “dư địa” để tuyển sinh, đào tạo ngành này nhưng lại chưa có cơ sở GDNN chính quy nào mở ngành. Vì vậy, Công ty Hoàng Ân đã chủ động đi tìm đối tác để hợp tác đào tạo nghề”.

Một số lý do chính của DN khi tham gia đào tạo nghề: Chi phí đào tạo được bù đắp khi sinh viên tham gia quá trình sản xuất tại DN; đảm bảo sinh viên khi tốt nghiệp có kỹ năng cứng về kỹ thuật và có kỹ năng mềm. Sau tốt nghiệp, sinh viên ở lại làm việc tại DN, đảm bảo DN tuyển dụng được nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng phù hợp; tiết kiệm được chi phí tuyển dụng và đào tạo lại…

Sau khi trao đổi với một vài cơ sở GDNN, cuối cùng Công ty Hoàng Ân cũng nhận được “cái gật đầu” từ Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi.

Theo đó, với trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm của mình, bà Tâm và phía Công ty Hoàng Ân sẽ phụ trách viết chương trình khung, chương trình chi tiết, giáo trình, tìm kiếm nguồn giảng viên và đầu tư trang thiết bị; Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi phụ trách các vấn đề còn lại, trong đó có công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo, phòng ốc…

“Trước mắt, chúng tôi sẽ đào tạo sơ cấp nghề để chuẩn bị nhân lực, đội ngũ và các điều kiện khác nhằm tiến tới đào tạo trung cấp, cao đẳng. Chúng tôi thiết kế đào tạo theo tín chỉ để các học viên được bảo lưu tín chỉ giúp cho họ có cơ hội học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng với thời gian rút ngắn hơn và tiết kiệm được chi phí” - bà Tâm cho hay.

Bà Tâm khá lạc quan về triển vọng của ngành chăm sóc sắc đẹp. Trên thực tế, nhu cầu học ngành chăm sóc sắc đẹp (trang điểm, chăm sóc da, tạo mẫu tóc, làm nails, massage…) hiện nay rất nhiều, trong khi có rất ít cơ sở GDNN đào tạo chính quy ngành này. Vì vậy, đa phần người học đều được học theo kiểu truyền nghề tại các spa, thẩm mỹ viện… Người dạy nghề có thể có kỹ năng, kinh nghiệm nhưng lại thiếu kiến thức nên phương pháp truyền đạt không tốt, thậm chí dạy chưa đúng khoa học dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là trong lĩnh vực thẩm mỹ, chăm sóc da. Ngoài ra, mức học phí tại các thẩm mỹ viện, spa cũng khá cao so với mức học phí của trường nghề.

* DN tham gia đào tạo nghề, 3 bên cùng có lợi

Tại Đồng Nai, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 là đơn vị đi đầu trong hoạt động hợp tác với DN trong đào tạo nghề. Từ năm 2010, nhà trường được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức lựa chọn xây dựng thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao trong các lĩnh vực: Cơ khí, Tự động hóa và Cơ điện tử để đào tạo theo mô hình đào tạo “kép”.

Đến năm 2015, mô hình đào tạo phối hợp với DN (điều chỉnh từ mô hình đào tạo “kép” của Đức) được triển khai và đến nay đã có gần 1 ngàn sinh viên được đào tạo theo mô hình này.

Với mô hình đào tạo này, học sinh, sinh viên được học ở cả nhà trường lẫn DN, trong đó thời gian thực hành tại DN được nâng cao so với thời gian học lý thuyết. Tại DN, học sinh, sinh viên được chính đội ngũ kỹ thuật viên, nhân viên của DN hướng dẫn. Họ được gọi là những “đào tạo viên DN”.

Bà NGUYỄN THỊ MINH TÂM, Công ty TNHH MTV Hoàng Ân: Kiếm tiền trong lúc học nghề

Đối với các nghề như: làm nails, gội đầu dưỡng sinh…, học viên chỉ học trong vòng 1-2 tháng là có thể “ra nghề”. Trong quá trình học, học viên sẽ được hưởng thu nhập từ phần thực hành của mình. Chẳng hạn, khi gội đầu cho khách, học viên được hưởng 50 ngàn đồng/lượt; khi làm 1 bộ nails, học viên được lấy hầu hết phần tiền công (từ 100-200 ngàn đồng/bộ), chỉ phải trừ lại chi phí điện, nước cho trung tâm. Như vậy, học viên hoàn toàn có thể kiếm được tiền trong quá trình học sơ cấp nghề.

“Từ năm 2016, nhà trường đã tuyển sinh kết hợp với các DN trong nước như: Thuận Hải, Martec Boiler…, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như: QHPlus, Schaeffler, Ishei Việt Nam... để triển khai đào tạo gần 1 ngàn sinh viên theo mô hình này. Các sinh viên không những được học chương trình theo tiêu chuẩn của Đức mà còn được DN trả lương và các chi phí khác trong quá trình học tập tại DN” - ThS Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 cho biết.

Trên thực tế, DN tham gia đào tạo nghề không tốn nhiều chi phí mà ngược lại, hiệu suất lao động của người học vào kết quả sản xuất, kinh doanh tỷ lệ thuận với quá trình học. Đây là kết quả khảo sát đã được Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) thực hiện.

Theo đó, trong năm thứ nhất, DN đầu tư nhiều hơn thu hồi. Từ năm thứ 2 trở đi, DN được hưởng lợi từ việc đầu tư vào người học. Về phía nhà trường, chất lượng đào tạo nghề được nâng cao tạo nên uy tín cho cơ sở GDNN, là tiền đề để các trường nghề phát triển bền vững.

Để DN có thể tham gia đào tạo nghề cần phải có đội ngũ đào tạo viên DN. Họ là những người có trình độ, có kỹ năng, kinh nghiệm được tham gia khóa đào tạo để có kỹ năng sư phạm nhằm thực hiện tốt việc hướng dẫn, đào tạo cho sinh viên tại DN.

GIZ đã tổ chức chương trình đào tạo giảng viên nguồn cho đào tạo viên DN trình độ cao đẳng. Theo đó, người tham gia phải học 90 giờ (cả lý thuyết và thực hành). Sau khi kết thúc khóa học, những giảng viên nguồn này sẽ đào tạo giảng viên tại DN và ở các trường.

Có trình độ thạc sĩ, tham gia đào tạo nghề tại một số trường cao đẳng và có DN riêng, ông Nguyễn Nam Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Nam Vân Logistics (TP.Biên Hòa) cho rằng, để phối hợp tốt với DN trong đào tạo nghề, các trường nghề nên tổ chức mô hình CLB Giảng viên doanh nhân. CLB này sẽ tập hợp các doanh nhân có trình độ tối thiểu là đại học, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức đến học sinh, sinh viên. CLB sẽ tự vận hành, không sử dụng kinh phí của nhà trường để trả lương cho nhân sự của CLB. Khi tham gia CLB này, doanh nhân có cơ hội để kết nối với nhiều lãnh đạo DN khác nhau, mở rộng cơ hội phát triển; chủ động tìm kiếm được nguồn nhân lực từ các trường nghề. Trong khi đó, nhà trường có thể huy động doanh nhân tham gia giảng dạy một số chuyên đề, module của các ngành nghề đào tạo.

“Để đảm bảo việc truyền đạt kiến thức, nhà trường cần phối hợp tổ chức khóa đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho các thành viên của CLB Giảng viên doanh nhân” - ông Hải nêu ý tưởng.

Khi có CLB, nhà trường được hỗ trợ nơi thực tập cho sinh viên một cách thuận tiện hơn. Đồng thời, sinh viên cũng có cơ hội tiếp cận với các DN để tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Hải Yến

Tin xem nhiều