Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động

10:06, 21/06/2021

Ngày 14-6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động (CNLĐ).

Ngày 14-6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động (CNLĐ). Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của CNLĐ.

Công nhân Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa trong giờ làm việc. Ảnh: L.Mai
Công nhân Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa trong giờ làm việc. Ảnh: L.Mai

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Công đoàn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Cùng với đó, phối hợp với các bộ, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi chính sách pháp luật về lao động, việc làm, an toàn vệ sinh lao động; xây dựng chuyên đề kiểm tra giám sát về quan hệ lao động; vận động CNLĐ nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

* Thực hiện hiệu quả các chính sách đối với CNLĐ

Nội dung tại Chỉ thị 16 nêu rõ, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống của CNLĐ. So với 5 năm trước, số lượng CNLĐ có việc làm tăng 26%, trong đó việc làm bền vững, thu nhập tăng đều qua các năm; đời sống của CNLĐ ngày càng được cải thiện; điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động đã được chú trọng; các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được áp dụng ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp (DN).

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ CNLĐ vẫn chưa có việc làm ổn định, phù hợp; điều kiện làm việc ở nhiều DN và đời sống của CNLĐ chưa được cải thiện, có nơi còn yếu kém, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp gần đây đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, tác động đến đời sống, việc làm của nhiều CNLĐ, đặc biệt ở bộ phận lao động giản đơn.

Tại Chỉ thị 16, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quy hoạch, bố trí, huy động nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, dịch vụ phục vụ đời sống, học tập, giải trí của CNLĐ và gia đình. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường tại nơi ở và nơi làm việc. Ngoài ra, có biện pháp ngăn ngừa CNLĐ tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”. Đặc biệt, tập trung thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, giúp CNLĐ và các DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, ổn định việc làm.

 

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước về đảm bảo việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống cho CNLĐ trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, CNLĐ, đặc biệt đoàn viên, người lao động (NLĐ) có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Cùng với đó, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật của CNLĐ. Sớm xây dựng hệ thống dữ liệu về công nhân, Công đoàn làm cơ sở cho việc nắm bắt, phát hiện, giải quyết và dự báo các biến động về việc làm, đời sống của CNLĐ. Tăng cường chỉ đạo các cấp Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở trong DN nâng cao tính thực chất của các hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đặc biệt về tiền lương của CNLĐ gắn với năng suất lao động và kết quả thực hiện công việc phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.

Đối với Bộ LĐ-TBXH, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực trên, nhất là thực tiễn thực hiện pháp luật tại các khu công nghiệp và khu chế xuất. Chủ động nắm bắt các khủng hoảng về lao động, việc làm do tác động của đại dịch Covid-19 để bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; tham mưu triển khai giảm giờ làm việc bình thường phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

* Thực hiện nhiều mô hình chăm lo đời sống CNLĐ

Là tỉnh tập trung đông CNLĐ, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng như Tỉnh ủy, các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi và đảm bảo việc làm cho NLĐ. Trong đó, thực hiện nhiều mô hình nâng cao mức sống cho CNLĐ như: bảo lãnh cho CNLĐ vay vốn cải thiện cuộc sống, xây dựng mái ấm Công đoàn, hỗ trợ lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động bị bệnh hiểm nghèo và kết nối, giải quyết việc làm bền vững cho CNLĐ... Đồng thời, tham gia góp ý, đề xuất nhiều chính sách để cải thiện đời sống, việc làm và điều kiện làm việc của CNLĐ.

Theo LĐLĐ tỉnh, trong những năm qua, tỉnh cũng như tổ chức Công đoàn đặc biệt quan tâm đến đời sống, việc làm của CNLĐ trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, song dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự nỗ lực của các cấp, ngành, cộng đồng DN và tổ chức Công đoàn các cấp, kinh tế trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng khá tốt, các DN kịp thời chuyển hóa thị trường, ổn định sản xuất. Do đó, tình hình đời sống việc làm, các vấn đề an ninh, trật tự xã hội được giữ vững. NLĐ dần vượt qua thách thức, khó khăn để trở lại với công việc. Tổ chức Công đoàn cũng đã kịp thời có nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ trước tác động của dịch bệnh để từng bước ổn định cuộc sống.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, dù tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, song đến thời điểm này, việc làm, thu nhập của CNLĐ tại các DN trên địa bàn tỉnh khá ổn định. NLĐ thi đua lao động sản xuất, sáng kiến cải tiến để tăng thu nhập cho bản thân. Hiện thu nhập bình quân của CNLĐ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 7 triệu đồng/tháng. Tư tưởng, tâm lý làm việc của CNLĐ đều ổn định. Ở nhiều DN tập trung đông CNLĐ đều đồng tình thực hiện mục tiêu kép vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa phòng, chống dịch bệnh tốt tại nơi làm việc.

Ngoài ra, các chế độ, chính sách đối với CNLĐ được các DN quan tâm cải thiện rõ nét. Một số DN ổn định sản xuất đã nâng tiền lương, thưởng cho NLĐ. Ngoài ra, một số DN quy mô lớn đã xây dựng ký túc xá, trường học, khu vui chơi giải trí và cải thiện môi trường làm việc thường xuyên cho NLĐ. Nhờ đó, mức sống của NLĐ ngày càng được cải thiện, nhiều lao động đã mua được đất, xây sửa nhà mới, khang trang, sạch đẹp sau nhiều năm xa quê lập nghiệp.

Tuy nhiên, theo các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh, dù đời sống của NLĐ đã dần cải thiện, song một bộ phận CNLĐ vẫn gặp nhiều khó khăn, thu nhập còn thấp do DN gặp khó khăn trong sản xuất hoặc đơn hàng không ổn định. Ngoài ra, môi trường làm việc không đảm bảo, các chính sách, quyền lợi chi trả chưa thỏa đáng với công sức NLĐ bỏ ra. Cùng với đó, việc thiếu thốn thiết chế văn hóa, nhà ở xã hội, chính sách tiền lương thấp, vấn đề nợ lương, bảo hiểm xã hội của DN vẫn đang là trăn trở của nhiều CNLĐ.

Công nhân Lê Thị Hạnh, làm việc tại Công ty TNHH Minh Thành (H.Vĩnh Cửu) cho hay, năm 2020, dịch bệnh xuất hiện đã ảnh hưởng nhiều đến việc làm và thu nhập của CNLĐ. Vì vậy, chị và nhiều CNLĐ khác mong địa phương cũng như tổ chức Công đoàn có giải pháp chăm lo thiết thực, lâu dài hơn cho CNLĐ. “CNLĐ thất nghiệp trong đại dịch thật sự rất khó khăn để xoay xở cuộc sống khi xa quê. Tôi mong tỉnh và DN sẽ có chính sách an sinh bền vững để NLĐ an tâm lao động sản xuất, cống hiến cho DN và sự phát triển của địa phương” - chị Hạnh chia sẻ.

Trong khi đó, đại diện LĐLĐ H.Nhơn Trạch cho hay, bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của CNLĐ là việc làm cần thiết mà tỉnh cũng như các cấp, các ngành, tổ chức Công đoàn và cộng đồng DN quan tâm và xem đây là nhiệm vụ hàng đầu. Bởi CNLĐ không chỉ tạo ra của cải cho DN mà hằng năm còn đóng góp rất lớn vào hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính sách chăm lo an sinh xã hội cũng như ổn định cuộc sống và việc làm cho NLĐ là cách để xây dựng nguồn lực ổn định và phát triển lâu dài.

Lan Mai

Tin xem nhiều