Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường bảo vệ quyền lợi người lao động

08:03, 18/03/2021

Đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ) là nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn. Do vậy, thời gian qua, các cấp Công đoàn ngoài việc chăm lo đời sống NLĐ đã tham gia giải quyết tranh chấp lao động, hòa giải trực tiếp, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý, giúp nhiều NLĐ đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.

Đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ) là nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn. Do vậy, thời gian qua, các cấp Công đoàn ngoài việc chăm lo đời sống NLĐ đã tham gia giải quyết tranh chấp lao động, hòa giải trực tiếp, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý, giúp nhiều NLĐ đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.

Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh tư vấn pháp luật trực tiếp cho công nhân lao động. Ảnh: Lan Mai
Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh tư vấn pháp luật trực tiếp cho công nhân lao động. Ảnh: Lan Mai

Cùng với đó, các cấp Công đoàn còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao kiến thức pháp luật để NLĐ tự bảo vệ và đòi quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho bản thân.

* Hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi NLĐ

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, thời gian qua, hiểu đươc vai trò quan trọng của nguồn nhân lực góp phần đưa doanh nghiệp (DN) ổn định và phát triển, lãnh đạo một số DN từng bước có sự chuyển biến về nhận thức, quan tâm chăm lo nhiều hơn về đời sống vật chất cũng như tinh thần cho NLĐ. Đồng thời, thực hiện các chế độ, chính sách, các khoản phụ cấp ngoài lương đã cam kết đối với NLĐ. Song vẫn còn những DN nợ lương, thưởng và chậm chi trả các chế độ, chính sách dẫn đến bất hòa trong quan hệ lao động.

Năm 2020, LĐLĐ tỉnh đã tham gia các đoàn công tác của tỉnh làm việc với 86 DN đông công nhân lao động để kiểm tra, giám sát, hỗ trợ DN trong việc thực hiện các quy định về pháp luật lao động, điều chỉnh lương tối thiểu vùng, tiền thưởng cho NLĐ. Từ đó, kịp thời đảm bảo quyền lợi của NLĐ, xây dựng mối quan hệ ổn định trong DN.

Mới đây, đoàn công tác của LĐLĐ H.Vĩnh Cửu và các ngành chức năng đã đến làm việc với Ban giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Giày Gia Định (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) về vấn đề chậm trả lương cho NLĐ. Trước đó, hơn 300 công nhân đã tham gia ngừng việc tập thể do không đồng ý việc công ty ra thông báo kéo dài việc thanh toán tiền lương tháng 2-2021 vào ngày 23-3-2021. Ngay khi nắm tình hình, LĐLĐ huyện đã vào cuộc, giải quyết tranh chấp, đồng thời hỗ trợ DN và Công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại trực tiếp với NLĐ. Qua đối thoại, công ty cam kết thanh toán tiền lương tháng 2 cho công nhân làm hai đợt. Theo đó, NLĐ đã đồng ý và trở lại làm việc bình thường.

Anh T.V.L có thâm niên 4 năm làm việc tại công ty cho biết: “Trước đây, công ty vẫn trả lương đầy đủ cho NLĐ vào ngày 10 hằng tháng. Tuy nhiên, trong tháng 2, DN trả lương chậm nhưng không tổ chức đối thoại, thông báo nguyên nhân cụ thể với NLĐ rõ ràng nên mọi người đều hoang mang, nhiều lao động đến tháng không có lương để trả tiền phòng trọ và trang trải cuộc sống. Sau khi các cấp Công đoàn đến làm việc, DN đã chủ động đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ và hứa chi trả lương đầy đủ. Nhờ đó, chúng tôi yên tâm quay trở lại làm việc. Hiện công việc đã ổn định, trong ngày 15-3, NLĐ đã nhận được lương theo cam kết của DN, phần còn lại, DN sẽ chi trả vào ngày 23-3 tới”.

Trước đó, tại Chi nhánh Công ty CP Công nghiệp Tung Kuang - Nhơn Trạch (H.Nhơn Trạch) cũng xảy ra tranh chấp lao động do công nhân không đồng ý việc công ty thông báo thực hiện nâng lương định kỳ hằng năm với mức 5% vào tháng 7-2021 và yêu cầu việc nâng lương được thực hiện vào tháng 1-2021. Được tin, Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa và LĐLĐ H.Nhơn Trạch cùng các ngành chức năng đã đến làm việc với lãnh đạo DN và vận động công nhân trở lại làm việc. Qua đối thoại, lãnh đạo DN đã ra thông báo giải quyết kiến nghị của NLĐ và hứa sẽ thực hiện nâng lương định kỳ cho tất cả NLĐ trong tháng 3. Sau đó, công nhân đã đồng ý và trở lại làm việc bình thường.

Đại diện LĐLĐ tỉnh cho biết, nhiều vụ tranh chấp lao động, mâu thuẫn trong quan hệ lao động đa phần đều xuất phát từ nguyên nhân liên quan đến lương, thưởng, thời gian làm việc và các chế độ phúc lợi của NLĐ. Tuy nhiên, với sự hướng dẫn, hòa giải, hỗ trợ về mặt pháp lý của tổ chức Công đoàn và các ngành chức năng, các DN đã chi trả đầy đủ quyền lợi của NLĐ. Đặc biệt, trong các buổi làm việc với DN, các cán bộ Công đoàn đã phân tích cụ thể để DN hiểu về những quy định trong Bộ luật Lao động, quy chế làm việc và cam kết thực hiện các nội dung tại thỏa ước lao động tập thể. Đồng thời, vận động công nhân quay trở lại làm việc, tránh để ảnh hưởng đến công việc và quyền lợi lâu dài của mình.

Thực tế, thời gian qua, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã làm cho nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, giảm nguồn lực và việc chi trả lương, thưởng chậm hơn so với trước đây. Tuy nhiên, bên cạnh những DN khó khăn thực sự, vẫn còn những DN cố tình nợ lương, bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi và làm đảo lộn cuộc sống NLĐ. Từ đó, dẫn đến những mâu thuẫn trong quan hệ lao động và đỉnh điểm là ngừng việc tập thể. Vì vậy, để ổn định sản xuất, đòi hỏi các DN nên có chiến lược kinh doanh lâu dài để chủ động đối phó với những khó khăn, đồng hành với NLĐ vượt qua khó khăn, tránh để mâu thuẫn trong lao động làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh và uy tín của các DN.

Phó chủ tịch LĐLĐ TP.Long Khánh Lê Thanh Tùng cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của NLĐ, các cấp Công đoàn cần đẩy mạnh nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ Công đoàn cơ sở. Vì cán bộ Công đoàn cơ sở là những người trực tiếp nắm bắt tình hình ở cơ sở, nếu kỹ năng, nghiệp vụ vững vàng sẽ thương lượng tốt, có tiếng nói để bảo vệ quyền lợi NLĐ. Ngoài ra, trong các buổi tập huấn Bộ luật Lao động nên có chủ DN cùng tham gia để hiểu, nắm vững luật và thực hiện đúng các chính sách đối với nguồn nhân lực.

* Để NLĐ yên tâm làm việc

Ngoài kịp thời giải quyết ổn định các vụ ngừng việc tập thể, mâu thuẫn trong quan hệ lao động, các cấp Công đoàn còn hỗ trợ pháp lý cho nhiều trường hợp lao động đòi lại quyền lợi chính đáng của mình. Riêng trong năm 2020, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh đã Tư vấn pháp luật trực tiếp cho 1.646 lượt NLĐ, hỗ trợ pháp lý 1.261 đơn với các nội dung về tiền lương, hợp đồng lao động, tai nạn lao động, trợ cấp thôi việc... Tham gia bảo vệ quyền lợi và làm đại diện theo ủy quyền cho NLĐ trong 198 vụ án lao động về tranh chấp tiền lương ngừng việc, bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động... Kết quả, NLĐ đã được các DN bồi thường tổng số tiền trên 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, LĐLĐ các huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch, TP.Long Khánh và Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa đã tiếp 428 lượt đoàn viên và NLĐ đến tư vấn các nội dung liên quan đến lương, thưởng; tư vấn 525 cuộc điện thoại và giải đáp thắc mắc các vấn đề lương, chế độ, chính sách NLĐ quan tâm. Ngoài ra, tổ chức đến các phòng trọ tuyên truyền Bộ luật Lao động, giúp NLĐ nắm vững luật, chủ động bảo vệ mình khi làm việc tại các DN.

Phó chủ tịch LĐLĐ H.Trảng Bom Nguyễn Văn Thành cho rằng, cùng với hoạt động tư vấn pháp luật cho cả chủ DN lẫn NLĐ trực tiếp và gián tiếp, các cán bộ Công đoàn huyện và nhóm công nhân nòng cốt còn tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần đến các phòng trọ tuyên truyền pháp luật lao động cho NLĐ. Nhờ đó, thời gian qua, NLĐ đều làm việc đúng nội quy tại DN, tình hình quan hệ lao động trở nên hài hòa, ổn định và tiến bộ hơn.

Để NLĐ yên tâm làm việc tại các DN, các cấp Công đoàn còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên và NLĐ. Một tín hiệu đáng mừng là hiện nay, tình hình lao động việc làm của NLĐ khá ổn định. Nhiều DN có đơn hàng đến cuối năm đã tạo việc làm thường xuyên và tăng thu nhập cho NLĐ. Một số trường hợp tranh chấp lao động, Công đoàn cũng kịp thời giải quyết, giúp NLĐ an tâm làm việc, hăng say lao động nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần vào sự phát triển chung của DN.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Elite Long Thành Nguyễn Quốc Hưng cho hay, một môi trường làm việc hài hòa, đoàn kết, phúc lợi đảm bảo là điều mà nhiều lao động muốn gắn bó lâu dài và cống hiến cho DN. Vì vậy, các DN nên cân bằng giữa kinh doanh và phúc lợi cho NLĐ. Một khi NLĐ được quan tâm, tôn trọng và chăm lo đời sống kịp thời, thì chẳng có lý do gì để NLĐ bất mãn trong quan hệ lao động. Và ngược lại, DN sẽ có nguồn nhân lực chất lượng, tay nghề cao, sẵn sàng đồng hành với DN trong những lúc khó khăn nhất.

Các cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở cho rằng, để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, cần có chính sách để thu hút cán bộ Công đoàn giỏi, tâm huyết với nghề, sẵn sàng bảo vệ và trở thành điểm tựa của NLĐ trong mọi hoàn cảnh. Có như vậy mới góp phần đưa tổ chức Công đoàn phát triển và xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh.

Lan Mai

Tin xem nhiều