Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo đời sống, việc làm ổn định cho người lao động

08:12, 29/12/2020

Tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về Bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đời sống, việc làm của công nhân là vấn đề rất quan trọng. Chính vì thế, phiên họp không chỉ đánh giá tổng thể những kết quả đạt được, nêu lên những tồn tại, mà cùng nhau hoạch định phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tới nhằm nâng cao mức sống, việc làm của công nhân Việt Nam.

Tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về Bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đời sống, việc làm của công nhân là vấn đề rất quan trọng. Chính vì thế, phiên họp không chỉ đánh giá tổng thể những kết quả đạt được, nêu lên những tồn tại, mà cùng nhau hoạch định phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tới nhằm nâng cao mức sống, việc làm của công nhân Việt Nam.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý (thứ 3 từ trái sang) tặng quà, hỗ trợ công nhân  có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Lan Mai
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý (thứ 3 từ trái sang) tặng quà, hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Lan Mai

* Nhiều đề xuất thể hiện tâm tư của người lao động

Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, việc làm của nhiều người lao động (NLĐ), trong đó, tình trạng thiếu việc, mất việc làm diễn ra khá phổ biến. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, tổ chức Công đoàn đã đẩy mạnh phối hợp, có nhiều chính sách, giải pháp để ổn định cuộc sống, việc làm cho NLĐ. Tuy nhiên, về lâu dài, NLĐ vẫn mong muốn Chính phủ cũng như tổ chức Công đoàn tiếp tục quan tâm, có nhiều chính sách thiết thực hơn, nhằm đảm bảo việc làm bền vững để họ an tâm gắn bó, công hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp (DN) và đất nước.

Cũng tại hội nghị, đại diện cán bộ Công đoàn, đoàn viên, NLĐ các tỉnh, thành phố đã chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm, khó khăn trong hoạt động Công đoàn. Đồng thời, đề xuất Chính phủ cần quan tâm cải thiện đời sống, thu nhập hơn nữa cho NLĐ thời gian tới như: đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội, thiết chế văn hóa, xây dựng nhà trẻ cho con công nhân và xem xét giảm giờ làm cho NLĐ…

Chia sẻ về những kết quả nổi bật trong việc chăm lo, đảm bảo việc làm cho NLĐ tại hội nghị trực tuyến, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty CP Taekwang Vina Industrial (TP.Biên Hòa) Đinh Sỹ Phúc cho biết, là DN tập trung đông lao động trên địa bàn Đồng Nai với trên 35 ngàn lao động, CĐCS luôn ý thức được rằng việc ổn định quan hệ lao động, việc làm và thu nhập là yếu tố hàng đầu cần phải được chú trọng. Do vậy, CĐCS luôn gần gũi, lắng nghe những tâm tư, ý kiến của NLĐ và ký kết các thỏa thuận quy định cụ thể nội dung với chủ DN đảm bảo việc làm thu nhập ổn định cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Ngoài ra, CĐCS đã đề xuất và đã được DN đầu tư xây dựng trường mầm non phục vụ con em lao động. Các chương trình xây dựng nhà tình thương, tặng quà cho lao động có hoàn cảnh khó khăn, tuyển dụng lao động khuyết tật luôn được thực hiện. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, DN bố trí giãn việc để bảo đảm việc làm và thu nhập cho NLĐ. Đồng thời, tổ chức các chương trình đào tạo miễn phí cho NLĐ về kỹ năng, ngoại ngữ, bổ túc văn hóa nhằm giúp NLĐ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thích nghi với sự thay đổi của công nghệ mới đáp ứng nhu cầu cao của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông Phúc, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn nhiều NLĐ gặp khó khăn, việc làm và thu nhập không ổn định, việc tăng lương và thưởng tết có nơi không có hoặc chỉ mang tính tượng trưng. Trước tình trạng trên, ông Phúc kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ trong tương lai gần cần xem xét giảm giờ làm cho NLĐ xuống 44 giờ/tuần. Chính phủ cần xem xét quy hoạch các khu nhà ở, nhà trẻ ở các vị trí phù hợp với các khu công nghiệp và chi phí hợp lý dành cho NLĐ.

Còn bà Phạm Thị Bích Hải, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Toto Việt Nam (TP.Hà Nội) đã kiến nghị nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến quyền lợi NLĐ. Theo bà Hải, sức khỏe NLĐ là yếu tố vô cùng quan trọng, tuy nhiên, chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ tại nhiều DN có giá trị dinh dưỡng thấp, điều kiện chế biến chưa tốt dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. Do đó, đề nghị Chính phủ và chính quyền các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn giữa ca cho NLĐ.

NLĐ tại các khu công nghiệp đa phần là dân nhập cư đang phải thuê trọ do người dân địa phương tự xây dựng với diện tích nhỏ hẹp, chật chội, ẩm thấp, nóng bức. Vì vậy, nhu cầu về nhà ở xã hội, căn hộ giá thấp cho NLĐ là rất lớn. Tuy nhiên, số nhà ở tập trung cho NLĐ không đáp ứng được nhu cầu thực tế của NLĐ. Bà Hải kiến nghị các địa phương cần quan tâm, có giải pháp để NLĐ có chỗ ở ổn định, an tâm làm việc.

Cũng theo bà Hải, tình trạng DN tìm cách sa thải NLĐ tùy tiện vẫn đang diễn ra và ngày càng nhiều. Việc NLĐ bỗng dưng mất việc sau tuổi 35 thực sự đẩy họ vào không ít khó khăn cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Do đó, Nhà nước cần có chế tài để xử lý nghiêm tình trạng DN lách luật, tìm cách thải loại NLĐ sau một thời gian dài làm việc, cống hiến cho DN.

Liên quan đến nơi học của con công nhân, bà Hải cho biết, hiện nay, rất nhiều NLĐ băn khoăn vì không biết gửi con ở đâu để yên tâm đi làm. Số lượng các nhà trẻ, trường mầm non công lập cạnh các khu công nghiệp rất ít, dẫn đến tình trạng quá tải. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất để công nhân lao động có nơi gửi trẻ an toàn, an tâm công tác.

Những kiến nghị của ông Phúc, bà Hải cũng là ý kiến chung của nhiều cán bộ CĐCS thể hiện tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói, trăn trở của NLĐ trong cả nước với mong muốn Chính phủ và các địa phương sẽ có nhiều chính sách chăm lo tốt hơn đời sống, việc làm của NLĐ trong thời gian tới.

* Nỗ lực chăm lo tốt hơn đời sống NLĐ

Tại Đồng Nai, địa phương có 1,2 triệu lao động, trong đó có đến 60% lao động nhập cư, thời gian qua, tỉnh cũng như tổ chức Công đoàn đã có nhiều chính sách kịp thời nhằm nâng cao đời sống và ổn định việc làm cho NLĐ. Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam và UBND tỉnh, tổ chức Công đoàn đã thực hiện nhiều hoạt động phúc lợi nhằm chăm lo, bảo vệ sức khỏe NLĐ cũng như chia sẻ khó khăn với DN.

Công nhân Công ty CP Đồng Tiến (TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc. Ảnh: Lan Mai
Công nhân Công ty CP Đồng Tiến (TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc. Ảnh: Lan Mai

Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị mất việc làm, giảm thu nhập. Công nhân Trần Thị Lài đang làm việc tại một DN trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1, một trong những lao động được hỗ trợ trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua cho biết, công nhân xa quê thiếu thốn rất nhiều thứ, vì vậy sự quan tâm của tổ chức Công đoàn trong từng thời điểm khó khăn của NLĐ rất cần thiết. “Chúng tôi mong rằng, các hoạt động, mô hình chăm lo phúc lợi được duy trì lâu dài, ổn định, để NLĐ an tâm làm việc, gắn bó với DN và xây dựng địa phương phát triển” - chị Lài cho hay.

Để đảm bảo các chế độ, chính sách cho NLĐ, tổ chức Công đoàn tỉnh đã phối hợp các ngành chức năng tổ chức các đoàn đến kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, lương, thưởng tại các DN đối với NLĐ. Công đoàn đã đứng ra bảo vệ cho hàng ngàn lao động bị DN sa thải trái quy định, bảo vệ tại tòa cho nhiều lao động đòi lại được quyền lợi xứng đáng của mình.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình, cách làm hay ra đời đã góp phần nâng cao đời sống NLĐ như: hỗ trợ NLĐ vay vốn, xây dựng mái ấm Công đoàn, ký kết các chương trình phúc lợi phục vụ NLĐ… Các CĐCS đã thương lượng chủ DN xây dựng ký túc xá, nhà trọ, trường mẫu giáo cho con công nhân...

Chị Trần Thị Thu, làm việc tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Chúng tôi rất hài lòng về các chương trình chăm lo của tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, về lâu dài, để NLĐ gắn bó, cống hiến nhiều hơn, tỉnh cũng như Công đoàn và DN cần quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa, nhà ở xã hội, nơi gửi trẻ an toàn và ổn định việc làm cho NLĐ… Có như vậy, NLĐ mới toàn tâm, toàn ý làm việc tốt và gắn bó cùng DN”.

Theo LĐLĐ tỉnh, trong thời gian tới, tổ chức Công đoàn tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, tạo thêm niềm tin, động lực để NLĐ gắn bó, tự nguyện gia nhập tổ chức Công đoàn. Cùng với đó, tiếp tục thương thảo với các chủ DN nhiều chính sách tốt hơn để nâng cao đời sống NLĐ. Trước mắt, LĐLĐ tỉnh sẽ đồng hành cùng DN và các tổ chức tập trung chăm lo Tết Nguyên đán trọn vẹn cho NLĐ; tiếp tục động viên các DN có các hình thức thưởng tết để chia sẻ khó khăn với NLĐ sau một năm gắn bó.

Nhằm đảm bảo việc làm, thu nhập và điều kiện sống của NLĐ, tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với Tổng LĐLĐ Việt Nam về Bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các cấp Công đoàn và DN trong lĩnh vực quy hoạch đất đai, xây dựng nhà ở, trường học và các thiết chế phục vụ công nhân. Đây là nhiệm vụ cần được ưu tiên đặc biệt trong 5 năm tới. Các địa phương phải dành nguồn lực thỏa đáng chăm lo, hỗ trợ NLĐ. Bên cạnh đó, Thủ tướng kêu gọi công nhân cả nước phát huy truyền thống của giai cấp công nhân Việt Nam, nâng cao trình độ, lao động sáng tạo, đóng góp cho sự lớn mạnh của từng DN và sự phồn vinh của đất nước.

Lan Mai

Tin xem nhiều