Báo Đồng Nai điện tử
En

Để công nhân làm chủ sản xuất bằng công nghệ hiện đại

10:10, 02/10/2020

Nhằm đẩy mạnh sản suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã đầu tư máy móc, dây chuyền hiện đại nhằm thay thế nhiều công đoạn, quy trình sản xuất.

Nhằm đẩy mạnh sản suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã đầu tư máy móc, dây chuyền hiện đại nhằm thay thế nhiều công đoạn, quy trình sản xuất.

Công nhân Công ty CP Công nghiệp Chính xác Việt Nam (H.Trảng Bom) trong giờ làm việc. Ảnh: Lan Mai
Công nhân Công ty CP Công nghiệp Chính xác Việt Nam (H.Trảng Bom) trong giờ làm việc. Ảnh: Lan Mai

Để thích ứng với công việc, người lao động (NLĐ) cần chủ động nâng cao tay nghề, từng bước làm chủ công nghệ mới.

* Chủ động nâng cao tay nghề

Những năm gần đây, Công ty CP An Phú Thịnh (H.Long Thành) đầu tư nhiều máy dệt sợi tự động nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất. Đặc thù của máy này có thể dệt tự động, sản phẩm làm ra đẹp và ít bị lỗi. Công nhân chỉ cần điều khiển hoạt động qua máy, không mất nhiều sức lao động như trước đây. Tuy nhiên, NLĐ cần học hỏi, nhanh nhạy mới có thể nắm vững cấu trúc và điều khiển máy hoạt động hiệu quả.

Anh Mai Viết Quý, Quản lý xưởng sản xuất của Công ty CP An Phú Thịnh cho biết, khi DN đưa vào sử dụng hệ thống sản xuất tự động bằng công nghệ mới, NLĐ nên tự giác nâng cao tay nghề, chịu khó học hỏi mới có thể dễ dàng vận hành được. Nếu NLĐ chủ động trong công việc, nắm bắt được công nghệ sẽ có chỗ đứng trong doanh nghiệp và thu nhập cao hơn.

Tương tự, 5 năm trở lại đây, Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, chuyên sản xuất ắc quy, pin) đã đầu tư đổi mới công nghệ, ưu tiên công nghiệp hỗ trợ để đẩy mạnh sản xuất. Lao động có tay nghề được DN ưu tiên vào làm bộ phận đứng máy. Những chiếc máy hiện đại được lập trình sẵn, công nhân chỉ cần điều khiển một số thao tác nhỏ để máy hoạt động. Tuy nhiên, trong quá trình đứng máy, NLĐ phải nhạy bén biết cách xử lý các sự cố kịp thời, không để ảnh hưởng đến quy trình làm việc. Điều này đòi hỏi NLĐ phải làm chủ công nghệ, nắm vững quy trình sản xuất và nhanh nhạy trong mọi tình huống phát sinh.

Anh Trần Văn Hải, Tổ trưởng vận hành máy trực tiếp tại xưởng công ty cho biết, tâm lý NLĐ thường đợi chờ DN đào tạo mới đi học nghề. Tuy nhiên, khi được chọn vào vận hành những máy móc hiện đại, DN sẽ dựa vào quá trình làm việc của NLĐ có đạt hay không. Sự sáng tạo và trách nhiệm trong công việc được xem là điều kiện để DN lựa chọn. Tất nhiên, những lao động tay nghề cao sẽ có thu nhập cao hơn và công việc đỡ vất vả hơn so với lao động phổ thông.

Theo đánh giá của một số trưởng phòng nhân sự tại các DN, hiện NLĐ còn chủ quan, không chủ động đi học nghề. Nhiều NLĐ yên phận với công việc và thu nhập ổn định hiện tại, ít nghĩ đến tương lai rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ phần nào thay thế con người làm việc trực tiếp. Những NLĐ không có tay nghề sẽ phải nghỉ việc hoặc giảm việc và kéo theo đó, thu nhập sẽ thấp hơn. Bên cạnh đó, nhiều NLĐ có suy nghĩ, nếu có chuyển chỗ làm thì DN mới cũng sẽ đào tạo nên không có ý định nâng cao tay nghề hay học thêm một nghề nào đó.

* Khuyến khích công nhân làm việc sáng tạo hơn

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều nhà đầu tư có năng lực với các dự án đầu tư bài bản, trang thiết bị công nghệ hiện đại. Qua đó, tạo điều kiện để NLĐ được tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao trình độ, tay nghề. Đặc biệt, các trường đào tạo nghề cũng từng bước nâng cấp và liên kết chặt chẽ với DN trong việc đào tạo nghề theo nhu cầu để NLĐ có kinh nghiệm, nắm bắt công việc nhanh.

Ông Maosheng Liu, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2) cho hay, việc áp dụng hệ thống máy móc hiện đại vào sản xuất là cơ hội cho NLĐ được tiếp cận với các công nghệ tiên tiến của thế giới, tiến gần đến công nghệ 4.0 và nâng cao trình độ, năng suất lao động, tăng thêm thu nhập, giảm bớt sức lao động. Vì vậy, ngoài đào tạo nghề tại DN, NLĐ sẽ được cho ra nước ngoài học tập, nâng cao trình độ, tay nghề, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển  của DN.

Tại Công ty CP Dệt Texhong (H.Nhơn Trạch), hằng năm DN đều tổ chức cho lao động ra nước ngoài học tập, nâng cao tay nghề. Cùng với đó có hình thức nâng lương, khen thưởng NLĐ làm việc tốt, sáng tạo, đổi mới.  Nhiều NLĐ đã có trách nhiệm với công việc, chủ động tìm tòi, nắm bắt khoa học công nghệ để ứng dụng vào thực tiễn. Nhiều lao động là chủ nhân của các sáng kiến, sáng tạo có giá trị làm lợi lên tới hàng trăm triệu đồng cho DN; đồng thời, giúp DN nâng cao trình độ, tay nghề cho đồng nghiệp mới.

Theo các chủ DN, hiện nay việc tuyển dụng lao động có tay nghề rất khó khăn, do đó tỉnh cần có chiến lược định hướng đào tạo nghề cho NLĐ, đặc biệt là lao động kỹ thuật cao. Các cơ sở nghề cần thay đổi hệ thống máy móc hiện đại hơn, chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế hơn. NLĐ cũng cần nâng cao ý thức, tác phong làm việc. Cùng với đó, công tác tuyên truyền cho NLĐ cần phải được đẩy mạnh hơn nữa mới mong NLĐ có thể tiếp cận và làm chủ công nghệ sản xuất sớm, chủ động hơn trong công việc.

Ông Quách Thuận Đức, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt nhãn Junmay (H.Trảng Bom) cho rằng, việc DN liên tục đổi mới công nghệ sản xuất đã tạo cơ hội để NLĐ được tiếp cận công nghệ hiện đại, làm việc khoa học. Khi đầu tư các công nghệ hiện đại vào sản xuất, DN sẽ cất nhắc những lao động có tay nghề để điều chuyển vào bộ phận quan trọng. Sự nhanh nhạy, sáng tạo của NLĐ đóng vai trò quan trọng  ở những bộ phận sản xuất “đầu não” của DN.      

Lan Mai

Tin xem nhiều