Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp

09:07, 22/07/2020

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2020 được các cấp Công đoàn trong tỉnh quan tâm đó là tăng cường xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp (DN) nhằm ổn định sản xuất và việc làm, đời sống người lao động (NLĐ).

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2020 được các cấp Công đoàn trong tỉnh quan tâm đó là tăng cường xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp (DN) nhằm ổn định sản xuất và việc làm, đời sống người lao động (NLĐ).

Người lao động Công ty CP TaeKwang Vina Industrial (TP.Biên Hòa) nêu ý kiến tại buổi sinh hoạt cuối tuần với Công đoàn và công ty. Ảnh: Lan Mai
Người lao động Công ty CP TaeKwang Vina Industrial (TP.Biên Hòa) nêu ý kiến tại buổi sinh hoạt cuối tuần với Công đoàn và công ty. Ảnh: Lan Mai

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Hồ Thanh Hồng cho rằng, xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại DN không chỉ giúp DN có đội ngũ lao động yêu nghề, tận lực công hiến mà còn góp phần xây dựng môi trường làm việc thân thiện, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và cùng DN phát triển bền vững

* Lợi ích đôi bên

Theo LĐLĐ tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, không ít DN trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nên phải tiết giảm hoạt động, thậm chí tạm ngừng sản xuất do không có đơn hàng. Kéo theo đó, công nhân không có việc làm ổn định, nghỉ việc luân phiên hoặc phải chấm dứt hợp đồng lao động... Trước tình hình trên, các cấp Công đoàn đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hình thức tập hợp ý kiến, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của NLĐ và tham gia giám sát các chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến NLĐ. Đồng thời, phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ và giữ quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại DN.

Cùng với đó, các cấp Công đoàn tỉnh đã bám sát mục tiêu hoạt động, đồng hành cùng DN tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều Công đoàn cơ sở (CĐCS) đã trở thành cầu nối giữa người sử dụng lao động và NLĐ, luôn sát sao, đưa tâm tư, nguyện vọng của NLĐ vào các cuộc họp, buổi đối thoại với chủ DN. Qua đó, đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần tạo động lực thi đua, tăng năng suất lao động, duy trì sản xuất và từng bước ổn định đời sống NLĐ.

Cũng từ việc sâu sát, đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa ở cơ sở của tổ chức Công đoàn, nhiều DN ngày càng chú trọng việc thực hiện quy chế dân chủ; tổ chức đối thoại định kỳ và ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi cho NLĐ. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 75 bản thỏa ước lao động tập thể được ký mới, đạt 88,2%, nâng tổng số bản thỏa ước hiện có trên địa bàn toàn tỉnh là 1.193 bản thỏa ước/1.545 DN có tổ chức Công đoàn. Các DN đã tổ chức đối thoại 862 cuộc với NLĐ để lắng nghe kiến nghị của NLĐ và cải thiện kịp thời.

Theo ông Vũ Hoàng Sơn, Phó trưởng phòng Lao động - tiền lương - bảo hiểm xã hội thuộc Sở LĐ-TBXH, từ đầu năm đến nay, dù tình hình dịch bệnh phức tạp, việc sản xuất của các DN và việc làm NLĐ bị ảnh hưởng nhưng nhiều DN vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, việc làm cho NLĐ. Quan hệ lao động tại các DN tương đối hài hòa, ổn định. Để có kết quả đó, phải kể đến vai trò, trách nhiệm của cán bộ CĐCS trong việc gắn kết NLĐ và DN để cùng thông hiểu, cùng chia sẻ và vượt qua khó khăn, đảm bảo các chính sách cho NLĐ.

Theo các cán bộ Công đoàn, việc tạo dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại DN không chỉ đợi đến sự vào cuộc, gắn kết của Công đoàn mà cả chủ DN và NLĐ cần phải nâng cao ý thức cùng hợp tác, thông hiểu vì lợi ích đôi bên. Chủ DN cần thể hiện sự tôn trọng, khảo sát ý kiến NLĐ khi đưa ra các chính sách liên quan đến lương, thưởng để điều chỉnh phù hợp với tình hình hoạt động của DN. Đặc biệt, DN cần dành thời gian để lắng nghe trăn trở của NLĐ nhiều hơn. Bên cạnh đó, NLĐ cần có sự trao đổi thông tin thường xuyên với CĐCS, chủ DN để hiểu rõ vấn đề. Có như vậy, những mâu thuẫn, xung đột nhỏ sẽ dễ dàng giải quyết nhanh chóng, quan hệ lao động sẽ ngày càng phát triển bền vững.

* Quan tâm đối thoại, nắm bắt tâm tư NLĐ

Thời gian qua, việc một số DN giải quyết các chế độ, chính sách của NLĐ chưa thỏa đáng dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ lao động mà đỉnh điểm là xảy ra phản ứng lao động tập thể. Các vụ phản ứng này thường liên quan đến việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng, nâng lương định kỳ hằng năm, nợ lương, cải thiện chất lượng bữa ăn ca... Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công đoàn cấp trên đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền và cơ quan chức năng đến làm việc với các DN. Theo đó, các DN đã giải quyết kiến nghị của NLĐ theo quy định của pháp luật và  NLĐ đã trở lại làm việc bình thường.

Theo LĐLĐ tỉnh, trong thời gian tới, các CĐCS cần tham gia với người sử dụng lao động tổ chức tốt hội nghị NLĐ, thực hiện quy chế dân chủ, đối thoại định kỳ tại DN và chú trọng nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong DN.

Tại hội nghị giao ban CĐCS khối điện tử, cơ khí mới đây, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hồ Thanh Hồng nhấn mạnh, trong những tháng cuối năm, các cấp Công đoàn cần phối hợp chặt chẽ với chủ DN tăng cường đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại DN, tránh để tranh chấp lao động xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và đời sống NLĐ.

Bên cạnh đó, để hạn chế ngừng việc tập thể, đòi hỏi các cán bộ CĐCS cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách của DN đối với NLĐ. Cần đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền các chính sách, Bộ luật Lao động để NLĐ và DN hiểu, hợp tác cùng gắn kết xây dựng quan hệ lao động ổn định.  Đồng thời, cán bộ Công đoàn phải tâm huyết và nhiệt tình trong công tác, gần gũi tiếp xúc với NLĐ, dám đấu tranh để quyền lợi NLĐ được đảm bảo.

Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (TP.Biên Hòa) Phạm Thị Phương cho hay, việc đối thoại với NLĐ là hình thức để DN thể hiện sự lắng nghe và ghi nhận những trăn trở, khúc mắc của NLĐ để cải thiện kịp thời. Tại DN chị công tác, hằng quý đều tổ chức đối thoại định kỳ để ghi nhận và giải quyết những kiến nghị của NLĐ. Thông qua đó, DN và NLĐ hiểu nhau, NLĐ tin tưởng, tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sáng tạo để làm ra sản phẩm ngày càng tốt hơn cho DN.

Còn theo Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) Lê Nhật Trường, hiện nhu cầu về nhà ở, sinh hoạt văn hóa, tinh thần của NLĐ là rất lớn, nhưng tỷ lệ được đáp ứng còn rất hạn chế. Vì vậy, CĐCS cần tập hợp ý kiến NLĐ, thương thượng với chủ DN để có nhiều chính sách cải thiện. Nếu môi trường làm việc tốt, chắc hẳn NLĐ sẽ yên tâm làm việc và quan hệ lao động trở nên bền chặt hơn. Khi đối thoại với NLĐ, DN nên để NLĐ thoải mái phát biểu ý kiến và khuyến khích họ góp ý để sửa đổi chứ không nên ngó lơ hoặc không tiếp thu. Nếu làm được như vậy, chắc chắn DN sẽ được rất nhiều thứ hơn là mất. NLĐ sẽ là nguồn lực vốn quý tạo ra của cải, vật chất, giúp DN đứng vững trên thương trường.

Chủ tịch LĐLĐ H.Trảng Bom Lê Đức Thụy cho hay, những tháng cuối năm dễ xảy ra mâu thuẫn trong quan hệ lao động liên quan đến lương, thưởng và các chế độ, chính sách, vì vậy, các cấp Công đoàn cần có kế hoạch hoạt động cụ thể để thực hiện tốt chức năng của mình, ổn định quan hệ lao động. Đồng thời, đẩy mạnh các phong trào thi đua sáng kiến, sáng tạo góp phần cùng DN khắc phục khó khăn, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ.

Lan Mai

Tin xem nhiều