Báo Đồng Nai điện tử
En

Chú trọng tuyên truyền, ổn định tư tưởng người lao động

10:06, 01/06/2020

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp Công đoàn tỉnh quan tâm thực hiện trong thời gian tới, đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ổn định tâm lý đoàn viên, người lao động (NLĐ).

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp Công đoàn tỉnh quan tâm thực hiện trong thời gian tới, đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ổn định tâm lý đoàn viên, người lao động (NLĐ).

Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh tập huấn pháp luật lao động cho công nhân tại Công ty TNHH Jooco ViNa (H.Trảng Bom). Ảnh: L.Mai
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh tập huấn pháp luật lao động cho công nhân tại Công ty TNHH Jooco ViNa (H.Trảng Bom). Ảnh: L.Mai

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, để việc tuyên truyền có chiều sâu, mang lại hiệu quả, các cấp Công đoàn sẽ bám sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp (DN), từ đó có phương pháp tuyên truyền phù hợp với thực tế, giúp đoàn viên, NLĐ dễ hiểu, dễ tiếp cận và nâng cao nhận thức để sống và làm việc đúng quy định pháp luật.

* Cần tuyên truyền sâu sát ở cơ sở

Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Như Ý, việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và ổn định tâm lý NLĐ có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng quan hệ lao động ổn định và tiến bộ tại DN. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các buổi tuyên truyền chính sách pháp luật trực tiếp cho NLĐ tại các DN phải dừng lại để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Mặc dù các cấp Công đoàn đã nhanh nhạy tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhưng ở nhiều DN, NLĐ tiếp nhận thông tin còn hạn chế, đặc biệt là những thông tin không chính xác trên các trang mạng không chính thống dẫn đến tâm lý hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm.

Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ổn định tâm lý trong công nhân ở các DN. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, LĐLĐ tỉnh đề nghị các chủ DN tạo điều kiện để công tác tuyên truyền pháp luật cho NLĐ thật sự mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm chuyển biến về ý thức chấp hành pháp luật trong NLĐ.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) Lê Nhật Trường cho biết, DN có số lượng lao động khoảng 25 ngàn người, nếu không ổn định tâm lý, thông tin, tuyên truyền, định hướng cho NLĐ những chính sách kịp thời, rất dễ xảy ra xung đột, mâu thuẫn. Chẳng hạn như trong thời điểm dịch bệnh vừa qua, một số lao động thiếu hiểu biết đã đăng lên trang cá nhân thông tin sai sự thật về việc DN có chuyên gia người nước ngoài bị nhiễm bệnh Covid-19. Thông tin này nếu không được can thiệp kịp thời sẽ làm cho tập thể lao động vô cùng hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự, quan hệ lao động và việc sản xuất tại DN.

“Tôi nghĩ rằng các cấp Công đoàn cần có những buổi tuyên truyền sâu sát ở cơ sở, định hướng cho NLĐ thường xuyên để họ nắm bắt nhanh, qua đó nâng cao nhận thức và hành động của mình. Bởi NLĐ thường không lường trước những việc mình làm, chỉ khi sự việc xảy ra mới cảm thấy mình mất nhiều thứ, như bị ngành chức năng xử phạt, ảnh hưởng công việc, thu nhập và đời sống”- ông Lê Nhật Trường cho hay.

Tương tự, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) cho rằng, với những DN tập trung đông lao động, việc đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách rất cần thiết, mang tính lâu dài. Bên cạnh đó, những thông báo do Công đoàn và DN phát hành phải rõ ràng để NLĐ hiểu, nắm bắt và cùng thực hiện, tránh tình trạng hiểu sai vấn đề dẫn đến mâu thuẫn. Chẳng hạn, khi ban hành một chính sách mới hoặc các văn bản, chỉ thị của Nhà nước về các chế độ, chính sách liên quan đến NLĐ, cán bộ Công đoàn phải giải thích rõ để họ dễ hiểu. Bởi khi NLĐ am hiểu pháp luật lao động, có ý thức chấp hành pháp luật tốt, sẽ xác định được trách nhiệm của mình trong công việc hằng ngày.

Cũng theo ông Tú, hiện tại, DN ít nhiều bị ảnh hưởng đến sản xuất do dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, CĐCS và DN đang nỗ lực đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ. Vì vậy, NLĐ nên tỉnh táo tiếp nhận các thông tin bên ngoài để không ảnh hưởng đến bản thân mình, đồng thời tích cực làm việc để cùng DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

Chủ tịch LĐLĐ H.Trảng Bom Lê Đức Thụy cho hay, việc xác định đúng nhu cầu của NLĐ sẽ giúp công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, tránh được trình trạng tuyên truyền thiếu trọng tâm. Cụ thể, như việc tuyên truyền về cách tiếp cận thông tin, những tệ nạn xã hội hoặc việc thực hiện các quy định tại DN... Các cấp Công đoàn cần lồng ghép với việc tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, dư luận trong công nhân. Từ đó những kiến nghị, đề xuất của NLĐ được kịp thời giải đáp, quyền và lợi ích hợp pháp được đảm bảo, NLĐ sẽ giữ vững lập trường, yên tâm làm việc.

* Đổi mới các hình thức tuyên truyền

Tại chương trình Điểm hẹn công nhân do LĐLĐ tỉnh tổ chức mới đây, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bảo nhấn mạnh, để xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh, tổ chức Công đoàn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho đoàn viên, NLĐ. Quan tâm đến việc đào tạo nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn tay nghề NLĐ để tạo hiệu quả, năng suất công việc, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đối với NLĐ, cần dành thời gian tìm hiểu, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật lao động, nâng cao ý thức, kỷ luật lao động nhằm xây dựng lối sống tích cực, lành mạnh.

Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) Lê Nhật Trường cho rằng, việc đổi mới công tác giáo dục, tuyên truyền cho NLĐ sẽ giúp NLĐ có ý thức hơn trong việc tham gia các phong trào thi đua, lao động sản xuất, xây dựng DN đạt chuẩn văn hóa. Không chỉ tuyên truyền miệng, bằng văn bản mà qua các buổi giao lưu, tọa đàm, hội thi văn nghệ, thể thao, tìm hiểu pháp luật, bảo vệ môi trường... Đây là các hình thức mang lại hiệu quả cao vì không những truyền tải kiến thức pháp luật mà còn tạo sân chơi lý tưởng, nâng cao đời sống tinh thần NLĐ.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bảo cũng cho rằng, do đặc thù của NLĐ là làm việc theo ca, dây chuyền sản xuất, nên ít có điều kiện tập trung để tuyên truyền. Vì vậy, việc đổi mới và có nhiều hình thức tuyên truyền sẽ giúp cho NLĐ tiếp cận thông tin nhanh hơn. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, NLĐ hiểu và nhận thức đúng đắn về lập trường, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Theo các cán bộ CĐCS, việc đổi mới các hình thức tuyên truyền kịp thời sẽ mang lại hiệu quả rất cao. Chẳng hạn như đầu tháng 4 vừa qua, xuất hiện tình trạng nhiều đối tượng thu mua bảo hiểm xã hội một lần của NLĐ diễn ra tại tỉnh Bình Dương. Ở Đồng Nai, tuy chưa có tình trạng này nhưng các cấp Công đoàn đã kịp thời khuyến cáo NLĐ không thực hiện mua bán, cầm cố, thế chấp sổ BHXH ảnh hưởng quyền lợi và thiệt thòi cho bản thân về lâu dài. Bên cạnh đó, truyền thông rộng rãi tới NLĐ các quy định về tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động để NLĐ lựa chọn phương án phù hợp, đảm bảo quyền lợi, hạn chế tình trạng viết đơn thôi việc do bị tác động. Cùng với đó, thông tin về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để NLĐ cảnh giác, không sa vào dưới mọi hình thức.

Tuy nhiên, cùng với việc tuyên truyền của các cấp Công đoàn, NLĐ cần phải tự giác học tập, nâng cao trình độ, chuyên môn, nhận thức, chấp hành tốt pháp luật về lao động, không nghe theo những phần tử xấu xúi giục ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của mình. Bên cạnh đó, rèn luyện đạo đức, lối sống, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao.

Lan Mai

Tin xem nhiều