Báo Đồng Nai điện tử
En

Công nhân tích cực phát huy sáng kiến, sáng tạo

04:11, 11/11/2019

Năm 2019, phong trào thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật được đông đảo công nhân lao động (CNLĐ) tích cực hưởng ứng tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm trong thời kỳ hội nhập.

Năm 2019, phong trào thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật được đông đảo công nhân lao động (CNLĐ) tích cực hưởng ứng tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm trong thời kỳ hội nhập.

Công nhân Nguyễn Trọng Đức, làm việc tại Công ty cổ phần công nghiệp chính xác Việt nam (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) bên sáng kiến thay kẹp sắt bằng van hơi. Ảnh:L.Mai
Công nhân Nguyễn Trọng Đức, làm việc tại Công ty cổ phần công nghiệp chính xác Việt nam (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) bên sáng kiến thay kẹp sắt bằng van hơi. Ảnh:L.Mai

20 năm gắn bó với Nhà máy Bibica Biên Hòa (Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1), anh Võ Văn Thành, Tổ trưởng tổ điện đã đóng góp hàng chục sáng kiến lớn nhỏ làm lợi cho DN. Những sáng kiến của anh không chỉ góp phần tiết kiệm nguyên liệu, bảo vệ môi trường, giảm nhân công mà còn đẩy nhanh quá trình sản xuất sản phẩm tại DN.

* Những sáng kiến làm lợi cho DN

Là công nhân, anh Võ Văn Thành đã nỗ lực trở thành tấm gương sáng về tác phong làm việc cũng như sự năng động, đổi mới trong công việc, cùng DN ổn định sản xuất. Trong đó, 2 sáng kiến nổi bật của anh là: công trình tự chế tạo và lắp đặt máy hàn bấm được sử dụng gia công và hàn các chi tiết có độ dày mỏng nhất là inox; công trình tự chế tạo xe nâng hàng pallet lên container, tạo sự linh hoạt trong quá trình vận chuyển hàng, đã tiết kiệm cho DN 1,2 tỷ đồng/năm.

Anh Nguyễn Quốc Thuận, “cây sáng kiến” Công ty TNHH Pousung Vina (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) cho hay: “Chúng tôi mong muốn từ các sáng kiến của công nhân, DN có chế độ phúc lợi và khen thưởng tương xứng để tạo động lực cho CNLĐ tiếp tục phát huy tay nghề, nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Theo anh Thành, để cho ra đời một sáng kiến tốt, đạt được chất lượng cao, ngay từ khâu lên ý tưởng và thiết kế trên bản vẽ, phải chú thích được những hiệu quả của sáng kiến đó phù hợp với quá trình sản xuất. Khi một sáng kiến thử nghiệm thành công, anh cùng với phòng kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn cách sử dụng cho các tổ trưởng để hướng dẫn cho công nhân làm theo.

Còn công nhân Nguyễn Thành Phương, làm việc tại Công ty TNHH may mặc United Sweethearts Việt Nam (KCN Nhơn Trạch 1) là người nhanh nhẹn, năng động trong công việc. Anh luôn tự mày mò, tìm hiểu, nắm bắt công nghệ hiện đại để kịp thời kiến nghị cùng với DN đầu tư nhằm đảm bảo tình hình sản xuất, đạt được những yêu cầu về chất lượng và thay thế công nhân làm việc, giảm được các chi phí và tiền thuê nhân công.

Theo anh Phương, năm 2018 công ty mở rộng sản xuất tăng thêm 30 chuyền may nhưng thiếu thợ cắt nên anh đề nghị với DN đầu tư máy cắt tự động, anh là người xung phong đi học lớp cắt, sau đó đảm nhận cắt tự động và hướng dẫn cho đồng nghiệp cùng làm. Sáng kiến này giúp DN giảm được nhân công, tiết kiệm chi phí trả công 120 ngàn USD/năm. Anh Phương chia sẻ: “Tôi luôn suy nghĩ dù là công nhân nhưng biết tìm tòi và phát huy thế mạnh của mình thì sẽ có nhiều cơ hội để thăng tiến trong công việc”.

Với công nhân trẻ Nguyễn Trọng Đức làm việc tại Công ty cổ phần công nghiệp Chính Xác Việt Nam (VPIC, KCN Hố Nai, huyện Trảng Bom), sáng kiến thay kẹp sắt bằng van hơi tại các máy hàn tự động đã tiết kiệm chi phí 55 triệu đồng/tháng cho DN. Khi thay dùng kẹp sắt ở các máy cắt bằng các van hơi, máy hoạt động nhẹ nhàng hơn, các tiếng động tạo ra trong quá trình cắt sắt không còn ồn ào như trước.

* Cần có chế độ khen thưởng hợp lý

Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Nông Văn Dũng nhận định, việc đẩy mạnh các phong trào thi đua trong công nhân có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo ra động lực và sức mạnh để góp phần hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, để phong trào thi đua cải tiến trong công nhân đạt được hiệu quả, các DN cần tiếp tục quan tâm chú trọng đến khen thưởng, động viên những CNLĐ trực tiếp phát huy sáng kiến, sáng tạo góp phần giảm sức lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, trong 9 tháng của năm 2019, đã có trên 1.200 sáng  kiến, cải tiến sản phẩm của CNLĐ, làm lợi cho các DN với tổng giá trị trên 60 tỷ đồng. Có 4 cá nhân được tặng bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 2 cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Một thực tế là hiện nay, nhiều DN rất xem trọng đến chất lượng sản phẩm và lợi nhuận, tuy nhiên lại chưa chủ động chăm lo, đẩy mạnh các chính sách khen thưởng CNLĐ, đặc biệt công nhân có tay nghề, nhanh nhạy trong công việc. Nếu DN biết tận dụng, sử dụng chất xám đúng lúc và khen thưởng thỏa đáng thì đội ngũ lao động có tay nghề, tích cực sáng tạo trong DN là lực lượng nòng cốt giúp DN duy trì sản xuất và phát triển ổn định. Đây cũng là cách để DN “giữ chân” các nhân lực giỏi mà khó có máy móc hiện đại nào thay thế được họ.

Anh Nguyễn Quốc Trung, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH hóa chất LG Vina (KCN Gò Dầu, huyện Long Thành) cho hay, những đóng góp của CNLĐ trong từng sáng kiến vô cùng quan trọng với DN. Tại DN nơi anh công tác, chính sách khen thưởng rất rõ ràng, có thưởng “nóng”, thưởng tháng và quý dựa vào quy mô, giá trị các sáng kiến của CNLĐ, đặc biệt các sáng kiến bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn lao động cho công nhân. Ngoài ra, dịp cuối năm, DN luôn có chế độ thưởng cao hơn so với các DN để “giữ chân” và tri ân những nỗ lực, sự góp sức, chung tay của tập thể lao động trong một năm qua.

Trong khi đó, đại diện Phòng Nhân sự Công ty TNHH Soltec Việt Nam (KCN Nhơn Trạch 3) cho hay, hiện nay DN đang rất vất vả để tìm kiếm lao động có tay nghề, lao động kỹ thuật cao phục vụ cho ngành cơ khí. Dù đã đưa ra các phúc lợi tốt và động viên công nhân giới thiệu người thân vào làm việc sẽ được thưởng 1 triệu đồng/trường hợp nhưng vẫn khan hiếm. Vì thế, nếu các DN đang có lực lượng lao động có tay nghề nên có phúc lợi tốt và có mức thưởng cao để ghi nhận những đóng góp của họ.

Thời gian qua, đã có nhiều DN tri ân những đóng góp to lớn của CNLĐ trong những đề tài sáng kiến bằng cách nâng lương, tăng tiền thưởng, cho đi du lịch hoặc sắp xếp vào các bộ phận chủ chốt. Tuy nhiên, những phần thưởng đó chưa đủ tương xứng với công sức, trí tuệ CNLĐ bỏ ra.

Anh Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần An Phú Thịnh (xã An Phước, huyện Long Thành) cho hay, các DN nên có cơ chế khen thưởng cao để khuyến khích CNLĐ ngày càng phát huy thế mạnh, năng lực của mình. Vì trong một dây chuyền sản xuất, nếu hư hỏng một công đoạn nào đó, chỉ có công nhân mới phát hiện ra và sửa chữa kịp thời. CNLĐ đóng vai trò rất quan trọng, không những tạo ra của cải vật chất mà còn giúp các DN sản xuất bền vững.

Lan Mai

Tin xem nhiều