Báo Đồng Nai điện tử
En

Tỏa sáng giá trị Đề cương về văn hóa Việt Nam

07:03, 01/03/2023

Tháng 2-1943, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh chấp bút. Đây là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, xác lập văn hóa là một trong 3 mặt trận: chính trị, kinh tế, văn hóa.

Tháng 2-1943, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh chấp bút. Đây là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, xác lập văn hóa là một trong 3 mặt trận: chính trị, kinh tế, văn hóa. 80 năm qua, trải qua nhiều biến động của lịch sử nhưng những giá trị của đề cương vẫn còn nguyên vẹn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.

Tại hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ VH-TTDL tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 thực sự là kim chỉ nam cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn để Đảng ta xác định rõ những hướng đi cho văn hóa. Chỉ 3 năm sau ngày đề cương ra đời, từ điểm tựa lý luận của văn kiện này, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (ngày 24-11-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc thông qua lời khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

Sau năm 1975, nhất là khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, từ ánh sáng của Đề cương về văn hóa Việt Nam, Đảng tiếp tục đưa ra những quan niệm toàn diện hơn, bao quát hơn về văn hóa. Trong đó, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước đã khẳng định mục tiêu “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.

Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, đây vẫn là một trong những vấn đề cơ bản của đất nước giai đoạn mới. Muốn phát triển bền vững đất nước, không chỉ văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội, mà phải xây dựng và phát triển văn hóa, con người - tạo sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa lần thứ 2 (tháng 11-2021) đã nhắc đi nhắc lại rằng “văn hóa còn là dân tộc còn. Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc”. Vì vậy, cần khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người dân Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

80 năm trôi qua nhưng những giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn tỏa sáng, tiếp tục là cương lĩnh soi rọi cho đất nước phát triển, hội nhập, thể hiện rõ bản lĩnh và khí chất của văn hóa, con người Việt Nam…

Minh Ngọc

Tin xem nhiều