Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiểm tra nồng độ cồn cần thường xuyên, liên tục

08:03, 02/03/2023

Theo Công an tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, vi phạm về nồng độ cồn vẫn chiếm một phần không nhỏ trong các vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện.

Theo Công an tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, vi phạm về nồng độ cồn vẫn chiếm một phần không nhỏ trong các vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) được phát hiện. Qua đó cho thấy còn nhiều người bất chấp quy định pháp luật về ATGT, vẫn điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia. Hành vi này thực sự rất nguy hiểm, coi thường sức khỏe, tính mạng của chính mình và cộng đồng.

Còn nhớ, khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30- 12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, lực lượng chức năng đã thường xuyên ra quân kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn. Chính mức xử phạt hành chính đối với vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông rất cao đã khiến nhiều người không dám điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia.

Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, công tác kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng cảnh sát giao thông cũng bị gián đoạn, hạn chế. Vì vậy, nhiều người dù biết việc điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia là hành vi nguy hiểm và bị xử phạt rất cao nhưng vẫn vi phạm, vì công tác kiểm tra nồng độ cồn trên các tuyến đường không được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Do đó, để thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia thì không lái xe, một trong những giải pháp quan trọng là công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn cần thường xuyên, liên tục, không chỉ vào các cao điểm lễ, Tết hay những ngày cuối tuần. Theo đó, cần tăng cường các chốt kiểm tra diện rộng vi phạm về trật tự ATGT, trong đó có vi phạm nồng độ cồn, ma túy. Việc xử phạt phải thật nghiêm và không có ngoại lệ thì mới đủ sức răn đe. Từ đó tác động tích cực đến ý thức của người tham gia giao thông phải chấp hành quy định pháp luật về giao thông; hạn chế thói quen đã uống rượu, bia mà vẫn tham gia giao thông.

Để giảm các vi phạm nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, rất cần sự vào cuộc thường xuyên, liên tục từ các cơ quan chức năng và sự chung tay của toàn xã hội. Một khi ý thức tuân thủ pháp luật giao thông của người tham gia giao thông ngày càng nâng cao thì chắc chắn các vi phạm pháp luật về giao thông, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn sẽ giảm mạnh, hạn chế các nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông, từng bước lập lại trật tự ATGT trên địa bàn.

Đặng Ngọc

Tin xem nhiều