Báo Đồng Nai điện tử
En

Quản lý chặt để ổn định giá hàng hóa

07:02, 11/02/2023

Từ nhiều năm nay, mỗi khi giá xăng, dầu trên thị trường được điều chỉnh tăng 2-3 lần liên tiếp thì ngay sau đó, nhiều mặt hàng, dịch vụ cũng rục rịch tăng giá theo.

Từ nhiều năm nay, mỗi khi giá xăng, dầu trên thị trường được điều chỉnh tăng 2-3 lần liên tiếp thì ngay sau đó, nhiều mặt hàng, dịch vụ cũng rục rịch tăng giá theo. Đáng nói, có những mặt hàng ít chịu tác động từ giá xăng, dầu nhưng khi xăng dầu giảm giá lại có rất ít hàng hóa trên thị trường được điều chỉnh giảm. Theo đánh giá của nhiều người tiêu dùng, hàng hóa đã tăng giá sẽ luôn được giữ ở mức cao, rất khó hạ.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, giá các mặt hàng, dịch vụ tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến người dân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước. Do đó, các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện, xã đã có giải pháp thực hiện quản lý chặt chẽ các mặt hàng theo thẩm quyền. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường, yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải thực hiện kê khai giá, niêm yết giá và công khai thông tin về giá cả từng mặt hàng. Nếu phát hiện các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các địa phương triển khai các chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Mời gọi các DN sản xuất, siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng trên địa bàn ký kết tham gia chương trình bình ổn giá. Như vậy, khi thị trường có những biến động bất thường, do một số đối tượng cố tình găm hàng đẩy giá lên cao sẽ có nguồn hàng dự trữ, tránh được tình trạng khan hàng giả, gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, tỉnh và các huyện, thành phố nên xây dựng kịch bản điều hành giá, lường trước những tình huống xấu để có giải pháp ứng phó phù hợp. Công tác tuyên truyền, công khai minh bạch về giá các sản phẩm để kiểm soát lạm phát cũng cần được chú trọng. Và tăng cường giám sát để ngăn chặn những thông tin không đúng sự thật khiến người tiêu dùng hoang mang, gây bất ổn cho thị trường.

Để nguồn cung và giá cả hàng hóa ổn định, các địa phương cần tập trung tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của DN. Tạo điều kiện thuận lợi để DN hoạt động, lưu thông, phân phối hàng hóa ổn định sẽ có nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Khi thị trường có biến động lớn về giá, các địa phương có thể đề xuất tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, bình ổn giá phù hợp.

Ngoài những nỗ lực của tỉnh, các huyện, thành phố thì cần chính sách kịp thời từ Trung ương để ổn định, kiểm soát tốt giá cả hàng hóa. Cụ thể, Bộ Công thương có những chính sách phù hợp trong quản lý, điều hàng giá xăng, dầu. Theo dõi dự báo giá xăng, dầu thế giới để có phương án điều hành trong nước phù hợp. Trong các kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu hàng tháng nên tránh có những biến động lớn để không gây tác động đến giá hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.

                                            Hương Giang

Tin xem nhiều