Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực hiện sứ mệnh "đi trước, mở đường"…

03:08, 01/08/2022

Trong thế giới phẳng như hiện nay, việc thực hiện công tác Tuyên giáo của Đảng có khó không? Câu trả lời là khó, rất khó bởi nếu công tác Tuyên giáo không "đi trước, mở đường" sẽ không thực hiện được sứ mệnh của mình cùng với quốc gia, dân tộc đạt được những mục tiêu phát triển.

Trong thế giới phẳng như hiện nay, việc thực hiện công tác Tuyên giáo của Đảng có khó không? Câu trả lời là khó, rất khó bởi nếu công tác Tuyên giáo không “đi trước, mở đường” sẽ không thực hiện được sứ mệnh của mình cùng với quốc gia, dân tộc đạt được những mục tiêu phát triển. Vì vậy, hơn lúc nào hết, ngành Tuyên giáo phải tích cực đổi mới, chủ động, linh hoạt để thích ứng nhằm đáp ứng yêu cầu tốt nhất của công cuộc đổi mới, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay.

Có thể thấy, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các thế lực thù địch ngày càng có nhiều chiêu trò để phá hoại Đảng, Nhà nước ta. Trong đó, phá hoại về thông tin đã và đang là một thách thức lớn nhằm xuyên tạc, phủ nhận những thành quả cách mạng, thành tựu mà đất nước ta đã đạt được suốt thời gian qua. Chúng tìm mọi cách để làm nhiễu thông tin, gieo rắc những thông tin sai sự thật bằng nhiều kênh khác nhau, nhất là trên mạng xã hội.

Chính vì thế, để định hướng được dư luận, đặc biệt là giới trẻ, đòi hỏi công tác Tuyên giáo phải đánh trúng, đánh đúng những nội dung trọng tâm bằng lập luận sắc sảo, thuyết phục, sinh động… Kiểu tuyên truyền một chiều, nhiều lý thuyết, ít thực tiễn không còn phù hợp trong thời đại 4.0 hiện nay.

Hay ngay cả việc tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết, chỉ thị của Đảng cũng không còn đơn thuần là cung cấp y nguyên nghị quyết, chỉ thị ấy đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Bởi, nếu giữ nguyên cách truyền đạt ấy, tỷ lệ người nghe sẽ rất ít, chất lượng lại không cao. Tuyên truyền viên, báo cáo viên phải thực sự là những chuyên gia, có khả năng phân tích, đánh giá, so sánh giữa các chỉ thị, nghị quyết và thực tiễn quá trình triển khai những chỉ thị, nghị quyết ấy trong cuộc sống. Có như thế, người nghe mới cảm thấy thú vị, hấp dẫn và không còn xem việc học, nghiên cứu chỉ thị, nghị quyết là khô khan, đơn điệu.

Đặc biệt, trong công tác tham mưu, ngành Tuyên giáo phải thực sự là cánh tay nối dài của cấp ủy về công tác tư tưởng. Bởi, như phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: “Trong tình hình hiện nay, nếu Đảng ta không vững vàng về chính trị, tư tưởng; không chặt chẽ, hiệu quả về bộ máy tổ chức; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không được nhân dân tin tưởng và ủng hộ thì Đảng ta không thể tồn tại chứ đừng nói đi lên và phát triển”. Điều này cho thấy trách nhiệm to lớn nhưng cũng vô cùng nặng nề của công tác Tuyên giáo trong tình hình mới.

Do đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của công tác Tuyên giáo là: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Thực tiễn hoạt động của ngành Tuyên giáo thời gian qua đã cho thấy những nỗ lực đổi mới, ngày càng khẳng định được vai trò định hướng tư tưởng chính trị, tạo sự thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Nguyễn Phượng

Tin xem nhiều