Báo Đồng Nai điện tử
En

Lo chỗ ở cho dân trước khi làm dự án

07:08, 13/08/2022

Theo Sở TN-MT, giai đoạn 2015-2021, Đồng Nai phải hủy hơn 990 dự án với diện tích hơn 8,3 ngàn ha do quá thời hạn mà chưa triển khai. Một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án chậm triển khai dẫn đến bị hủy bởi công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài, thiếu các khu tái định cư (TĐC) cho người dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án.

Theo Sở TN-MT, giai đoạn 2015-2021, Đồng Nai phải hủy hơn 990 dự án với diện tích hơn 8,3 ngàn ha do quá thời hạn mà chưa triển khai. Một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án chậm triển khai dẫn đến bị hủy bởi công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài, thiếu các khu tái định cư (TĐC) cho người dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án.


Có thể nói, việc bồi thường, bố trí TĐC cho người dân có đất bị thu hồi là một trong những điều kiện quyết định đến tiến độ triển khai dự án. Pháp luật quy định rõ, người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất ngoài việc được bồi thường theo quy định của Luật Đất đai còn được xem xét hỗ trợ TĐC khi phải di chuyển chỗ ở. UBND cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án TĐC trước khi thu hồi đất. Khu TĐC tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền. Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu TĐC. Trung ương còn quy định các điều kiện sống ở nơi TĐC phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Những người bị thu hồi đất chấp nhận số tiền bồi thường và được bố trí TĐC thì mới chuyển đến nơi ở mới và bàn giao đất để chủ đầu tư triển khai dự án.

Thực tế triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, nhiều dự án không thể triển khai, bị chậm tiến độ do vướng mắc ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng và bố trí TĐC. Việc triển khai dự án bị chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, những người có đất bị thu hồi cũng bị ảnh hưởng đến cuộc sống do đất đai, nhà cửa nằm trong vùng quy hoạch, thuộc diện phải di dời nên nhà cửa xuống cấp không thể sửa, xây mới; đất đai không thể đầu tư sản xuất vì vướng quy hoạch…

Để tháo gỡ “điểm nghẽn” bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí TĐC, thời gian qua tỉnh đã sáng tạo khi tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, TĐC thành tiểu dự án đối với một số dự án. Theo đó, UBND tỉnh đã giao UBND cấp huyện làm chủ đầu tư tiểu dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện hoàn thành bàn giao mặt bằng đảm bảo tiến độ dự án. Việc đó giúp đảm bảo cho các địa phương chủ động thực hiện các khâu trong công tác bồi thường, hỗ trợ và TĐC, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Bên cạnh đó, các khu TĐC được xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và tốt hơn nơi ở cũ, góp phần ổn định cuộc sống của người dân tại nơi ở mới.

Đặc biệt, tại buổi tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X tại P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết quan điểm của tỉnh là phải có TĐC trước mới được thu hồi đất của người dân. Việc TĐC phải tính toán đến điều kiện sống, phát triển đô thị xung quanh khu vực và hướng tới đô thị tái định cư, chứ không như các khu TĐC thiếu hạ tầng xã hội như hiện nay.

Những điều đó khiến các hộ dân có đất bị thu hồi cảm nhận được sự quan tâm của chính quyền đối với mình nên đồng thuận bàn giao đất để triển khai dự án.

Phạm Mai

Tin xem nhiều