Báo Đồng Nai điện tử
En

Để không lãng phí nguồn lao động có tay nghề

03:07, 22/07/2022

Thường vào dịp cuối năm và sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh lại rơi vào thực trạng thiếu lao động, đặc biệt là lao động phổ thông.

Thường vào dịp cuối năm và sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh lại rơi vào thực trạng thiếu lao động, đặc biệt là lao động phổ thông. Tại các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai tổ chức thời gian gần đây cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông của các DN thường chiếm tỷ lệ rất cao. Thế nhưng, dù DN áp dụng nhiều biện pháp, chạy đôn chạy đáo nhiều nơi tuyển dụng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề, trình độ từ trung cấp trở lên của nhiều DN lại chiếm tỷ lệ khá thấp.

Nguyên nhân của sự thiếu hụt lao động phổ thông đã được chỉ ra là do DN trả lương thấp nên người lao động nghỉ việc để xin vào làm ở DN khác có thu nhập cao hơn; nhiều lao động từ địa phương khác đến Đồng Nai sau thời gian làm việc không dư dả được nhiều để lo cho gia đình nên đã về quê tìm việc khác. Cũng có những DN cố tình không tuyển lao động có trình độ, tay nghề cao để không phải trả mức lương cao; trong khi tuyển lao động phổ thông vào đào tạo thời gian ngắn là có thể đáp ứng yêu cầu công việc vốn đơn giản, chẳng cần tay nghề cao…

Sự chênh lệch quá lớn giữa nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông và lao động có trình độ, tay nghề cũng cho thấy việc ứng dụng khoa học công nghệ, trang bị máy móc hiện đại vào dây chuyền sản xuất của DN chưa được chú trọng đầu tư nhiều, DN vẫn còn sử dụng nhiều lao động chân tay. Đáng lo ngại hơn khi điều đó dẫn tới việc lao động có tay nghề sẽ không có việc làm, lãng phí một lượng lớn lao động vốn được đào tạo bài bản, tốn kém nhiều tiền của, thời gian và công sức đào tạo, học hành. Đặc biệt là với tỉnh Đồng Nai, nơi có hơn 60 cơ sở đào tạo nghề, từ nhiều năm nay, nhiều cơ sở đã áp dụng chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài, máy móc thực hành hiện đại… Điều đáng quan tâm nữa là chủ trương ưu tiên mời gọi DN có hàm lượng khoa học công nghệ cao, sản xuất thân thiện với môi trường, ít sử dụng lao động của tỉnh thời gian qua có thể ít nhiều bị ảnh hưởng.

Thực tế đó đặt ra nhiều vấn đề không chỉ với người lao động mà còn với các cơ sở đào tạo nghề, với chính mỗi DN và với chính quyền địa phương. Theo đó, người lao động phải tranh thủ học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng để có cơ hội làm việc tốt, lương cao; các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh phải tính toán đào tạo lao động chất lượng cao nhằm gia tăng giá trị lao động, quan hệ chặt chẽ với DN trong xây dựng chương trình đào tạo, đảm bảo học viên ra trường có việc làm ngay đạt tỷ lệ cao; các DN cần phải đầu tư máy móc hiện đại, hàm lượng công nghệ cao, sử dụng ít lao động để không phải lâm vào cảnh thiếu hụt lao động.

Đặc biệt, dưới góc độ quản lý nhà nước, tỉnh cần tiếp tục chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, mạnh dạn nói không với nhà đầu tư có công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều lao động; ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động để gia tăng giá trị lao động, đồng thời giảm bớt những gánh nặng cho công tác an sinh xã hội.

Phạm Mai

Tin xem nhiều