Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để thủ tục ''ngáng chân'' dòng vốn

12:06, 24/06/2022

Số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng, xuất khẩu tăng mạnh, xuất siêu đạt kỷ lục, nhưng thu hút đầu tư trong và ngoài nước 5 tháng đầu năm 2022 của Đồng Nai không như mong đợi.

Số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng, xuất khẩu tăng mạnh, xuất siêu đạt kỷ lục, nhưng thu hút đầu tư trong và ngoài nước 5 tháng đầu năm 2022 của Đồng Nai không như mong đợi. Đặc biệt, thu hút đầu tư trong nước giảm rất mạnh; trong 5 tháng qua chỉ bằng 3,4% so với cùng kỳ năm trước (390 tỷ đồng so với trên 11 ngàn tỷ đồng cùng kỳ năm 2021).

Đi sâu vào “bóc tách” nguyên nhân, đại diện một số sở, ngành liên quan cho rằng, 2 lý do khiến dòng vốn đầu tư trong nước đạt thấp là vướng mắc, chậm trễ ở các thủ tục (chủ yếu liên quan đến đất đai) và diện tích đất cho thuê trong các khu công nghiệp không còn được bao nhiêu.

Cụ thể, Sở KH-ĐT cho rằng, nhiều DN trong nước đăng ký triển khai dự án tại Đồng Nai nhưng vì vướng các thủ tục liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng... khiến nhiều DN “có tiền trong két mà không thể triển khai”.

Đơn cử, các thủ tục đất đai luôn là những thủ tục làm nản lòng nhà đầu tư nhiều nhất. Trên lý thuyết, dưới sự chỉ đạo gắt gao của Chính phủ, của tỉnh, cải cách hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hay đăng ký đầu tư thực hiện dự án vẫn được thực hiện đều. Tuy nhiên, khi vào vai DN đầu tư dự án mới thấy rất khó để đẩy nhanh các thủ tục liên quan đến đất đai: chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đo vẽ, chuyển mục đích sử dụng đất, thẩm định nhu cầu sử dụng đất… và đặc biệt, vào những kỳ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất hay bổ sung danh mục kế hoạch sử dụng đất, nhà đầu tư còn phải chờ lâu hơn. Ví dụ, trong các dự án có sử dụng đất lúa, đất rừng, các chủ đầu tư phải chuyển đổi và thời gian hoàn tất các thủ tục mất từ 2-3 năm. Cá biệt có những dự án chỉ riêng khâu chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải mất 4-5 năm, thậm chí 7-8 năm. Và nếu quá hạn thực hiện dự án, chủ đầu tư lại phải xin điều chỉnh, xin kéo dài - coi như thêm một lần thủ tục.

Khó mà quy trách nhiệm cho một cá nhân hay tổ chức nào về những chậm trễ nói trên, bởi nó đều được quy định bởi các luật, và nhiều khi các quy định pháp luật lại chồng chéo nhau khiến không ít nhà đầu tư bối rối. Chỉ còn cách là khi va chạm thực tế thì nhà đầu tư kiến nghị lên tỉnh, tỉnh lại tổng hợp rồi đóng góp ý kiến với Trung ương để chỉnh sửa, cập nhật các luật cho phù hợp với tình hình mới. Thực tế, Đồng Nai đã có văn bản gửi Chính phủ đề xuất tháo gỡ những vướng mắc để khơi thông các dự án, đón dòng vốn của DN trong nước, nước ngoài vào phát triển kinh tế - xã hội. Riêng Luật Đất đai, Đồng Nai kiến nghị sửa đổi, bổ sung hơn 60 vấn đề vướng mắc. Ngoài ra, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương hỗ trợ DN nhằm rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư.

Những vướng mắc nói trên không chỉ riêng Đồng Nai gặp phải mà nhiều địa phương phát triển “nóng” về kinh tế cũng gặp. Do đó, hy vọng trong thời gian tới, tình trạng này sẽ được cải thiện và giải quyết để tỉnh đón dòng vốn đầu tư mới theo sức lan tỏa của các dự án hạ tầng lớn đã và đang được triển khai.

Vi Lâm

Tin xem nhiều