Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi mới để phát triển

08:03, 27/03/2022

Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ kéo theo sự gia tăng dân số, phương tiện cá nhân, nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ngày càng tăng thì xu hướng phát triển vận tải hành khách công cộng, trong đó chú trọng loại hình xe buýt là điều tất yếu.

Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ kéo theo sự gia tăng dân số, phương tiện cá nhân, nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ngày càng tăng thì xu hướng phát triển vận tải hành khách công cộng, trong đó chú trọng loại hình xe buýt là điều tất yếu.

Từ năm 2005, Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về phục vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt. Đến nay, mạng lưới xe buýt trong tỉnh cũng như hệ thống kết nối giữa Đồng Nai với địa phương lân cận ngày càng đa dạng, bao phủ rộng khắp góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ở góc độ khách hàng khi lựa chọn xe buýt làm phương tiện chính để đi lại, nhiều người đều đánh giá sự tiện ích của loại hình này như: giá rẻ, lưu thông qua nhiều cung đường, các tuyến có sự giao thoa tạo điều kiện cho người dân di chuyển dễ dàng. Quan trọng hơn, việc khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt còn là giải pháp để giải quyết ùn tắc và tai nạn giao thông đang là vấn đề “nóng” của các đô thị lớn.

Dù xe buýt đã là loại phương tiện đi lại của nhiều người dân nhưng có một thực tế đáng quan tâm là lượng khách sử dụng phương tiện này ngày càng giảm. Một số tuyến xe buýt lâm vào tình trạng ế khách, kém hiệu quả buộc phải ngưng hoạt động. Đây là hệ quả tất yếu của việc thiếu chiến lược, đầu tư bài bản, đồng bộ cho vận tải hành khách bằng xe buýt trong suốt thời gian qua.

Có nhiều nguyên nhân khiến người dân không “mặn mà” với xe buýt như: phương tiện đã cũ kỹ, xuống cấp, thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp, hạ tầng giao thông còn yếu kém, chưa có tuyến buýt kết nối đến các khu vực dân cư... Nhiều địa phương như: TP.Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom khu công nghiệp tập trung dày đặc, tuy nhiên mạng lưới xe buýt chưa thể tiếp cận được. Vì thế, cần xem xét “kéo dài” các tuyến buýt vào sâu trong các khu dân cư đang đô thị hóa, các khu công nghiệp để thu hút thêm người dân, công nhân đi xe buýt nhằm hạn chế xe cá nhân.

Các chuyên gia lĩnh vực giao thông đánh giá, nhu cầu cũng như nguồn lực để phát triển mạnh xe buýt tại Đồng Nai rất lớn. Nâng cao chất lượng phục vụ là yếu tố sống còn, song công việc này còn khá gian nan. Giải pháp căn cơ, dài hơi là đòi hỏi phải xây dựng cầu, đường đồng bộ nhằm tăng thêm diện tích mặt đường cho xe lưu thông. Đối với các đô thị có hạ tầng giao thông hạn chế cần bố trí các loại xe lớn giãn cách vào những giờ thấp điểm, cao điểm sẽ ưu tiên lưu thông bằng xe nhỏ. Như vậy vừa linh động vừa giảm bớt lượng xe cá nhân di chuyển trên đường.

Trong tương lai, khi cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành, hệ thống mạng lưới hạ tầng giao thông như: đường cao tốc, đường sắt đô thị, đường thủy hoàn thiện sẽ nhanh chóng kết nối với sân bay thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Cần xem đây là cơ hội để đổi mới, “lột xác” vận tải hành khách bằng xe buýt. Phát triển hiệu quả loại hình vận tải này sẽ giảm bớt áp lực phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và chi phí xã hội.

Hải Dương

Tin xem nhiều