Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần giải pháp đủ "mạnh" để thúc đẩy giải ngân đầu tư công

10:03, 20/03/2022

Năm 2021 với rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19 (mà cao điểm là thời gian giãn cách xã hội kéo dài đến gần 5 tháng) khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Đồng Nai đạt thấp (61%) so với mục tiêu đề ra (trên 90%).

Năm 2021 với rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19 (mà cao điểm là thời gian giãn cách xã hội kéo dài đến gần 5 tháng) khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Đồng Nai đạt thấp (61%) so với mục tiêu đề ra (trên 90%).

Giải ngân vốn đầu tư công được xem như một trong những trụ cột quan trọng để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Những hậu quả từ dịch bệnh chưa được khắc phục hết thì cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra với nhiều sự biến động về giá cả các mặt hàng nền tảng (dầu, vàng, sắt thép, nguyên vật liệu…) lại tiếp tục đặt nhiều nền kinh tế (trong đó có Việt Nam) vào tình thế khó khăn hơn với nguy cơ lạm phát chực chờ.

Bối cảnh nền kinh tế càng khó khăn, thì càng phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy các dự án quan trọng hoàn thành sớm, mở ra không gian phát triển mới để kinh tế nhanh chóng phục hồi. Chính vì vậy, kéo tỷ lệ giải ngân đầu tư công lên là một trong những mục tiêu chiến lược mà Chính phủ nói chung và tỉnh Đồng Nai đặt ra ngay từ đầu năm 2022, bằng mọi khả năng và biện pháp.

Tuy vậy, kết quả giải ngân 2 tháng đầu năm 2022 của Đồng Nai lại không khả quan như mong đợi, chỉ đạt hơn 5,2% trong khi tỷ lệ bình quân chung cả nước đạt 8,61% kế hoạch. Trong đó, một số địa phương còn đạt tỷ lệ giải ngân 20-30% kế hoạch chỉ trong 2 tháng đầu năm.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã nêu lên 3 nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công gồm: công tác giải phóng mặt bằng, bất cập chính sách và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng còn chậm.

Ngoài ra, những lý do gây tác động khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm còn nằm ở các nguyên nhân “quen thuộc” như: hạn chế về năng lực của các nhà thầu thi công, hạn chế của các đơn vị tư vấn và sự phối hợp chưa tốt trong công tác thẩm định hồ sơ...

Xác định rõ, “giải ngân vốn đầu tư công chậm ngày nào sẽ là mất cơ hội phục hồi ngày đó”, Chính phủ đang đốc thúc các bộ, ngành địa phương quyết tâm cao nhất phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.

Ở góc độ địa phương, lãnh đạo tỉnh cũng đang rất “sốt ruột” đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 10 tháng còn lại của năm 2022. Các giải pháp quyết liệt đang được đưa ra, áp dụng nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, đẩy nhanh tiến độ các thủ tục. Trong đó, nhấn mạnh đến khâu thi công của các dự án bởi chỉ khi thi công đúng tiến độ thì mới có thể giải ngân. Các nhà thầu thi công đủng đỉnh, hạn chế năng lực, nhận nhiều dự án rồi không bao quát được tiến độ sẽ bị truy trách nhiệm. Bên cạnh đó, các khâu kiểm tra, rà soát từ phía các ban quản lý dự án, sở, ngành, địa phương cũng phải đẩy mạnh thêm. Hy vọng các giải pháp này đủ mạnh, được thực hiện xuyên suốt để cuối năm 2022, Đồng Nai sẽ có một tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công “đẹp” hơn năm ngoái.       

Vi Lâm

Tin xem nhiều