Báo Đồng Nai điện tử
En

Tin vào sự phục hồi và phát triển

09:01, 20/01/2022

2020 và 2021 là 2 năm đầy khó khăn của kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 2,58%, thấp hơn mức 2,91% của năm 2020 và cũng là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

2020 và 2021 là 2 năm đầy khó khăn của kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 2,58%, thấp hơn mức 2,91% của năm 2020 và cũng là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, trong bức tranh nhiều thử thách của năm 2021, vẫn có những điểm sáng tích cực như: thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn tăng; đặc biệt, tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ (tăng 19% so với năm 2020) đã đưa Việt Nam trở thành một trong 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh diễn biến phức tạp, các chuỗi cung ứng đứt gãy, nhiều đơn hàng đình trệ, một số lĩnh vực “đóng băng” như: du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn… trở thành một năm khó quên của nhiều doanh nghiệp (DN) và những thử thách đó vẫn đang kéo dài đến hiện tại. Song bên cạnh đó, nhiều ngành, lĩnh vực vẫn nỗ lực tăng trưởng bất chấp những khó khăn do dịch bệnh mang lại và đạt nhiều thành tích ấn tượng.

Vậy nên, quan sát từ các báo cáo đánh giá, dự đoán của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), định hướng của Chính phủ, các bộ, ngành và nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, có thể thấy năm 2022, “từ khóa” của nền kinh tế Việt Nam vẫn là “phục hồi và phát triển”.

Trong ấn bản bổ sung thường kỳ của Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2021 công bố gần đây, ADB vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 6,5% cho năm 2022. Giám đốc ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries đánh giá, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 rất nặng nề và rõ rệt, nhưng đến nay, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh chóng, từ đó thúc đẩy giao thương mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, nhờ vào tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 tăng cao tạo điều kiện sớm mở cửa nền kinh tế, góp phần tăng trưởng trở lại (nguồn: ADB).

Về chính sách vĩ mô nhằm trợ lực cho kinh tế năm 2022, lưu ý nhất của cộng đồng DN vẫn là gói hỗ trợ kinh tế ước tính lên đến 350 ngàn tỷ đồng sẽ được áp dụng trong năm nay. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nghị quyết rất quan trọng nhằm thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Dĩ nhiên, những thử thách vẫn còn trước mắt, đặc biệt là những khó khăn nội tại lẫn khó khăn khách quan vẫn đang “chồng chất” trên vai nhiều DN. Song nhìn chung, DN nào cũng kỳ vọng khi dịch bệnh Covid-19 giảm dần các ảnh hưởng, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tích cực đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, DN trong nước tiếp tục thành lập mới và khối DN quay trở lại hoạt động tăng lên, các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của Chính phủ được áp dụng… thì kinh tế Việt Nam trong năm 2022 sẽ bứt phá hơn sau khi trải qua gần 3 năm đầy khó khăn, thách thức.

Vi Lâm

Tin xem nhiều